Cảnh báo bệnh nghề nghiệp của giáo viên thời công nghiệp 4.0

28/07/2020 | 15:34 PM

 | 

 

Mỗi giáo viên cần trang bị cho mình những kiến thức cần thiết, hãy là người sử dụng công nghệ thông thái, hạn chế thấp nhất việc mắc phải bệnh nghề nghiệp, có đủ sức khoẻ để phụng sự cho sự nghiệp trồng người. Thông điệp gửi tới các bạn đồng nghiệp là phải “tự cứu lấy mình trước khi trời cứu”.

Cách đây hơn  tháng, anh bạn của tôi, giáo viên dạy Sử ở một trường trung học phổ thông bị đau vai, gáy, mấy ngày sau cánh tay bên phải của anh bị tê, không cử động được. Tuần trước, một anh dạy Tin học cũng cảm thấy mỏi vai, mỏi cổ, sau đó cổ cử động khó khăn, đi khám, chụp hình, bác sĩ kết luận bị thoái hoá đốt sống cổ.

Cuối tuần, tôi lại nhận được tin cô học trò cũ là giáo viên môn Văn ở một trường cấp 2 Trảng Bàng không còn nhìn rõ vì mắt bị khô... Tất cả các triệu chứng của những căn bệnh trên, các bác sĩ đều xác định nguyên nhân chủ yếu do tiếp xúc nhiều với các phương tiện nghe nhìn. Các chuyên gia công nghệ và bác sĩ đã cảnh báo rất nhiều người, trong đó có giáo viên dễ mắc các bệnh trong thời đại công nghiệp 4.0 như các bệnh về mắt, cột sống, đầu, khuỷu tay...

Sự phát triển của khoa học công nghệ đã mang đến cho con người nhiều tiện ích. Công nghệ nghe nhìn thời 4.0 khiến cho “thế giới phẳng” hơn và được sử dụng rộng rãi hơn, mang lại hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội. Đối với nghề giáo, bảng đen phấn trắng không còn phổ biến trên bục giảng nữa, nhờ đó mà các căn bệnh về mũi, họng, lao phổi... giảm đáng kể.

Bây giờ, các phương tiện nghe nhìn phục vụ cho việc dạy học được sử dụng phổ biến, thường xuyên và hết sức đa dạng. Với các thiết bị máy tính, máy tính bảng, điện thoại thông minh... việc dạy học có thể diễn ra mọi nơi, mọi lúc. Hiện nay, hầu hết các trường của các cấp học đều được trang bị máy chiếu qua đầu (overhead), video, máy thu thanh (cassette player), bảng, bút tương tác, phần mềm powerpoint và các phần mềm trình diễn, hệ thống nghe nhìn...

Theo các nhà chuyên môn, xét về bản chất, các loại thiết bị này là máy phát và thu điện từ, khi hoạt động sẽ phát ra sóng vô tuyến, sóng này sẽ truyền đến người dùng, tác động đến não khi tiếp xúc nhiều giờ.

Kể từ khi thực hiện Đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá; và từ khi đại dịch Covid- 19 xảy ra, phải dạy học online trực tuyến, việc ứng dụng, sử dụng công nghệ thông tin trong dạy học lại càng được chú trọng hơn. Các phương tiện dạy học được thiết kế và sử dụng đúng phương pháp, đúng các nguyên tắc sư phạm, chất lượng giáo dục, dạy học sẽ được cải thiện rất nhiều.

Chính vì thế, đa số giáo viên khai thác vai trò của máy tính để trình diễn các thông tin khác nhau như văn bản, hình ảnh, hoạt hình, video, mô phỏng, âm thanh... một cách linh hoạt và rõ ràng cho cả tập thể lớp cũng như từng cá nhân, khiến giờ dạy trở nên sinh động hơn, hiệu quả hơn.

Hiện nay, với đặc thù công việc, giáo viên phải tiếp xúc nhiều với các thiết bị công nghệ phục vụ cho dạy học nên hầu như giáo viên nào cũng có những vấn đề về mắt. So với thế hệ giáo viên của những thập kỷ cuối thế kỷ XX, hình như giáo viên hiện nay cận (hoặc viễn) nhiều hơn. Tiếp xúc với điện thoại, máy tính, màn hình, máy chiếu quá nhiều có thể dẫn đến chứng ảo giác, hay các biểu hiện khác như mỏi mắt, khô mắt....

Để đề phòng, ngăn chặn, các chuyên gia khuyến cáo cần cải thiện điều kiện làm việc như chiếu sáng phù hợp, dùng màn hình chống loá, đặt màn hình ở vị trí phù hợp, tăng kích thước màn hình, phông chữ, kết hợp làm việc với giải lao, tập các bài tập về thể lực, mắt... Khi tiếp xúc với máy tính, điện thoại, các thiết bị về công nghệ quá lâu cũng sẽ xuất hiện bệnh đau đầu bởi tín hiệu trên màn hình được hình thành từ những tia điện tử phát ra và tạo bức xạ điện tử sẽ tác động lên đầu, não người dùng.

Khi giáo viên ngồi quá lâu, với tư thế cúi đầu, tạo căng thẳng cho đốt sống cổ, sẽ mắc “những chiếc cổ bị bệnh”. Thoái hoá đốt sống cổ, vôi hoá cột sống là một bệnh khá phổ biến hiện nay đối với giáo viên. Hơn thế, người sử dụng máy tính, máy tính bảng, điện thoại nhiều còn có thể dẫn đến bệnh viêm khớp tay. Nhẹ thì trật khớp, bong gân, giãn cơ, đau sưng, tấy đỏ; nặng thì tràn dịch khớp nhiễm khuẩn hoặc gãy xương...

Viêm khớp khuỷu tay tuy không ảnh hưởng đến tính mạng con người nhưng lại gây ra nhiều khó khăn trong sinh hoạt hằng ngày khiến chất lượng cuộc sống bị giảm sút... Ngoài ra, việc sử dụng các thiết bị công nghệ của giáo viên còn tiềm ẩn biết bao căn bệnh khác chưa thể lường được cả về thể chất lẫn tinh thần, ảnh hưởng không nhỏ đến nghề nghiệp, cuộc sống.

Máy móc, thiết bị của thời đại công nghiệp 4.0 mang đến nhiều tiện ích, mở ra nhiều cơ hội cho bất cứ ai nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ gây ra nhiều căn bệnh. Do đặc trưng công việc, nhóm người thuộc ngành công nghệ thông tin, biên tập viên, nhân viên văn phòng, giáo viên... chịu nhiều rủi ro hơn.

Đối với giáo viên, sự trợ giúp của các công cụ, thiết bị công nghệ là rất cần thiết. Công việc dạy học của nhà giáo ngày nay đã khác trước rất nhiều. Việc trang bị kiến thức, kỹ năng cho học sinh không chỉ qua sách vở, bảng đen phấn trắng, thầy giảng trò nghe, thầy đọc trò chép mà qua nhiều thiết bị, phương tiện công nghệ hiện đại như  máy tính, máy tính bảng, bảng tương tác, điện thoại thông minh...

Không những thế, giáo dục và đào tạo trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 có sứ mệnh phải đào tạo học sinh thành những người năng động, sáng tạo và giúp các em dám đương đầu với những mặt trái của công nghệ và xã hội. Chính vì thế, sử dụng các công cụ, thiết bị công nghệ thông tin là yêu cầu bắt buộc đối với tất cả giáo viên. Và việc sẽ xuất hiện những bệnh nghề nghiệp mới là không thể tránh khỏi.

Nghề dạy học chưa bao giờ là nhàn. Nay thêm việc sử dụng công nghệ thông tin lại càng không thể nhàn. Vì thế, mỗi giáo viên cần trang bị cho mình những kiến thức cần thiết, hãy là người sử dụng công nghệ thông thái, hạn chế thấp nhất việc mắc phải bệnh nghề nghiệp, có đủ sức khoẻ để phụng sự cho sự nghiệp trồng người. Thông điệp gửi tới các bạn đồng nghiệp là phải “tự cứu lấy mình trước khi trời cứu”.

Nguồn: baotayninh.vn