Bộ trưởng Bộ Y tế: Đảm bảo ATTP trong trường học là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng
20/06/2025 | 14:05 PM



Sáng 20/6, tham gia làm rõ những nội dung được các ĐBQH nêu tại phiên chất vấn liên quan đến lĩnh vực giáo dục, Chủ tọa đã mời Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cung cấp thêm thông tin về vấn đề đảm bảo bữa ăn học đường và ATTP trong trường học.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan.
Bộ trưởng Đào Hồng Lan nhấn mạnh, đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) cho người dân nói chung, đặc biệt là cho thế hệ trẻ của đất nước là một nhiệm vụ hết sức quan trọng. Vấn đề này luôn được Ban Chỉ đạo liên ngành của Chính phủ và các bộ, ngành liên quan triển khai nhiều giải pháp đồng bộ trong thời gian qua.
Liên quan trực tiếp đến công tác đảm bảo ATTP trong trường học, Bộ trưởng cho biết, Bộ Y tế và Bộ GD&ĐT đã phối hợp triển khai nhiều giải pháp cụ thể. Trong đó có việc ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật An toàn thực phẩm, các nghị định và quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này.
Bộ trưởng dẫn chứng: "Ví dụ, Thông tư số 08 năm 2008 hướng dẫn đảm bảo ATTP trong các cơ sở giáo dục; Thông tư số 13 năm 2016 quy định về công tác y tế trường học, trong đó nội dung liên quan đến ATTP cũng được hướng dẫn rất cụ thể và chi tiết."
Người đứng đầu ngành Y tế khẳng định, tất cả các giải pháp nêu trên đều hướng tới mục tiêu cao nhất là đảm bảo chất lượng bữa ăn, dinh dưỡng đầy đủ và an toàn cho thế hệ trẻ.
Theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, để đạt được mục tiêu này, cần sự phối hợp chặt chẽ từ nhiều phía. Mỗi học sinh, sinh viên, giáo viên và cán bộ, nhân viên trong cơ sở giáo dục cần nghiêm túc thực hiện các quy định về ATTP, đồng thời tích cực tham gia tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vấn đề này. Trường hợp xảy ra ngộ độc thực phẩm, cần có biện pháp kịp thời để đảm bảo sức khỏe cho học sinh.
Về điều kiện đảm bảo ATTP trong trường học, Bộ trưởng cho biết các quy định đã được ban hành đầy đủ. Với các trường có bếp ăn nội trú hoặc bán trú, việc tổ chức nấu ăn phải tuân thủ các quy định về điều kiện cơ sở vật chất, con người, quy trình chế biến. Đối với những trường ký hợp đồng với đơn vị cung ứng suất ăn, cơ sở cung cấp phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP.
Đối với công tác thanh tra, kiểm tra, Bộ trưởng thông tin: "Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ GD&ĐT và UBND các địa phương tăng cường thanh, kiểm tra và hậu kiểm. Năm 2024, Bộ đã kiểm tra 354.820 cơ sở, phát hiện 22.073 cơ sở vi phạm, xử lý 9.043 cơ sở và phạt tiền trên 33 tỷ đồng."
"Chúng tôi tập trung hậu kiểm đối với cả các bếp ăn trường học và bếp ăn tập thể, bởi đây là những nơi nếu xảy ra ngộ độc thực phẩm thì số người bị ảnh hưởng sẽ rất lớn", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cung cấp thêm thông tin về vấn đề đảm bảo bữa ăn học đường và ATTP trong trường học.
Về nguyên nhân các vụ vi phạm ATTP, Bộ trưởng cho rằng có cả yếu tố chủ quan và khách quan như thời tiết nắng nóng, quy trình chế biến không đảm bảo… Bên cạnh đó, việc cung cấp bữa ăn học đường cũng cần được thực hiện minh bạch, rõ ràng về chất lượng, số lượng và kinh phí.
Dẫn lại ý kiến của ĐBQH Nguyễn Văn Thân về việc phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa trong cung ứng suất ăn học đường, Bộ trưởng Đào Hồng Lan đồng tình với quan điểm cần hướng tới chuyên nghiệp hóa hoạt động này.
"Chúng tôi sẵn sàng phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, cùng Bộ GD&ĐT để triển khai theo hướng chuyên nghiệp, đảm bảo các điều kiện ATTP, truy xuất nguồn gốc và chất lượng thực phẩm", Bộ trưởng khẳng định.
Tuy nhiên, bà cũng nêu rõ một số khó khăn, đặc biệt tại các vùng sâu, vùng xa, nơi điều kiện cơ sở vật chất còn hạn chế. Theo đó, trách nhiệm của đội ngũ chế biến tại các cơ sở giáo dục cần được thực hiện đúng quy định. Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ GD&ĐT để thực hiện đầy đủ và rõ ràng trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị theo đúng quy định pháp luật.
Tin liên quan
- Khai mạc đợt đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới đối với hệ thống quản lý quốc gia Việt Nam về thuốc, vắc xin
- Sơn La công bố các nghị quyết, quyết định của Trung ương và của tỉnh về thực hiện chính quyền địa phương hai cấp; thành lập tổ chức đảng; chỉ định nhân sự cấp ủy, lãnh đạo HĐND, UBND, MTTQ Việt Nam cấp xã
- Tiếp tục đẩy mạnh phối hợp hiệu quả chăm sóc sức khoẻ cán bộ, chiến sĩ Vùng 4 Hải quân
- Hội thảo “Đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến lấy xác”
- Lễ công bố bổ nhiệm Ủy viên Hội đồng Y khoa Quốc gia nhiệm kỳ 2025-2030
- Thứ trưởng Bộ Y tế: Liệu pháp miễn dịch, gene, tế bào gốc đang mang lại những hy vọng lớn cho người bệnh
- Thúc đẩy y tế từ xa tại Việt Nam: Hợp tác quốc tế vì sức khỏe cộng đồng
Xuất bản thông tin
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên khai mạc Hội nghị Ban Thường trực Diễn đàn FHH
13/06/2025 | 06:25 AM



Ngày 12/6, tại TPHCM, Hội nghị Ban thường trực lần thứ 22 của Diễn đàn hòa hợp về chất lượng và tiêu chuẩn hóa thuốc từ dược liệu khu vực Tây Thái Bình Dương (Forum for the Harmonization of Herbal Medicines-FHH) đã chính thức khai mạc.
Hội nghị Ban thường trực lần thứ 22 của FHH do Bộ Y tế Việt Nam chủ trì tổ chức.
Hội nghị có sự tham dự của các đại biểu đến từ nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ, gồm: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thụy Sĩ... Hội đồng dược điển Mỹ. Đáng chú ý, hội nghị có sự tham dự của PGS.TS. Lê Văn Truyền - nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, thành viên đồng sáng lập FHH.
Thay mặt Bộ Y tế Việt Nam, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đã phát biểu chào mừng đại biểu, đồng thời khai mạc chính thức Hội nghị Ban thường trực lần thứ 22 của FHH. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, FHH được thành lập năm 2002, với mục tiêu thúc đẩy sức khỏe cộng đồng thông qua việc phát triển những tiêu chuẩn và kỹ thuật nhằm cải thiện chất lượng, độ an toàn và hiệu quả của các thuốc từ dược liệu.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên phát biểu khai mạc hội nghị.
Kể từ khi thành lập, FHH đóng vai trò quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe người dân thông qua việc hài hòa các tiêu chuẩn, tăng cường khung pháp lý và đảm bảo chất lượng, an toàn và hiệu quả của các thuốc có nguồn gốc từ dược liệu.
Bên cạnh đó, các thành viên cũng nỗ lực giải quyết sự phức tạp và thách thức liên quan đến việc quản lý các sản phẩm từ dược liệu trong thế giới toàn cầu hóa ngày nay.
"Việt Nam có nguồn tài nguyên dược liệu phong phú và đa dạng. Cộng đồng các dân tộc của Việt Nam có nhiều kinh nghiệm nuôi trồng và sử dụng các loài cây, con làm thuốc. Với trên 5.000 loài cây thuốc và vốn tri thức bản địa, Việt Nam sẽ là kho tàng vô giá để triển khai các nghiên cứu, nhằm tạo ra các sản phẩm từ dược liệu phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe và phát triển kinh tế xã hội", Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nêu rõ.
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên tặng quà lưu niệm tới các đại biểu quốc tế.
Lãnh đạo Bộ Y tế cũng lưu ý, 80% dân số ở các nước đang phát triển sử dụng y học cổ truyền hoặc thuốc từ thảo dược để chăm sóc và bảo vệ sức khỏe. Nhu cầu sử dụng các sản phẩm từ dược liệu ngày càng tăng, làm dấy lên mối lo ngại về kiểm soát chất lượng, độ an toàn và hiệu quả.
"Việc kiểm soát chất lượng một cách nghiêm ngặt là điều cần thiết để bảo vệ sức khỏe và sự an toàn của người tiêu dùng. Điều này cần sự chung tay của nhiều nền khoa học, nhiều quốc gia trên thế giới thông qua việc học hỏi, trao đổi kinh nghiệm tại các hội nghị, diễn đàn", Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh.
Hội nghị kết nối trực tuyến tới Nhật Bản và Thụy Sĩ.
Thứ trưởng Bộ Y tế chia sẻ thêm: Sau thành công tốt đẹp của Hội nghị Ban thường trực của FHH lần thứ 21, theo quy định của diễn đàn, Việt Nam vinh dự đăng cai tổ chức Hội nghị Ban thường trực lần thứ 22 và Hội nghị Khoa học lần thứ 10 của FHH. Cả hai sự kiện đều hướng tới việc chia sẻ thông tin liên quan đến quy chế quản lý, tiêu chuẩn hóa, đảm bảo chất lượng, cảnh giác dược đối với thuốc có nguồn gốc từ dược liệu.
Đây cũng là cơ hội để các cán bộ, chuyên gia đến từ các nước thành viên cùng nhau trao đổi những kinh nghiệm được đúc kết trong quá trình nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn tiến bộ khoa học công nghệ và cập nhật kiến thức về thuốc từ dược liệu.
"Với sự nỗ lực, chuẩn bị chu đáo của ban tổ chức và sự phối hợp nhiệt tình của các nước thành viên; chúng tôi tin tưởng rằng hội nghị sẽ mang tới cho quý đại biểu những kiến thức và kinh nghiệm quý báu, giá trị khoa học cao, cũng như những tình cảm của con người Việt Nam gửi đến các đồng nghiệp quốc tế", Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên bày tỏ.
Toàn cảnh Hội nghị.
Sau phát biểu khai mạc, hội nghị bắt đầu 3 phiên làm việc. Tại phiên làm việc thứ nhất, đại diện các quốc gia và vùng lãnh thổ lần lượt báo cáo tham luận về các vấn đề liên quan đến lĩnh vực dược liệu.
Tại phiên làm việc thứ hai, các tiểu ban (Danh pháp và Chuẩn hóa; Đảm bảo chất lượng và thông tin; Đánh giá an toàn và cảnh giác dược) cũng lần lượt báo cáo, chia sẻ thông tin.
Ở phiên làm việc thứ ba, các thành viên Ban thường trực FHH thảo luận các công việc khác, trong đó có việc đề cử thành viên chủ nhà FHH nhiệm kỳ tới...
Chia sẻ thêm về sự kiện đặc biệt này, GS.TS Trịnh Thị Diệu Thường - Phó Cục trưởng phụ trách quản lý, điều hành Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền, cho biết thêm: Năm 2024, Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị Ban thường trực lần thứ 21 của FHH.
Tại hội nghị 21, các chuyên gia từ các nước thành viên FHH đã thảo luận rất tích cực về nhiều vấn đề.
Tại hội nghị 22 này, các chuyên gia đã trao đổi, chia sẻ nhiều thông tin nhằm cải thiện khả năng tiếp cận thuốc có nguồn gốc dược liệu an toàn, hiệu quả, chất lượng cho người dân trên khắp thế giới. Một số vấn đề tập trung trao đổi nhiều hơn là các phương pháp nghiên cứu, phân tích xác định tiêu chuẩn dược liệu, hay các kỹ thuật mới trong tiêu chuẩn hóa dược liệu...
Nguồn: Suckhoedoisong.vn
Tin liên quan
- Bảo đảm khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế khi thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp
- Rà soát đối tượng tiêm vaccine sởi
- Tăng cường phòng, chống hành vi lãng phí, lạm dụng, trục lợi quỹ bảo hiểm y tế
- Cảnh báo gia tăng tai nạn thương tích ở trẻ dịp hè
- Thêm nhiều quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế
- Những vaccine khuyến cáo nên tiêm cho người cao tuổi và người mắc bệnh mạn tính
- Hành trình hồi sinh sự sống trên chuyến bay đặc biệt của Vietnam Airlines