HỆ THỐNG CHĂM SÓC CHẤN THƯƠNG TRƯỚC VIỆN TẠI VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 2006-2011

23/08/2012 | 05:00 AM

 | 

Ở Việt Nam, công tác chăm sóc chấn thương trước khi đến viện tại nhiều nơi vẫn chưa đảm bảo.

HỆ THỐNG CHĂM SÓC CHẤN THƯƠNG TRƯỚC VIỆN
 TẠI VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 2006-2011

  Ở Việt Nam, công tác chăm sóc chấn thương trước khi đến viện tại nhiều nơi vẫn chưa đảm bảo. Việc sơ cấp cứu tai nạn và vận chuyển nạn nhân không đảm bảo kỹ thuật cũng khiến cho cho mức độ thương tích trở nên trầm trọng hơn, tỷ lệ tử vong do tai nạn giao thông cũng tăng lên.

Để hỗ trợ cho việc triển khai hoạt động chăm sóc chấn thưong trước viện được thuận lợi, đã có một số văn bản pháp quy được ban hành bắt đầu từ năm 2008 như: Quyết định số 01 /2008/QĐ-BYT ngày 21/01 /2008 của Bộ trưởng Bộ Y tế  về việc ban hành quy chế cấp cứu, hồi sức tích cực và chống độc; Quyết định số 12/2008/QĐ-BYT ngày 27/2/2008 của Bộ trưởng Bộ Y tế  về tiêu chuẩn kiến thức, kỹ năng của nhân viên y tế và trang thiết bị trong chăm sóc chấn thương thiết yếu; Quyết định số 17/2008/QĐ-BYT ngày 28/4/2008 phê duyệt chương trình hành động phòng chống tai nạn thương tích tại cộng đồng đến năm 2010; Chỉ thị 05/CT-BYT ngày 14/4/2011 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc tăng cường công tác phòng, chống tai nạn thương tích tại cộng đồng; Quyết định 1900/QĐ-BYT ngày 10/6/2011của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc phê duyệt Kế hoạch phòng, chống TNTT tại cộng đồng giai đoạn 2011-2015. (Thông tư hướng dẫn chi phí cho nhân viên y tế thôn bản).

            Cùng với các văn bản pháp quy, từ năm 2006-2011, hoạt động chăm sóc chấn thương trước viện đã được thực hiện thí điểm tại Hà Nội, Khánh Hòa, Thừa Thiên Huế, Hưng Yên, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh với những hoạt động đa dạng và được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau. Trong 6 năm thực hiện hoạt động chăm sóc chấn thương trước viện ở Việt Nam đã đạt được một số kết quả nhất định:

Về cơ chế chỉ đạo: Xây dựng thí điểm dịch vụ thông tin tư vấn cho cộng đồng về vận chuyển cấp cứu và CTTV tại cộng đồng gồm sử dụng số điện thoại cấp cứu y tế 115 hiện có tại Hà Nội và Thừa Thiên Huế để tư vấn. Hình thành mạng lưới bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân của 115 gồm bệnh viện tuyến trung ương và thành phố của Hà Nội và Thừa Thiên Huế; Mạng lưới tình nguyện viên chăm sóc chấn thương trước viện được thành lập tại 5 tỉnh Hà Nội, Hưng Yên, Thừa Thiên Huế, TP Hồ Chí Minh và Đồng Nai và có cơ quan chỉ đạo, thực hiện, đồng thời xây dựng được cơ chế theo dõi báo cáo đánh giá hoạt động chăm sóc chấn thương trước viện của tình nguyện viên tại 5 tỉnh.

 

Về tập huấn, đào tạo: 08 lớp tập huấn cho 320 TNV của 16 xã huyện Từ Liêm về xử trí cấp cứu ban đầu và sử dụng xe mô tô cứu thương chuyên dụng; 100 khóa tập huấn ban đầu cho 3000 tình nguyện viên  về sơ cấp cứu và 38 khóa tập huấn lại cho 1140 tình nguyện viên. 

Về công tác truyền thông:

- Tuyên truyền về mạng lưới tư vấn và vận chuyển cấp cứu 115 thông qua tờ rơi, poster và tin phát trên VTV trung ương và các đài địa phương.

- Thông tin tuyên truyền về mạng lưới tình nguyện viên sơ cấp cứu chấn thương thông qua tờ rơi, poster, pano và băng casset. 


 Về Cung cấp trang thiết bị: 02 xe cứu thương, 08 mũ bảo hiểm, 08 bộ trang phục chuyên dụng, 18 điện thoại di động và thẻ điện thoại, 16 bình ôxy và thuốc phục vụ sơ cấp cứu cho TTCC 115 Hà Nội năm 2007; Trang bị tổng đài bộ đàm, bộ đàm, máy tính cũng được trang bị cho TTVCCC 115 và 5 bệnh viện của TP Hà Nội và Thừa Thiên Huế năm 2008; 3050 túi cứu thương cho tình nguyện viên và giảng viên nguồn năm 2010.

                                            

 Giải pháp đảm bảo tính bền vững của hoạt động chăm sóc chấn thương trước viện và duy trì mạng lưới tình nguyện viên:Duy trì sự nhiệt tình và động lực của tình nguyện viên trong chương trình chăm sóc chấn thương trước viện; Hỗ trợ về mặt tài chính, động viên khen thưởng thông qua các bằng chứng nhận, bằng khen để họ cảm thấy được đánh giá cao và giá trị bản thân. Có khoản kinh phí hỗ trợ hàng tháng thông qua các cuộc họp giao ban hàng tháng; Kinh phí hỗ trợ cho việc thay thế vật tư tiêu hao, đào tạo thường xuyên cho tình nguyện viên, nhân viên y tế thôn bản về sơ cấp cứu chấn thương; Cần có sự quan tâm đầu tư và nỗ lực của địa phương về vấn đề chăm sóc chấn thương trước viện: sử dụng 10% tiền phạt vi phạm đường bộ hỗ trợ cho hoạt động này, có chế độ ưu tiên đối với tình nguyện viên như giảm thuế, trợ cấp giáo dục, ưu tiên về y tế; Lồng ghép chương trình chăm sóc chấn thương trước viện với các chương trình khác của quân dân y, phối hợp hoạt động của Hội chữ thập đỏ; Có quy chế phối hợp cấp cứu và vận chuyển cấp cứu, quy chế về chăm sóc chấn thương trước viện trên địa bàn tỉnh.