Sản phụ vờ đau bụng, đòi sinh con sớm để tránh 'tháng cô hồn', bác sĩ cảnh báo nguy cơ
05/08/2024 | 16:18 PM
|
Bệnh nhân đã từng mổ đẻ, đang mang thai 36 tuần 3 ngày nhưng “nằng nặc” đòi đẻ sớm vì kiêng sinh con trong tháng 7 âm lịch.
Theo TS.BS Phan Chí Thành - Chánh văn phòng Trung tâm Đào tạo - Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, hiện nay vẫn có không ít người còn giữ quan niệm về "giờ vàng" khi sinh con. Theo họ, những đứa trẻ sinh đúng "giờ vàng sau này sẽ hanh thông mọi việc, đường quan lộc thăng tiến. Ngược lại, nếu sinh vào giờ xấu, tháng xấu, cuộc đời đứa trẻ sẽ gặp nhiều rủi ro, lận đận".
"Quan niệm trên hoàn toàn không có cơ sở khoa học nhưng thực tế lại có không ít trường hợp vì đi xem bói hoặc xem "giờ vàng" sinh con hoặc sinh tránh tháng 7 âm lịch (tháng cô hồn). Nhiều người quan niệm đây là tháng không may mắn, tháng xấu nên "nằng nặc" bỏ qua chỉ định của bác sĩ", TS.BS Phan Chí Thành cho biết.
TS.BS Phan Chí Thành nhớ lại trường hợp của một bệnh nhân mổ đẻ cũ đang mang thai 36 tuần 3 ngày nhưng "nằng nặc" đòi đẻ. Hỏi ra mới biết, vì đi xem ngày phải sinh ngay nếu để sang tháng sau (tháng 7 âm lịch) cháu bé sinh ra sẽ không tốt cho cha mẹ, làm ăn khó khăn. Chính vì vậy sản phụ đã giả vờ đau bụng, giả vờ chuyển dạ, vào bệnh viện cấp cứu để để xin bác sĩ mổ theo giờ.
Tuy nhiên, khi các bác sĩ kiểm tra, sản phụ hoàn toàn bình thường, chưa có dấu hiệu chuyển dạ. Sức khỏe của mẹ và con đều không có nguy hiểm, nên bác sĩ không có chỉ định mổ. Lúc này sản phụ liên tục "mặc cả, kỳ kèo".
"Khi chúng tôi khám xong, chẩn đoán sức khỏe của bệnh nhân hoàn toàn ổn định, đã khuyên sản phụ nên để 1 tuần 10 ngày sau mới mổ sẽ tốt cho con, nhưng bệnh nhân không đồng ý. Sản phụ "nằng nặc" đòi mổ và sau đó mới nói lý do là muốn sinh con vào ngày đẹp. Với trường hợp này, chúng tôi đã phải mất rất nhiều thời gian để can ngăn, tư vấn, giải thích cho người mẹ hiểu", TS.BS Phan Chí Thành chia sẻ.
Theo TS.BS Phan Chí Thành, thời điểm mổ chủ động tốt nhất là thai ở tuần thứ 39. Một số trường hợp muốn mổ ở tuần thứ 38 theo nguyện vọng của gia đình, cần phối hợp chặt chẽ với các bác sĩ. Tuy nhiên, với những trường hợp 37 tuần xin đẻ mổ, bác sĩ tuyệt đối không đồng ý vì rất nguy hiểm.
"Ở trong bụng mẹ, phổi của trẻ chưa hề tự thở mà được hô hấp hoàn toàn thông qua bánh rau, người mẹ nuôi con, cung cấp oxy cho trẻ qua bánh rau. Do đó, khi ra đời trẻ sẽ phải chuyển từ việc thở bằng bánh rau sang thở bằng phổi.
Nếu trong trường hợp phổi chưa trưởng thành sức khỏe của trẻ sẽ gặp nguy hiểm vì bị suy hô hấp và phải dùng đến các biện pháp như thở máy, thở oxy áp lực cao để hỗ trợ cho bé. Cũng đã có cả những trường hợp tử vong con vì phổi quá non, không vượt qua được", bác sĩ Thành phân tích.
TS.BS Phan Chí Thành khuyến cáo, thai phụ nên chọn sinh tự nhiên. Trong trường hợp bắt buộc sinh mổ, phải tuân thủ nghiêm các chỉ định của bác sĩ sản khoa. Bác sĩ sẽ tư vấn thời gian mổ, xem xét theo nguyện vọng của gia đình, chứ không phải thời điểm nào gia đình yêu cầu mổ bác sĩ cũng có thể đáp ứng.
Nguồn: Suckhoedoisong.vn
Tin liên quan
- Những túi thuốc gia đình đầu tiên đã được Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam phân phối đến vùng lũ
- Bệnh viện Kiến An, Hải Phòng hỗ trợ người bệnh trong bão số 3
- Nhiều trường hợp biết tới bệnh thận cũng là lúc phải chạy thận cấp cứu
- Những bài học kinh nghiệm về y tế từ cơn bão số 3
- 1.000 người dân được tầm soát bệnh mạn tính miễn phí
- Chuyên gia Nhật Bản hội chẩn cho bé gái trong vụ sạt lở ở Làng Nủ
- Bác sĩ tuyến huyện ở Quảng Ninh lần đầu phẫu thuật ca bệnh sọ não