Nâng cao chất lượng và chuyên nghiệp hóa đội ngũ nhân lực công tác xã hội trong công tác y tế

20/03/2025 | 21:15 PM

 | 

Ngày 20/3/2025, tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Y tế tổ chức hội nghị Công tác xã hội (CTXH) trong ngành Y tế năm 2025 với chủ đề "Phối hợp liên ngành trong phát triển hoạt động công tác xã hội ngành Y tế". GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế dự và phát biểu tại hội nghị.

 

Tham dự hội nghị có PGS.TS Nguyễn Tuấn Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, cùng đại diện các Sở Y tế, các cán bộ làm CTXH của hơn 100 bệnh viện, cơ sở y tế trên cả nước.

GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế ghi nhận những đóng góp của hoạt động CTXH ngành Y tế trong thời gian qua. Năm 2010, Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển nghề CTXH giai đoạn 2010-2020. Từ đây, CTXH được xác định là một nghề nghiệp chuyên sâu, từng bước được quan tâm và phát triển mạnh mẽ. Đến năm 2016, Chính phủ tiếp tục khẳng định vai trò của CTXH, chính thức lấy ngày 25/3 hằng năm là "Ngày Công tác xã hội Việt Nam".

Đến nay, 100% bệnh viện Trung ương và hơn 90% bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến tỉnh, huyện đã thành lập Phòng/Tổ Công tác xã hội. Nhân lực CTXH trong ngành Y tế cũng tăng nhanh, với gần 10.000 nhân viên hoạt động tại các bệnh viện, cơ sở y tế trên cả nước, có trình độ chuyên môn cao, góp phần nâng cao chất lượng bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Hoạt động CTXH đã chuyển từ tự phát, chủ yếu là từ thiện, sang chuyên nghiệp và đa dạng hơn, bao gồm tư vấn, hỗ trợ tâm lý, quản lý trường hợp, giúp đỡ người bệnh, người nhà người bệnh và nhân viên y tế. Công tác phối hợp liên ngành với công an, tư pháp, bảo trợ xã hội được triển khai hiệu quả, cùng với việc chú trọng đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Tuy nhiên, quá trình phát triển hoạt động CTXH trong ngành Y tế theo hướng chuyên nghiệp vẫn còn gặp không ít khó khăn, thách thức, như nhân lực công tác xã hội trong ngành Y tế chủ yếu là người có chuyên môn y tế, trong khi số lượng nhân lực được đào tạo chuyên sâu về công tác xã hội còn hạn chế.

Theo Nghị định số 110/2024/NĐ-CP, từ ngày 01/01/2027, người hành nghề CTXH phải có chứng nhận hành nghề, nhưng với đặc thù nhân lực hiện tại, việc đáp ứng yêu cầu này là một thách thức lớn. Một số đơn vị chưa đánh giá đúng vai trò của công tác xã hội, dẫn đến chất lượng hoạt động chưa được đầu tư đúng mức, đặc biệt ở các cơ sở y tế dự phòng, dân số và các lĩnh vực khác...

Nhằm tiếp tục triển khai Quyết định số 112/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 712/QĐ-BYT của Bộ Y tế về phát triển CTXH giai đoạn 2021-2030, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đề nghị một số nhiệm vụ trọng tâm:

Một là, củng cố và phát triển hệ thống CTXH trong ngành Y tế, 100% bệnh viện tỉnh, huyện và các cơ sở y tế có phòng tổ CTXH, mở rộng CTXH tại các cơ sở y tế dự phòng, dân số và các lĩnh vực khác;

Hai là, nâng cao chất lượng và chuyên nghiệp hóa đội ngũ nhân lực; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn cho nhân viên CTXH trong ngành Y tế; hoàn thiện chương trình, tài liệu đào tạo và tài liệu tham khảo nhằm nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò và nội dung hoạt động CTXH trong ngành Y tế;

Ba là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của lãnh đạo cơ sở y tế, cán bộ, công chức, viên chức và nhân viên y tế về vai trò quan trọng của CTXH trong y tế. Xây dựng chiến lược truyền thông hiệu quả để CTXH được hiểu đúng, triển khai đồng bộ và mang lại giá trị thiết thực cho người bệnh và xã hội;

Bốn là, tiến tới thành lập Hội Công tác xã hội ngành Y tế; tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện hoạt động công tác xã hội tại các cơ sở y tế nhằm kịp thời điều chỉnh, nâng cao hiệu quả triển khai;

Năm là, đẩy mạnh phối hợp giữa ngành Y tế với các cơ quan liên quan như công an, tư pháp, bảo trợ xã hội và hợp tác các tổ chức quốc tế nhằm nâng cao hiệu quả CTXH trong lĩnh vực y tế.

Theo bà Michaela Bauer, Phó Trưởng đại diện Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tại Việt Nam, nhân viên CTXH đóng vai trò quan trọng trong các cơ sở chăm sóc sức khỏe, nhất là khi có thiên tai, thảm họa, biến đổi khí hậu… Tại Việt Nam, UNICEF đã hỗ trợ phát triển CTXH chuyên nghiệp trong lĩnh vực y tế, nhận thấy tầm quan trọng của CTXH trong việc cải thiện chăm sóc sức khỏe, phúc lợi và bảo vệ trẻ em, phụ nữ… UNICEF cam kết tiếp tục hợp tác với Bộ Y tế trong việc thúc đẩy sự phát triển của công tác xã hội.

Tại hội nghị, các đại biểu đã trình bày nhiều báo cáo về các hoạt động CTXH trong bệnh viện, chia sẻ những kinh nghiệm hoạt động của CTXH tại đơn vị, góp phần hỗ trợ ngành Y tế trong công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Đại biểu chia sẻ kinh nghiệm tổ chức phối hợp liên ngành trong hoạt động công tác xã hội tại Bệnh viện.

Tại hội nghị, các đại biểu đã trình bày nhiều báo cáo về các hoạt động CTXH trong bệnh viện, chia sẻ những kinh nghiệm hoạt động của CHTX tại đơn vị, giúp ngành Y tế trong hoạt động bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Mở đầu hội nghị, PGS.TS Nguyễn Tuấn Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ đã đọc thư Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan chúc mừng cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội trong ngành Y trên cả nước.

 

 


Xuất bản thông tin Xuất bản thông tin

Thủ tướng chỉ đạo tập trung ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ

29/09/2023 | 16:12 PM

 | 

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện 898/CĐ-TTg ngày 28/9/2023 về việc tập trung ứng phó và khắc phục hậu quả mưa

Thủ tướng chỉ đạo tập trung ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ - Ảnh 1.

Mưa lũ gây ngập sâu ở huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An

Từ ngày 25 tháng 9 đến nay, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, nhiều địa phương khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đã có mưa to đến rất to, nhiều nơi tới trên 500mm, gây lũ, ngập lụt, sạt lở đất, một số tuyến đường bị sạt lở nghiêm trọng làm gián đoạn giao thông, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống nhân dân tại nhiều địa phương nhất là các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình. Dự báo trong những ngày tới có thể tiếp tục còn xảy ra mưa to đến rất to, nguy cơ xảy ra lũ chồng lũ, ngập sâu tại vùng trũng thấp, lũ quét, sạt lở đất tại vùng núi.

Để bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản của nhân dân và nhà nước, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai và Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiến cứu nạn, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, chủ động chỉ đạo khẩn trương triển khai có hiệu quả công tác ứng phó và khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ theo phương châm "bốn tại chỗ", trong đó lưu ý một số nhiệm vụ chủ yếu sau:

1. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh:

- Khẩn trương rà soát, sơ tán ngay những hộ dân ở khu vực nguy hiểm, không đảm bảo an toàn, nhất là vùng trũng thấp có nhiều khả năng bị chia cắt, cô lập do ngập lụt sâu, các khu vực có nguy cơ cao bị sạt lở đất, lũ quét, không để xảy ra chết người.

- Kịp thời hỗ trợ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho các hộ có nguy cơ thiếu đói, kiên quyết không để người dân nào bị thiếu đói.

- Tổ chức kiểm soát chặt chẽ việc đi lại qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở, không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn; có phương án đảm bảo an toàn cho học sinh tại các khu vực bị ngập lụt.

- Triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn các cơ sở hạ tầng đang trong quá trình thi công, đê điều, hồ đập, nhất là các công trình xung yếu.

- Kịp thời huy động lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ ngay sau khi nước rút.

- Sẵn sàng lực lượng để cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xảy ra.

2. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức dự báo, cảnh báo mưa lũ, sạt lở đất, lũ quét, cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin dự báo, cảnh báo cho các cơ quan chức năng và địa phương theo đúng quy định để phục vụ công tác chỉ đạo, ứng phó hiệu quả với mưa lũ.

3. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo, hướng dẫn công tác tổ chức giao thông và bảo đảm an toàn giao thông tại các khu vực bị ảnh hưởng bởi mưa lũ, kịp thời huy động nhân lực, máy móc để khắc phục sự cố, bảo đảm giao thông thông suốt, nhất là trên các trục giao thông chính.

4. Bộ trưởng các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Y tế theo chức năng quản lý nhà nước được giao phối hợp địa phương chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn hồ đập, nhất là các hồ thuỷ điện nhỏ, hồ thuỷ lợi xung yếu, vệ sinh môi trường, khẩn trương khôi phục lại sản xuất, ổn định cuộc sống cho người dân ngay sau mưa lũ, không để xảy ra dịch bệnh.

5. Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn và các Bộ: Quốc phòng, Công an chủ động chỉ đạo và phối hợp với các địa phương triển khai công tác ứng phó, tìm kiếm, cứu nạn, bảo đảm kịp thời, hiệu quả.

6. Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai theo dõi chặt chẽ tình hình thiên tai, chủ động chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các địa phương triển khai công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả, hạn chế thiệt hại do thiên tai./.

Theo: Chinhphu.vn


Hiển thị banner tạm thời không có.

Thăm dò ý kiến