Căng thẳng do công việc có liên quan đến các bệnh tâm thần phổ biến

25/07/2022 | 10:18 AM

 | 

 

Theo nghiên cứu mới của Viện Black Dog Institute (Australia), căng thẳng công việc mức độ cao gắn với rủi ro tăng cao đối với các vấn đề về sức khỏe tâm thần đang trở nên phổ biến như chứng trầm cảm và lo âu ở người lao động nhóm tuổi trung niên.

Kết quả nghiên cứu được công bố trên tập san Lancet Psychiatry cho thấy có tới 14% các ca mắc mới liên quan đến các chứng bệnh tâm thần phổ biến và có thể phòng ngừa bằng cách giảm thiểu căng thẳng do công việc tại nơi làm việc.

Các nhà nghiên cứu sử dụng thuật ngữ căng thẳng công việc để mô tả sự kết hợp nhịp độ, cường độ làm việc cao, những yêu cầu đối nghịch đi đôi với khả năng kiểm soát và ra quyết định thấp.

Phó giáo sư Samuel Harvey, Viện Black Dog Institute, trưởng nhóm tác giả cho biết: “Bệnh tâm thần là nguyên nhân hàng đầu liên quan đến nghỉ làm do bệnh tật và mất khả năng lao động trong thời gian dài tại Australia, tương đương khoảng 1,1 tỉ đô la các doanh nghiệp Australia mất đi hàng năm. Mô hình của chúng tôi sử dụng dữ liệu chi tiết trong hơn 50 năm qua để kiểm tra các phương thức khác nhau mà từ đó các điều kiện làm việc đặc thù có thể ảnh hưởng tới sức khỏe tâm thần của người lao động. Kết quả nghiên cứu như một hồi chuông cảnh tỉnh về vai trò của những sáng kiến tại nơi làm việc cần phải có trong các nỗ lực của chúng ta nhằm hạn chế chi phí ngày càng tăng do các chứng rối loạn tâm thần. Điều quan trọng cần lưu ý với hầu hết mọi người đó chính là làm việc là một liệu pháp tốt cho sức khỏe tâm thần. Nhưng nghiên cứu này cung cấp bằng chứng mạnh mẽ về việc các tổ chức có thể cải thiện tình trạng hưng phấn của người lao động bằng cách thay đổi nơi làm việc tạo tâm lý thoải mái hơn cho người lao động.”

Đội nghiên cứu quốc tế đã phân tích dữ liệu về sức khỏe của 6.870 người tham gia, điều tra xem liệu những người đã từng gặp hội chứng căng thẳng công việc có khả năng đối diện với rủi ro tăng cao về các loại bệnh tật liên quan đến tâm thần ở tuổi 50 hay không? Để xác định được các mức độ căng thẳng công việc, những người tham gia nghiên cứu thuộc nhóm 45 tuổi đã hoàn thiện một bảng câu hỏi kiểm tra về các nhân tố bao gồm cả thẩm quyền ra quyết định (khả năng ra các quyết định về công việc), quyền tùy nghi kỹ năng (cơ hội sử dụng các kỹ năng khi đang làm việc) và những câu hỏi về nhịp độ công việc, cường độ và những yêu cầu mang tính đối nghịch.

Các nhà nghiên cứu cũng coi các yếu tố không hiện diện ở nơi làm việc bao gồm ly hôn, các vấn đề về tài chính, nhà ở, sự không bền vững và các sự kiện đời sống khác gây căng thẳng như cái chết hay bệnh tật.

Các mô hình phát triển trong nghiên cứu này được điều chỉnh theo tính cách và phẩm chất của từng cá nhân người lao động, chỉ số IQ của họ, trình độ giáo dục, các vấn đề sức khỏe tâm thần trước đó và hàng loạt các yếu tố mà họ gặp phải từ trước tới nay.

Những người tham gia nghiên cứu ở lứa tuổi 50 đã hoàn thiện bảng câu hỏi Malaise Inventory, một thang đo tâm lý được sử dụng trong các cuộc khảo sát về sức khỏe để chỉ ra những triệu chứng bệnh tâm thần phổ biến.

Mô hình cuối cùng gợi cho thấy những yêu cầu việc làm đòi hỏi kinh nghiệm cao hơn, mức độ kiểm soát công việc thấp hơn và căng thẳng công việc nhiều hơn có thể làm tăng khả năng mắc các chứng bệnh tâm thần cao hơn ở lứa tuổi 50.

Phó giáo sư Harvey cho biết thêm: “Nghiên cứu của chúng tôi đã cố gắng tính tới các nguyên nhân khả thi mà những điều kiện công việc của một cá nhân có thể ảnh hướng tới sức khỏe tâm thần của chính họ - và mô hình hình này được xem là hoàn thiện nhất. Kết quả cho thấy nếu chúng ta có khả năng xóa bỏ các tình huống căng thẳng do công việc tại chỗ làm, thì có thể tránh được tới 14% các ca liên quan tới các chứng bệnh tâm thần phổ biến. Có thể áp dụng hàng loạt các biện pháp giảm thiểu căng thẳng do công việc tại nơi làm việc và tìm hướng làm tăng sự kiểm soát có nhận thức của người lao động về công việc của họ đang được xem là bước đi đầu tiên đem lại hiệu quả tích cực, có thể đạt được thông qua các sáng kiến ủng hộ việc người lao động ngày càng tham gia nhiều hơn vào các quá trình ra quyết định.”

Tổng hợp và biên dịch: Bích Hà

(Nguồn tin: safetyculture.com.au)