Tăng cường quản lý quan trắc môi trường lao động, phòng, chống bệnh nghề nghiệp
02/08/2022 | 11:13 AM
|
Quá trình công nghiệp hóa nhanh chóng ở nước ta vừa tạo thuận lợi nhưng cũng mang tới thách thức trong việc đảm bảo môi trường lao động (MTLĐ), phòng, chống bệnh nghề nghiệp (PCBNN) cho người lao động (NLĐ). Việc tăng nhanh số lượng các cơ sở sản xuất, kinh doanh (SXKD) ở nhiều lĩnh vực mới, công nghệ hiện đại kéo theo gia tăng yếu tố có hại trong MTLĐ, gia tăng nhu cầu về lực lượng lao động; đòi hỏi cần nâng cao chất lượng công tác quan trắc MTLĐ, PCBNN để đảm bảo sức khỏe cho NLĐ.
Đoàn công tác kiểm tra các điều kiện đảm bảo ATVSLĐ tại khu vực sản xuất của Công ty TNHH Nissin Manufacturing Việt Nam (Hòa Bình). Ảnh: THU TRANG.
MTLĐ ở nước ta đang từng bước được cải thiện
Công tác chăm sóc sức khỏe và PCBNN cho NLĐ được Ðảng, Nhà nước ta rất quan tâm. Luật ATVSLĐ và các văn bản hướng dẫn đã được kịp thời ban hành và triển khai đến các cơ sở sản xuất (CSSX).
Ngày 20/5/2020, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình chăm sóc, nâng cao sức khỏe NLĐ, PCBNN giai đoạn 2020-2030, trong đó nêu rõ quan điểm (i). Nhà nước giữ vai trò quản lý, xây dựng, hoàn thiện chính sách; tạo môi trường thuận lợi; huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, khuyến khích hợp tác công tư, đầu tư tư nhân và (ii). Đầu tư toàn diện cho công tác dự phòng, điều trị theo phương châm dự phòng tích cực bệnh, tật tại nơi làm việc bằng kiểm soát, loại trừ yếu tố có hại trong MTLĐ, thay đổi nhận thức, hành vi của NLĐ và người sử dụng lao động (NSDLĐ) trong bảo vệ, nâng cao sức khỏe, phát triển và duy trì thói quen sinh hoạt, dinh dưỡng lành mạnh, vệ sinh sạch sẽ; phát hiện sớm, điều trị kịp thời BNN và các bệnh liên quan đến nghề nghiệp.
Thực tế, MTLĐ ở nước ta đã được từng bước cải thiện. Số lượng mẫu đo quan trắc MTLĐ hằng năm tăng gấp 2 so với giai đoạn 2010-2015 (khoảng 800.000 mẫu/năm giai đoạn 2016-2021). Tỷ lệ mẫu đo vượt tiêu chuẩn cho phép giảm (từ 10,25% năm 2015 xuống còn 5,56% năm 2021). Số NLĐ được khám sức khỏe định kỳ hằng năm đạt trên 2 triệu lượt người. Trong 5 năm (2016-2021), số trường hợp mắc BNN có xu hướng giảm so với giai đoạn 2010-2015. Xu hướng xã hội hóa trong công tác kiểm soát MTLĐ, PCBNN đã được triển khai từ năm 2011.
Đến 4/2022 đã có 202 đơn vị công bố đủ điều kiện quan trắc MTLĐ và 88 đơn vị được cấp phép khám, điều trị BNN. Các mô hình can thiệp PCBNN được xây dựng và áp dụng tại 20 địa phương. Bước đầu triển khai mô hình cung cấp dịch vụ y tế lao động (YTLĐ) trong các làng nghề, nông nghiệp, các CSSX có tiếp xúc với amiăng và các cơ sở y tế...
Quan trắc môi trường lao động tại Công ty TNHH Sản xuất VSM Nhật Bản (Hải Dương). Ảnh: CTCC
Công tác quan trắc MTLĐ còn hạn chế
Hiện cả nước mỗi năm có gần 1 triệu người bước vào độ tuổi lao động, phần đông chưa qua đào tạo nghề, thiếu hiểu biết về YTLĐ, về các yếu tố có hại tại nơi làm việc có thể gây BNN. Gần 90% trong số các doanh nghiệp là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, sức cạnh tranh, năng suất lao động thấp... NSDLĐ bị chi phối nhiều bởi sức ép tăng trưởng kinh tế, lợi nhuận nên chưa thực thi đầy đủ trách nhiệm quan trắc MTLĐ theo quy định, hoặc chỉ thực hiện về hình thức, chưa đảm bảo chất lượng. MTLĐ còn nhiều yếu tố có hại vượt tiêu chuẩn cho phép. Các yếu tố tâm sinh lý ecgonomy, tác nhân sinh học, dung môi, các chất gây ung thư (đặc biệt đối với amiăng trắng), tác nhân sinh học chưa được quan tâm quan trắc.
MTLĐ làng nghề còn ô nhiễm nghiêm trọng. Một số bệnh thường gặp ở NLĐ tại các CSSX có xu hướng gia tăng trong vòng 5 năm trở lại đây. Tỷ lệ NLĐ có sức khỏe tốt (loại I, II) giảm 5,5% và sức khỏe yếu (loại IV và loại V) tăng 2,55%. Số ngày nghỉ ốm trung bình tăng hơn 3 lần so giai đoạn 2012-2016. Trung bình hằng năm có trên 5.500 trường hợp được khám và phát hiện BNN, tập trung nhiều ở ngành khai khoáng, vật liệu xây dựng, cơ khí, sản xuất và sử dụng hóa chất, ngành Y tế. Chỉ 10% tổng số trường hợp BNN được giám định. Hệ thống tổ chức, nhân lực, trang thiết bị, kinh phí phục vụ quan trắc MTLĐ, PCBNN còn thiếu và yếu; ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý hồ sơ sức khỏe NLĐ, dữ liệu về BNN và MTLĐ chưa đạt yêu cầu. Hệ thống các văn bản về YTLĐ cần tiếp tục được rà soát, sửa đổi, bổ sung phù hợp trong tình hình mới.
Một số vấn đề hạn chế, bất cập cụ thể là (i). Còn thiếu các quy định về khám chữa bệnh ngoài giờ cho NLĐ; đảm bảo chất lượng quan trắc MTLĐ. (ii). Công tác truyền thông, đào tạo, phổ biến chưa đầy đủ, phù hợp với các đối tượng khác nhau. Công tác chỉ đạo, hướng dẫn của hệ thống quản lý YTLĐ các cấp còn hạn chế, chưa thống nhất, chưa được cập nhật đủ các quy định hiện hành. (iii). Thiếu nhân lực thanh tra, kiểm tra giám sát và thiếu sự phối hợp liên ngành. Việc thanh tra không báo trước chưa được thực hiện tại Việt Nam, do vậy kết quả thanh tra chưa được khách quan. (iv). Kết quả quan trắc MTLĐ và kết quả khám sức khỏe cho NLĐ chưa phản ánh đúng thực tế do chưa có sự giám sát độc lập. (v). Công tác quản lý sức khỏe, dữ liệu quan trắc MTLĐ, BNN hiện chưa được thực hiện đầy đủ, còn thiếu chính xác, kịp thời.
Khám sức khỏe định kỳ cho người lao động của Tập đoàn Khoa học Kỹ thuật Hồng Hải (Bắc Giang). Ảnh: Tập đoàn Hồng Hải.
Để góp phần giải quyết những tồn tại nêu trên, các giải pháp cần quan tâm triển khai thực hiện trong thời gian tới bao gồm:
Tiếp tục rà soát, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, các luật có liên quan như Luật phòng, chống các bệnh truyền nhiễm, Luật Khám, chữa bệnh, Luật BHYT; ưu tiên các lĩnh vực tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quan trắc MTLĐ, giới hạn tiếp xúc nghề nghiệp; khám, chữa bệnh ngoài giờ cho NLĐ; phòng, chống bệnh lây nhiễm tại nơi làm việc; chuẩn hóa cơ sở vật chất, nhân lực và trang thiết bị cho các đơn vị thực hiện kiểm chuẩn - tham chiếu.
Củng cố tổ chức bộ máy và nâng cao năng lực cho hệ thống YTLĐ thông qua các hoạt động (i). Đào tạo nâng cao năng lực quản lý và chuyên môn cho đội ngũ cán bộ phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ; (ii). Củng cố hệ thống cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe NLĐ, kiểm soát yếu tố có hại tại nơi làm việc; (iii). Đầu tư, nâng cấp trang thiết bị, cơ sở vật chất và nhân lực cho hoạt động quan trắc MTLĐ, giám sát sức khỏe và kiểm chuẩn - tham chiếu; xây dựng các Trung tâm Kiểm chuẩn tại các vùng để đánh giá độc lập về MTLĐ; (iv). Nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học chuyên sâu có sự tham gia của các trường, viện, bệnh viện và cơ quan, tổ chức khác.
Xây dựng mô hình truyền thông ứng dụng CNTT; biên tập, xây dựng phim ngắn và quảng cáo đăng tải trên các nền tảng mạng xã hội để tăng khả năng tiếp cận.
Thiết lập hệ thống giám sát, dữ liệu ở các địa phương và trên toàn quốc về sức khỏe NLĐ, MTLĐ, BNN; tăng cường áp dụng CNTT trong chỉ đạo, điều hành, giám sát, báo cáo MTLĐ và BNN tại các tuyến.
Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành; nâng cao chất lượng, phối hợp liên ngành, đa dạng nguồn lực trong quan trắc MTLĐ, PCBNN. Tăng cường hợp tác quốc tế, hợp tác toàn diện với Tổ chức Y tế thế giới, Tổ chức Lao động Quốc tế và các tổ chức khác.
Nâng cao năng lực quản lý, chuyên môn, thanh tra, kiểm tra và giám sát thực hiện các quy định về vệ sinh lao động, quan trắc MTLĐ và BNN. Tăng cường giám sát, đánh giá độc lập, đảm bảo chất lượng quan trắc MTLĐ.
Đây là các giải pháp sẽ góp phần nâng cao chất lượng quan trắc, giám sát MTLĐ và tăng khả năng tiếp cận của doanh nghiệp, NLĐ trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe NLĐ, PCBNN; góp phần tăng trưởng kinh tế, tạo điều kiện cho các CSSX phát triển bền vững./.
Nguồn: laodongcongdoan.vn
Tin liên quan
- Bắc Giang triển khai Kế hoạch chăm sóc và nâng cao sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp
- Các bệnh nghề nghiệp do yếu tố vật lý
- Các bệnh nghề nghiệp liên quan đến nhiễm độc
- Các biện pháp phòng bệnh nghề nghiệp cho người lao động
- Tọa đàm về sức khỏe nghề nghiệp của nhân viên y tế
- Chương trình Chăm sóc và nâng cao sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp giai đoạn 2020-2030
- Bệnh bụi phổi