Chó nhà hàng xóm cắn trọng thương bé 3 tuổi

16/02/2023 | 11:19 AM

 | 

Cháu H. sang nhà hàng xóm chơi và bị chó nuôi tấn công gây thương tích ở vùng mặt 2 bên má, rách sát vách mũi và có nhiều vết thương hở chảy máu.

Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ tiếp nhận bệnh nhi Nguyễn Gia H, 3 tuổi (ở huyện Phù Ninh, Phú Thọ) trong trạng thái quấy khóc tâm lý hoảng sợ, nhiều vết chó cắn ở trên mặt.

Gia đình cho biết, cháu H. sang nhà hàng xóm chơi và bị chó nuôi tấn công. Nghe tiếng la hét của cháu, hàng xóm và gia đình chạy lại thì thấy cháu H. đang bị chó cắn, kiểm tra bé thấy bị thương ở vùng mặt 2 bên má, vết rách chảy nhiều máu bám bụi bẩn.

Ngay lập tức gia đình đã đưa bé đến khoa cấp cứu Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ để thăm khám và sơ cứu ban đầu. Sau khi kiểm tra bé H. được chuyển lên Khoa Mắt, Tai Mũi Họng – Răng Hàm Mặt.

 

Mẹ của H. cho biết, chú chó tấn công được gia đình hàng xóm nuôi để trông nhà. Tại thời điểm xảy ra sự việc, chó được thả rông, không rọ mõm.

Bác sĩ Vương Phương Thảo - Khoa Mắt, Tai Mũi Họng – Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ, người trực tiếp xử lý vết thương cho biết, tình trạng khi cháu H. vào viện bị thương ở vùng mặt 2 bên má, rách sát vách mũi và có nhiều vết thương hở chảy nhiều máu. Trong đó nghiêm trọng nhất là vết thương góc trong mắt bên trái vị trí gần mắt nhất.

Sau khi đánh giá tình trạng vết thương, các bác sĩ tiến hành phẫu thuật khâu phục hồi đa vết thương và đồng thời tư vấn tiêm phòng uốn ván, tiêm huyết thanh phòng dại, dùng kháng sinh dự phòng nhiễm trùng.

Chó nhà hàng xóm cắn trọng thương bé 3 tuổi - Ảnh 1.

 

Vết thương trên khuôn mặt trẻ do chó nuôi gây ra.

Các bác sĩ cho biết trong thời gian qua, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ đã tiếp nhận nhiều bệnh nhi bị chó thả rông cắn. Hầu hết các trường hợp bị chó cắn là do chủ quan cả từ phía gia đình nuôi chó và phía trẻ.

Chính vì vậy, các bậc phụ huynh nên hạn chế cho trẻ em tiếp xúc với chó nuôi, chó lạ. Nhà có trẻ nhỏ không nên nuôi giống chó to và dữ. Khi nuôi chó, người dân cần tiêm phòng đầy đủ, thuần dưỡng chó, nếu cho chó ra ngoài phải rọ mõm...

Bác sĩ khuyến cáo khi bị chó/động vật tấn công chúng ta cần chủ động đi tiêm phòng để bảo vệ sức khỏe bản thân. Nếu không được tiêm phòng, 100% bệnh nhân bị chó dại cắn đều tử vong.

Bệnh dại lây truyền chủ yếu qua vết cắn hoặc vết cào, liếm của con vật bị bệnh dại lên vùng da bị tổn thương. Bệnh dại trên người có thể hoàn toàn phòng và điều trị dự phòng bằng vaccine hay huyết thanh kháng dại. Nếu tiêm ngay lập tức và đúng phác đồ có thể phòng bệnh 100%.

Để chủ động phòng chống bệnh dại, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:

1. Tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y.

2. Không thả rông chó, mèo; chó ra đường phải được đeo rọ mõm.

3. Không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo.

4. Khi bị chó, mèo cắn, cào, liếm cần:

- Rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng đặc liên tục trong 15 phút, nếu không có xà phòng thì phải xối rửa vết thương bằng nước sạch - đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh dại khi bị chó, mèo cắn.

- Sau đó tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70%, cồn iod hoặc Povidone, Iodine.

- Hạn chế làm dập vết thương và không được băng kín vết thương.

- Đến ngay Trung tâm y tế gấn nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời. Chỉ có tiêm phòng mới ngăn ngừa không bị bệnh dại.

- Tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh dại.

Nguồn: Suckhoedoisong.vn