Các bệnh nghề nghiệp do yếu tố vật lý
22/08/2024 | 15:33 PM
|
Do đặc thù của nghề nghiệp, người lao động có thể phải làm việc trong các điều kiện vật lý không đảm bảo sức khỏe và dẫn đến những bệnh nghề nghiệp khác nhau. Các bệnh nằm trong nhóm này bao gồm: bệnh do quang tuyến X và các chất phóng xạ, bệnh điếc do tiếng ồn, bệnh rung chuyển nghề nghiệp, bệnh giảm áp mạn tính nghề nghiệp, bệnh nghề nghiệp do rung toàn thân.
Nguyên nhân
Bệnh do quang tuyến X và chất phóng xạ: Yếu tố gây bệnh nghề nghiệp là các bức xạ ion hóa trong môi trường lao động, bao gồm: photon (tia X, tia gamma), hạt điện tử, nơtron, proton, các hạt alpha, các mảnh phân hạch,… Bệnh nghề nghiệp này thường gặp trong những công việc có tiếp xúc với phóng xạ như chẩn đoán hình ảnh, sử dụng phóng xạ để kiểm tra cấu trúc, vận chuyển và lưu trữ phóng xạ, nhà máy phóng xạ,…
Bệnh điếc do tiếng ồn: Bệnh nghề nghiệp này thường gặp ở những người làm việc tại sân bay, khai khoáng, cơ khí, xây dựng, huấn luyện bắn súng, bộ đội tăng /thiết giáp và pháo binh.
Bệnh nghê nghiệp do rung cục bộ: Bệnh xảy ra do sự rung cục bộ được truyền qua tay khi dùng các loại dụng cụ như búa, dũi, búa tán, đúc khuôn, máy khoan đá,… Hay khi sử dụng các máy chạy bằng động cơ loại cầm tay như máy cưa, máy cắt có, máy khoan, máy tời khoan dầu khí, máy mài nhẵn các vật kim loại, tỳ vật mài lên đá mài quay tròn,…
Bệnh giảm áp mạn tính nghề nghiệp: Bệnh giảm áp nghề nghiệp xảy ra khi áp suất môi trường làm việc thường xuyên thay đổi đột ngột khiến các bọt khí hình thành trong lòng mạch máu. Tình trạng này có thể gặp thợ lặn, công nhân làm việc trong buồng cao áp, hòm chìm, trong hầm mỏ sâu hay công trình ngầm.
Bệnh nghề nghiệp do rung toàn thân: Nguyên nhân gây bệnh nghề nghiệp này là do sự rung cơ học toàn thân trong quá trình lao động ở các công việc như: tài xế lái xe có trọng tải, điều khiển máy thi công cơ giới, vận hành máy móc và thiết bị công nghiệp.
Triệu chứng
Bệnh nghề nghiệp liên quan đến phóng xạ gây suy nhược, mệt mỏi, chán ăn, nôn nhiều, tiêu chảy dẫn đến mất nước, rối loạn điện giải, thiểu niệu và giảm hồng cầu. Bệnh nhân cũng thường bị nhiễm khuẩn hô hấp, viêm da, viêm kết mạc, đục thủy tinh thể. Khi bệnh kéo dài, toàn thân sẽ suy kiệt và không hồi phục.
Những bệnh nghề nghiệp do rung toàn thân hay cục bộ sẽ có triệu chứng đau xương khớp, đau cột sống thắt lưng, rối loạn vận mạch, tổn thương thần kinh – cơ,…
Bệnh giảm áp nghề nghiệp thì biểu hiện ở tình trạng đau xương khớp, chấn thương xoang hay tai giữa (chảy máu mũi và tai), ở mức độ nặng thì các bóng khí có thể chèn ép cột sống hay não gây liệt.
Chẩn đoán
Phương pháp chẩn đoán chính được sử dụng đối với các bệnh nghề nghiệp trên là chụp X-quang. Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ thực hiện khám lâm sàng, khai thác thông tin nghề nghiệp, bệnh sử và thực hiện các nghiệm pháp khác nhau để chẩn đoán phân biệt với bệnh nhân tổn thương không do nghề nghiệp.
Điệu trị và phòng ngừa
Nhìn chung, điều trị các bệnh nghề nghiệp do yếu tố vật lý như trên thường rất khó khăn và không thể điều trị ổn định. Chủ yếu là điều trị phục hồi bằng mọi phương pháp có thể như thuốc, vật lý trị liệu, dinh dưỡng và chăm sóc bệnh nhân.
Để phòng bệnh, cần chú ý tuân thủ đầy đủ biện pháp an toàn và vệ sinh lao động, khám tuyển và khám sức khoẻ định kỳ theo quy định của pháp luật cũng như lưu ý đi khám ngay khi có các triệu chứng nghi ngờ để sớm phát hiện bệnh lý và điều trị.
Tin liên quan
- 7.000 người lao động được chẩn đoán mắc bệnh nghề nghiệp mỗi năm
- Điều kiện xác định người bị phơi nhiễm HIV, nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp
- Tập huấn cập nhật kiến thức trong khám, phát hiện bệnh nghề nghiệp năm 2024
- Hải Dương tăng cường thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp
- Tìm giải pháp phòng tránh bệnh nghề nghiệp cho nhân viên Y tế
- Bộ Y tế tập huấn hướng dẫn triển khai công tác an toàn, vệ sinh lao động tại các cơ sở y tế
- Một số thông tin về bệnh bụi phổi than