Mỗi năm có hơn 1,1 triệu trường hợp mắc tai nạn thương tích
05/12/2024 | 14:44 PM
|
Đánh giá thương tích nạn nhân cấp cứu tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tai nạn thương tích chiếm tới 11% gánh nặng bệnh tật toàn cầu, trong đó 80% ở các nước đang phát triển. Mỗi năm trên toàn cầu có khoảng 4,4 triệu người chết vì tai nạn thương tích (chiếm 8% tổng số các trường hợp tử vong) và 78 triệu người tàn tật vĩnh viễn do tai nạn thương tích, trong đó tai nạn giao thông đường bộ, đuối nước, ngã và bạo lực là những nguyên nhân chính. Tại Việt Nam, trong mô hình bệnh tật, tai nạn thương tích chiếm tỷ lệ 11,3% gánh nặng bệnh tật.
Số liệu thống kê từ các cơ sở y tế trên cả nước cho thấy, trung bình mỗi năm có hơn 1,1 triệu trường hợp mắc tai nạn thương tích đến khám và điều trị tại cơ sở y tế và hơn 30 nghìn người chết do tai nạn thương tích. Đáng lo ngại, tai nạn giao thông đường bộ, đuối nước và tai nạn lao động là những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu do tai nạn thương tích.
Kết quả nghiên cứu "Thực trạng tử vong do tai nạn thương tích tại Việt Nam giai đoạn 2012-2022" do Bộ Y tế thực hiện cho thấy, trung bình mỗi năm có khoảng 33.619 người chết do tai nạn thương tích, với tỷ suất 36,73 trên 100 nghìn dân. Phần lớn người chết là nam giới, chiếm 25.736 trường hợp (chiếm 76,5%). Xét về nhóm độ tuổi, nhóm tuổi từ 20 đến 59 tuổi có tỷ lệ tử vong cao nhất do tai nạn thương tích (chiếm 65,79%), tiếp đến là nhóm hơn 60 tuổi (chiếm 17,08%) và nhóm từ 15 đến 19 tuổi (chiếm 7,06%) và nhóm từ 0 đến 4 tuổi có tỷ lệ 4,18%.
Các bác sĩ Bệnh viện Bãi Cháy cấp cứu bệnh nhân do TNGT.
Nỗ lực giảm tai nạn thương tích
PGS.TS Lương Mai Anh, Cục trưởng Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) cho biết: Những năm qua, Bộ Y tế triển khai nhiều hoạt động, chính sách nhằm giảm tai nạn thương tích theo chức năng nhiệm vụ được giao. Một số chính sách tiêu biểu như Luật Khám, chữa bệnh số 15/2023/QH13 đã quy định cụ thể về hoạt động cấp cứu ngoại viện trong đó quy định hoạt động sơ cứu do người có kiến thức hoặc đã qua đào tạo về cấp cứu ngoại viện thực hiện; Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ được thông qua ngày 27/6/2024 đã đưa vào một số điểm mới liên quan đến quy định về thiết bị an toàn của trẻ em; tổ chức triển khai Chương trình quốc gia phòng chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2021-2030 và một số chương trình và dự án can thiệp dựa vào bằng chứng theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới.
Ngoài ra, Bộ Y tế đã ban hành kế hoạch phòng chống tai nạn thương tích tại cộng đồng của ngành y tế giai đoạn 2021-2025, với mục tiêu nâng cao năng lực chỉ đạo, tổ chức, triển khai, giám sát các hoạt động phòng chống tai nạn thương tích tại cộng đồng, sơ cấp cứu và điều trị của ngành y tế, tập trung vào các loại hình tai nạn thương tích gây tử vong cao góp phần nâng cao sức khỏe và an toàn cho người dân; tổ chức các lớp tập huấn nhận diện các yếu tố nguy cơ gây tai nạn thương tích, biện pháp dự phòng và sơ cấp cứu tai nạn giao thông… Với nỗ lực nêu trên, từ năm 2012 đến nay, tỷ suất tử vong do tai nạn thương tích trên 100 nghìn dân giảm khoảng 28%; gần 500 xã, phường được công nhận cộng đồng an toàn-phòng chống tai nạn thương tích.
Mặc dù vậy, số trường hợp tử vong vẫn duy trì ở mức cao, còn nhiều nguy cơ tiềm ẩn gây tai nạn thương tích. Nguyên nhân chủ yếu là do nguy cơ thương tích gia tăng trong môi trường sống liên quan đến đô thị hóa, công nghiệp hóa nhanh chóng cũng như các yếu tố thiên tai, biến đổi khí hậu đang diễn biến khó lường; chính quyền địa phương nhiều nơi chưa thật sự quan tâm, đầu tư cho công tác phòng chống tai nạn thương tích. Công tác thông tin, tuyên truyền còn hạn chế, nhận thức về nguy cơ tai nạn thương tích chưa sâu; đội ngũ cán bộ chuyên môn tại các tuyến còn hạn chế về năng lực, nhất là năng lực sơ cứu tại chỗ chưa đáp ứng yêu cầu khi có thương tích xảy ra.
Ngành Y tế nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tai nạn thương tích
Để nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tai nạn thương tích, nhất là giảm số người chết do tai nạn thương tích gây ra, bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, đề án liên quan như Luật Phòng bệnh, đề án phát triển y tế học đường; các bộ, ngành, chính quyền các địa phương và người dân cần triển khai các can thiệp cụ thể như dạy bơi, loại bỏ nguy cơ thương tích tại nhà, tại trường học và nơi công cộng.
Ngành Y tế cần tiếp tục nâng cao khả năng cấp cứu ngoại viện như dịch vụ vận chuyển cấp cứu, đào tạo kỹ thuật viên cấp cứu; tăng cường năng lực sơ cứu tại chỗ cho các nhóm đối tượng phù hợp; đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức về tai nạn thương tích thông qua mạng lưới y tế cơ sở…
Mặt khác, tập trung nâng cao nhận thức của người dân về an toàn giao thông, phòng chống đuối nước ở trẻ em cũng như cải thiện các biện pháp an toàn lao động; nâng cao chất lượng dịch vụ y tế cấp cứu, nhất là ở các khu vực khó tiếp cận; giám sát và đánh giá thường xuyên để kịp thời điều chỉnh các biện pháp can thiệp trong tương lai; phối hợp chặt chẽ giữa các ngành y tế, giao thông, giáo dục từ đó giúp cho việc xây dựng những chương trình can thiệp đạt hiệu quả cao hơn nữa trong cộng đồng dân cư trên toàn quốc.
Tin liên quan
- Ăn nhầm lá hoa thủy tiên, 2 trẻ bị ngộ độc nặng
- Giảm thiểu gánh nặng do thương tích- hiệu quả của các chính sách và can thiệp bền vững
- Phú Thọ tăng cường phòng, chống bệnh dại
- Sau 2 tháng bị chó dại cắn, bé trai 11 tuổi tử vong vì chữa bằng thuốc nam
- Dùng huyết thanh kháng nọc điều trị thành công nữ sinh 15 tuổi bị rắn cắn
- Cảnh báo nát bàn tay, mất ngón tay vì pháo tự chế