Phú Thọ tăng cường phòng, chống bệnh dại
03/12/2024 | 09:10 AM
|
Tại thành phố Việt Trì từ đầu năm đến nay xuất hiện ba ổ dịch ở phường Dữu Lâu, xã Kim Ðức và xã Phượng Lâu gây tâm lý hoang mang cho người dân. Ngay sau khi phát hiện các ổ dịch, thành phố đã khoanh vùng, đồng thời tiến hành tiêm vắc-xin phòng dại cho tất cả đàn chó trên địa bàn các xã, phường nêu trên.
Cán bộ thú y tỉnh Phú Thọ tiêm vắc-xin phòng, chống bệnh dại tại các địa phương trong tỉnh.
Trưởng phòng Kinh tế thành phố Việt Trì Nguyễn Xuân Tám cho biết, để kịp thời phòng chống, khống chế ổ dịch, ngăn ngừa nguy cơ lây lan bệnh dại trên địa bàn, Ủy ban nhân dân thành phố đã chỉ đạo các lực lượng vào cuộc; trong đó yêu cầu các phòng chuyên môn, đơn vị liên quan, các xã đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền bằng nhiều hình thức, đặc biệt trên hệ thống loa truyền thanh của xã, khu dân cư về tình hình bệnh dại trên địa bàn; tính chất nguy hiểm của bệnh dại; dấu hiệu nhận biết chó, mèo mắc bệnh dại và các biện pháp phòng chống bệnh dại; vận động người bị phơi nhiễm với bệnh dại đến các cơ sở y tế để được tư vấn, điều trị dự phòng kịp thời.
Ðồng thời đẩy nhanh công tác tiêm phòng vắc-xin trên đàn chó mèo. Ðến nay, toàn thành phố đã tiêm vắc-xin cho đàn chó mèo đạt 94,31%, góp phần giảm tỷ lệ chó, mèo mắc bệnh dại trên địa bàn.
Tại huyện Tân Sơn, việc chủ động phòng chống bệnh dại cũng được các đơn vị, địa phương hết sức chú trọng. So với những năm trước, năm nay các ổ dịch giảm rõ rệt và chỉ còn hai ổ tại xã Tân Sơn và xã Kiệt Sơn.
Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tân Sơn Ðỗ Thị Thu Hiền chia sẻ, để người dân hiểu về tác hại của việc không tiêm phòng vắc- xin khi bị chó, mèo cắn, Trung tâm Y tế huyện phối hợp Ðài Phát thanh huyện và 17 xã thường xuyên phát tin tuyên truyền về phòng chống bệnh dại; chỉ đạo các trạm y tế xã về biện pháp sơ cứu, xử lý khi bị chó mèo cắn, vận động người bị chó mèo cắn đi tiêm phòng…
Tuy nhiên, do đặc thù là huyện miền núi, trình độ dân trí một bộ phận người dân còn thấp nên khi bị chó mèo cắn, họ vẫn lơ là, chủ quan không đi tiêm phòng huyết thanh và vắc-xin phòng chống dại. Một số khi đi tiêm phòng không tuân thủ lịch tiêm như tiêm không đúng ngày hẹn, bỏ lịch tiêm…
Nhằm tiếp tục chủ động ngăn chặn, không để phát sinh và lây lan bệnh dại trên động vật, thời gian qua, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã phối hợp các cơ quan truyền trông đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi, trong đó có bệnh dại. Từ đầu năm đến nay, Chi cục đã thực hiện lấy 91 mẫu giám sát bệnh dại trên đàn chó, kết quả đã phát hiện 25 trường hợp dương tính với bệnh dại tại 21 xã thuộc 9 huyện, thành, thị.
Chi cục trưởng Chăn nuôi và thú y tỉnh Phú Thọ Hoàng Mạnh Thông cho biết, những năm trước, do công tác tiêm phòng vắc-xin đạt tỷ lệ thấp nên số trường hợp dương tính với bệnh dại trên địa bàn tỉnh luôn ở mức cao. Năm 2022, toàn tỉnh có 56 trường hợp, năm 2023 có 54 trường hợp, tỷ lệ tiêm phòng chỉ đạt từ 30 đến 40%.
Từ năm 2023 đến nay, Ủy ban nhân dân tỉnh đã bố trí kinh phí hỗ trợ vắc-xin dại tiêm phòng cho đàn chó/mèo nên kết quả tiêm phòng đạt tỷ lệ cao. Từ đầu năm đến nay, Phú Thọ phát hiện 25 trường hợp dương tính với bệnh dại, giảm 26 trường hợp so với cùng kỳ 5 năm trước.
Ngoài ra, Chi cục cũng phối hợp chặt chẽ với Trung tâm kiểm soát bệnh tật của tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Trong đó, chú trọng tuyên truyền đến người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác chủ động tiêm phòng dại cho vật nuôi là chó, mèo theo quy định, đăng ký, xích nhốt, không thả động vật chạy rông và đeo rọ mõm khi ra đường.
Nếu trường hợp không may bị chó, mèo cắn, cào… phải đến ngay các cơ sở y tế để được tiêm phòng đầy đủ; đồng thời, báo cáo thông tin cho cơ quan thú y địa phương để giám sát và có biện pháp xử lý kịp thời, tuyệt đối không tự chữa bệnh, để phát sinh ổ dịch dại trong cộng đồng.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Tú Anh cho biết, thực hiện chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh, ngành nông nghiệp đã phối hợp chặt chẽ với ngành y tế triển khai nhiều giải pháp quyết liệt nhằm hạn chế mức thấp nhất tình trạng người dân mắc bệnh dại.
Ðồng thời đưa ra nhiều giải pháp thiết thực để chỉ đạo các địa phương quyết liệt triển khai hiệu quả công tác phòng chống bệnh dại như đẩy mạnh thông tin tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân từ tỉnh đến cơ sở; quản lý chặt chẽ các đàn chó nuôi, kê khai chăn nuôi để nắm tổng đàn; chủ động xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh sớm để chủ động vắc-xin phục vụ cho công tác tiêm phòng; phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan để kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh, bảo đảm tính mạng cho người dân khi bị chó dại cắn; tổ chức triển khai hiệu quả công tác tiêm phòng dại một năm hai đợt tập trung, phấn đấu tỷ lệ đàn chó được tiêm phòng vắc-xin trên địa bàn toàn tỉnh đạt từ 75% trở lên; tăng cường công tác giám sát chủ động, chủ động lấy mẫu giám sát ở các vùng có nguy cơ để chủ động trong công tác phòng chống bệnh dại.
Nguồn: Nhandan.vn
Tin liên quan
- Ăn nhầm lá hoa thủy tiên, 2 trẻ bị ngộ độc nặng
- Giảm thiểu gánh nặng do thương tích- hiệu quả của các chính sách và can thiệp bền vững
- Mỗi năm có hơn 1,1 triệu trường hợp mắc tai nạn thương tích
- Sau 2 tháng bị chó dại cắn, bé trai 11 tuổi tử vong vì chữa bằng thuốc nam
- Dùng huyết thanh kháng nọc điều trị thành công nữ sinh 15 tuổi bị rắn cắn
- Cảnh báo nát bàn tay, mất ngón tay vì pháo tự chế