Xét nghiệm Delta ALA niệu xác định tình trạng nhiễm độc chì

07/10/2022 | 09:40 AM

 | 

Delta ALA là một acid amin nội sinh, là chất quan trọng trong quá trình tổng hợp nhân Hem của hồng cầu (thành phần cấu tạo nên tế bào máu hồng cầu). Chì nếu sử dụng hay tiếp xúc nhiều sẽ gây nên hiện tượng nhiễm độc chì, đặc biệt nguy hiểm đối với trẻ em. Nhận biết tình trạng nhiễm độc chì qua xét nghiệm Delta ALA niệu nhằm xác định nồng độ chì có trong nước tiểu.

1. Những đặc tính của chì

Chì có ký hiệu là Pb là một kim loại mềm màu xám, có trọng lượng phân tử khoảng 207. Trong tự nhiên, chì tồn tại dưới dạng các muối của chì như chì sunfat (PbSO4), các oxit chì (PbO, PbO2,…) và các hợp chất chì với các oxit kim loại khác nhau như silicat chì,…

- Chì xâm nhập vào cơ thể con người theo 3 đường chính là: đường tiêu hóa, đường hô hấp, đường da.

Chì là kim loại được sử dụng phổ biến trong cuộc sống  

Chì là kim loại được sử dụng phổ biến trong cuộc sống

Hình 1: Chì là kim loại được sử dụng phổ biến trong cuộc sống

- Bình thường khi chì vào cơ thể, các cơ quan bài tiết sẽ giữ cân bằng giữa lượng chì xâm nhập và đào thải của cơ thể. Khi lượng chì nhiễm vào cơ thể nhiều, ở giai đoạn thâm nhiễm có sự cố định và tích lũy chì ở gan, lách, thận, hệ thống thần kinh,… và nhiều nhất thấy chì lắng đọng ở xương dưới dạng chì phosphate.

Chì được đào thải chủ yếu qua đường tiết niệu và tiêu hóa, có thể được đào thải qua nước bọt, qua da. Có thể thấy trong sữa, tóc,...

2. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiễm độc chì

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiễm độc chì đó là:

- Do môi trường:

+ Sử dụng các loại sơn (sơn tường, sơn nhà,…) có chứa chì và hít phải bụi từ những loại sơn cũ này.

+ Đất bị ô nhiễm chì từ các hoạt động công nghiệp hay các phương tiện lưu thông trên đường xá có sử dụng xăng chứa chì.

+ Hệ thống nước ô nhiễm có thể do ống dẫn nước cũ có chứa chì.

+ Không khí bị ô nhiễm từ khói của các khu công nghiệp, khói xe sử dụng xăng dầu có chì.

Công nhân làm việc trong các mỏ khai thác chì có nguy cơ cao nhiễm độc chì

Hình 2: Công nhân làm việc trong các mỏ khai thác chì có nguy cơ cao nhiễm độc chì

- Do thuốc, thực phẩm:

Một số loại thuốc nam dùng để uống hay bôi có chứa hàm lượng chì có thể gây ra ngộ độc chì, đặc biệt ở trẻ em. Một số thực phẩm bị ô nhiễm chì từ các vật liệu đóng gói, nguyên liệu hay trong quá trình sản xuất không được kiểm soát tốt.

- Những nhóm nghề lao động có nguy cơ nhiễm độc chì cao là:

+ Làm việc trong các mỏ khai thác quặng chì. Nung nấu, tinh chế chì.

+ Luyện kim, cơ khí.

+ Sản xuất sơn chống rỉ.

+ Sản xuất, sửa chữa ắc quy.

+ Sản xuất men sứ (chứa silicat chì).

+ Sản xuất ống dẫn nước, dây điện chì.

3. Ý nghĩa của xét nghiệm Delta ALA niệu

Lượng chì bài tiết qua nước tiểu là đặc biệt quan trọng và có ý nghĩa nhưng nó bị phụ thuộc vào tình trạng chức năng thận.

- Xét nghiệm Delta ALA niệu là xét nghiệm đánh giá mức độ thâm nhiễm chì được thực hiện phân tích trên mẫu nước tiểu 24 giờ, để đảm bảo kết quả chính xác bạn sẽ được hướng dẫn chi tiết cách lấy nước tiểu 24 giờ. Đây được coi là nghiệm pháp phát hiện sớm nhất, đặc hiệu nhất đối với nhiễm độc chì.

- Xét nghiệm được thực hiện để sàng lọc những đối tượng làm việc trong những môi trường có nguy cơ cao nhiễm độc chì và cả những thành viên trong gia đình họ.

Xét nghiệm Delta ALA niệu giúp chẩn đoán sớm tình trạng nhiễm độc chì

Xét nghiệm Delta ALA niệu giúp chẩn đoán sớm tình trạng nhiễm độc chì

Hình 3: Xét nghiệm Delta ALA niệu giúp chẩn đoán sớm tình trạng nhiễm độc chì

 - Giá trị bình thường của xét nghiệm Delta ALA niệu là: 0.3 - 1.8µg/dl/24 giờ.

+ Nếu nồng độ chất này từ 15 - 25 µg/dl/24 giờ cho thấy tăng nồng độ chì trong máu .

+ Nếu trên 25 µg/dl/24 giờ giờ gợi ý tình trạng nhiễm độc chì. Khi nồng độ Delta ALA niệu > 15 µg/dl /24 giờ là thấy có biểu hiện lâm sàng.

Nguyên nhân gây tăng Delta ALA nước tiểu là do có sự ức chế ALA.

4. Ảnh hưởng của nhiễm độc chì đối với cơ thể

Tình trạng nhiễm độc chì sẽ ảnh hưởng nhiều đến chức năng hoạt động của con người như :

- Tác hại đến hệ thống tạo máu: hơn 90% lượng chì vào cơ thể sẽ gắn với hồng cầu, ảnh hưởng đến quá trình tổng hợp nhân hem của hemoglobin làm cho tổng hợp hem kém hiệu quả và dẫn đến tình trạng thiếu máu hồng cầu nhỏ. Có thể quan sát thấy nhiều hồng cầu hạt kiềm trong máu.

+ Số lượng hồng cầu trong máu giảm nguyên nhân là do đời sống của hồng cầu bị rút ngắn.

+ Do chì ức chế hoạt động của men ALAD trong quá trình tổng hợp hem dẫn đến hậu quả là tăng Delta ALA trong máu và trong nước tiểu.

- Tác động đến thận: làm suy giảm chức năng lọc của thận, thận tiến triển chậm, tổn thương cấu trúc thận. Tổn thương thận có thể gây ra hiện tượng đái máu, protein niệu cao.

- Tác động đến hệ thần kinh: nhiễm độc chì cản trở sự dẫn truyền thần kinh dẫn đến cản trở về nhận thức.

- Ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa: nhiễm độc chì gây tình trạng đau bụng, viêm dạ dày và ruột, ảnh hưởng đến gan rõ ràng.

- Ảnh hưởng đến cơ quan sinh sản:

+ Nữ giới: có thể gây đẻ non, nguy hiểm đến tính mạng của mẹ.

+ Nam giới: gây tổn thương tinh hoàn, vô sinh.

Xét nghiệm Delta ALA niệu thường được kết hợp cùng với các xét nghiệm máu khác như xét nghiệm tổng phân tích máu, các xét nghiệm sinh hóa để tăng hiệu quả chẩn đoán bệnh. Bạn nên tới các cơ sở y tế uy tín để thực hiện xét nghiệm giúp hiện chính xác kịp thời tình trạng bệnh và được tư vấn điều trị hiệu quả.

Tình trạng nhiễm độc chì nhẹ hay nặng còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như độ tuổi, thời gian tiếp xúc với chì, hàm lượng chì,… Nhìn chung bệnh gây ra rất nhiều hậu quả và đặc biệt gây ảnh hưởng nghiêm trọng đối với trẻ em do đó cần đi khám sức khỏe ngay khi có những biểu hiện bất thường.

Chì gây nhiều tác hại nguy hiểm đặc biệt với phụ nữ mang thai và trẻ em./.

Theo: medlatec.vn