Thủ tướng chủ trì phiên họp Ban Chỉ đạo của Chính phủ về phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Đề án 06
17/05/2025 | 12:15 PM



Sáng 17/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo của Chính phủ về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Đề án 06, chủ trì Phiên họp lần thứ hai Ban Chỉ đạo.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp lần thứ hai Ban Chỉ đạo của Chính phủ về phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Đề án 06 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Cùng chủ trì phiên họp có các đồng chí Phó Trưởng Ban Chỉ đạo: Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng; Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và một số đại học, tập đoàn, doanh nghiệp lớn.
Tham dự phiên họp tại điểm cầu 63 địa phương có lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Phiên họp tập trung đánh giá tình hình triển khai trong những tháng đầu năm 2025 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.
Tại phiên họp, lãnh đạo Bộ KH&CN công bố các quyết định của Thủ tướng Chính phủ kiện toàn Ban Chỉ đạo của Chính phủ về phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Đề án 06, cùng 3 quyết định thành lập 3 tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo của Chính phủ.
Các tổ công tác này gồm: Tổ Công tác triển khai Đề án 06, cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số gắn với Đề án 06, do Bộ trưởng Bộ Công an làm Tổ trưởng; Tổ Công tác về phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, do Bộ trưởng Bộ KH&CN làm Tổ trưởng; Tổ Công tác cải cách hành chính, do Bộ trưởng Bộ Nội vụ làm Tổ trưởng.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, ngày 22/12/2024, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương do Tổng Bí thư Tô Lâm đứng đầu; đây là một văn kiện có ý nghĩa chiến lược, quan trọng.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã khẩn trương chỉ đạo xây dựng, ban hành Chương trình hành động Nghị quyết số 57 tại Nghị quyết số 03/NQ-CP ngày 09/1/2025 và Nghị quyết số 71/NQ-CP sửa đổi, bổ sung cập nhật Chương trình hành động của Chính phủ; đây là chương trình hành động khá toàn diện, bao trùm được xây dựng với tầm nhìn dài hạn, mục tiêu rõ ràng, với các giải pháp mang tính khả thi, nhằm cụ thể hóa các định hướng, chủ trương lớn của Đảng. Đồng thời, Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo của Chính phủ về phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Đề án 06 trên cơ sở hợp nhất Ban Chỉ đạo cải cách hành chính, Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và Tổ công tác triển khai Đề án 06; kiện toàn Ban Chỉ đạo (bổ sung thành viên Ban Chỉ đạo) và thành lập 3 tổ công tác.
Cũng trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng đã quyết liệt chỉ đạo, triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện ngày càng hiệu quả, thiết thực công tác chuyển đổi số quốc gia và cải cách hành chính; đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số đã được triển khai trên hầu hết các lĩnh vực. Đồng thời, tổ chức triển khai quyết liệt Đề án 06 từ Trung ương đến cơ sở, được người dân, doanh nghiệp đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao.
Nhìn chung, việc triển khai là tích cực, nhưng để hoàn thành các mục tiêu của chuyển đổi số, cải cách hành chính và Đề án 06, phía trước chúng ta còn rất nhiều việc phải làm; nhiều nhiệm vụ đề ra nhưng còn chậm tiến độ.
Thủ tướng đề nghị các đại biểu chỉ rõ những nội dung còn chậm tiến độ, phân tích nguyên nhân, rút ra các bài học kinh nghiệm; xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, đặc biệt là bố trí nguồn lực, huy động hợp tác công tư, nhất là sự tham gia của doanh nghiệp, người dân... - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Theo Thủ tướng, hiện, chúng ta đang quyết liệt triển khai "bộ tứ chiến lược" theo các nghị quyết của Bộ Chính trị: Phát triển đột phá KHCN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số (Nghị quyết 57); hội nhập quốc tế trong tình hình mới (Nghị quyết 59); đổi mới công tác xây dựng và thực thi pháp luật (Nghị quyết 66); phát triển kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia (Nghị quyết 68). Đồng thời, thực hiện cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền theo tinh thần ai làm tốt nhất thì giao việc.
Thủ tướng nêu rõ, chúng ta xác định KHCN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số là nền tảng để phát triển bền vững; phấn đấu tăng trưởng kinh tế từ 8% trở lên năm 2025 và 2 con số những năm tới với sự đóng góp quan trọng của những động lực tăng trưởng mới.
Chúng ta đã đi qua hơn 1/3 chặng đường của năm 2025, thời gian tới của năm 2025 là giai đoạn có ý nghĩa then chốt, đòi hỏi sự tập trung cao độ, quyết tâm lớn và hành động quyết liệt để thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra trong năm 2025.
Thủ tướng đề nghị các đại biểu đánh giá thẳng thắn, khách quan, minh chứng bằng số liệu cụ thể việc triển khai các hoạt động KHCN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, cải cách hành chính và Đề án 06 thời gian qua, tiến độ thực hiện Kế hoạch và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Phiên họp lần thứ nhất; nhận diện những tồn tại, hạn chế, yếu kém, vướng mắc, rào cản, điểm nghẽn, nhất là về thể chế, cơ chế, chính sách, huy động nguồn lực; chỉ rõ những nội dung còn chậm tiến độ, phân tích nguyên nhân khách quan, chủ quan, rút ra các bài học kinh nghiệm; chia sẻ những kinh nghiệm hay, bài học quý, cách làm sáng tạo; xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, đặc biệt là bố trí nguồn lực, huy động hợp tác công tư, nhất là sự tham gia của doanh nghiệp, người dân.
Trong quá trình này, Thủ tướng nhấn mạnh cần sự vào cuộc, quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan, trưởng ngành, bí thư tỉnh ủy, chủ tịch UBND các cấp, đặc biệt là trong xây dựng cơ sở dữ liệu, có cơ sở dữ liệu Việt Nam thì mới có trí tuệ nhân tạo Việt Nam.
Nguồn: chinhphu.vn
Tin liên quan
- Khai mạc đợt đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới đối với hệ thống quản lý quốc gia Việt Nam về thuốc, vắc xin
- Sơn La công bố các nghị quyết, quyết định của Trung ương và của tỉnh về thực hiện chính quyền địa phương hai cấp; thành lập tổ chức đảng; chỉ định nhân sự cấp ủy, lãnh đạo HĐND, UBND, MTTQ Việt Nam cấp xã
- Tiếp tục đẩy mạnh phối hợp hiệu quả chăm sóc sức khoẻ cán bộ, chiến sĩ Vùng 4 Hải quân
- Hội thảo “Đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến lấy xác”
- Lễ công bố bổ nhiệm Ủy viên Hội đồng Y khoa Quốc gia nhiệm kỳ 2025-2030
- Thứ trưởng Bộ Y tế: Liệu pháp miễn dịch, gene, tế bào gốc đang mang lại những hy vọng lớn cho người bệnh
- Thúc đẩy y tế từ xa tại Việt Nam: Hợp tác quốc tế vì sức khỏe cộng đồng
Xuất bản thông tin
Bệnh viện đa khoa đầu tiên tại Việt Nam đạt chứng nhận vàng điều trị suy tim
12/12/2024 | 16:11 PM



Ngày 11/12, thông tin từ Bệnh viện Nhân dân Gia định, TP.HCM, đúng một năm sau khi đón nhận “Chứng nhận bạc” về điều trị suy tim của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA), bệnh viện tiếp tục vinh dự đón nhận “Chứng nhận vàng”.
Bệnh viện Nhân dân Gia định được Hiệp hội Tim mạch Mỹ (AHA) trao chứng nhận vàng về điều trị suy tim. Ảnh: BVCC
Được biết, Bệnh viện Nhân dân Gia định là bệnh viện đa khoa đầu tiên ở nước ta đạt chứng nhận danh giá này.
TS.BS Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Bệnh viện Nhân dân Gia Định, cho biết giải thưởng vàng là dấu mốc quan trọng của bệnh viện, giúp người bệnh suy tim được theo dõi, điều trị theo chuẩn quốc tế.
AHA là một trong những tổ chức hàng đầu đưa ra các khuyến cáo, hướng dẫn nhằm nâng cao chất lượng điều trị bệnh lý tim mạch toàn thế giới. Tiêu chuẩn đạt chứng nhận từ AHA rất khắt khe, bao gồm bảo đảm phần trăm người bệnh suy tim tuân thủ thuốc điều trị, đánh giá theo dõi sau xuất viện, cập nhật tình trạng sức khỏe thường xuyên.
Những tiêu chí này phải đạt được với ít nhất 85% bệnh nhân suy tim và duy trì kết quả trong 24 tháng trở lên. Các chứng nhận này được phân cấp đồng - bạc - vàng. Trước đó, Bệnh viện Gia Định đã lần lượt nhận chuẩn đồng và bạc.
Theo ông Hải, Bệnh viện Nhân dân Gia Định tiếp tục nỗ lực để tiếp cận với các tiêu chuẩn điều trị quốc tế như đạt chứng nhận Chất lượng Điều trị vàng, tiến tới là Kim cương của Tổ chức Đột quỵ thế giới (WSO). Từ đó, chứng minh ngành Y tế TP.HCM sẽ không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, phấn đấu vươn tầm với các bệnh viện hàng đầu trong khu vực và tiến tới là các bệnh viện ở châu lục.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Phạm Trương Mỹ Dung, Phó khoa Nội tim mạch, cho biết suy tim là hậu quả sau cùng trong chuỗi bệnh lý tim mạch, từ bệnh thường gặp như tăng huyết áp, đái tháo đường... đến phức tạp như nhồi máu cơ tim.
Từ tháng 6-2020, Bệnh viện Gia Định thành lập đơn vị suy tim nhằm đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh chuyên sâu cho bệnh nhân.
Năm 2021, khoa tham gia dự án điều trị suy tim theo chuẩn AHA, giúp người bệnh được điều trị, theo dõi với tiêu chuẩn quốc tế và tiếp cận các tiến bộ y khoa.
Suốt 3 năm qua, mô hình này tối ưu hóa điều trị nội khoa suy tim theo khuyến cáo về loại thuốc, liều thuốc, qua đó cải thiện triệu chứng và giảm tái nhập viện.
Suy tim là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật và tử vong. Tỷ lệ tử vong trong vòng 5 năm từ khi chẩn đoán có thể lên đến 67%, cao hơn cả các bệnh ung thư. Nguy cơ tử vong còn gia tăng thêm sau mỗi đợt tái nhập viện. Điều trị suy tim là một quá trình lâu dài và có thể xảy ra nhiều biến cố như suy tim tăng nặng, rối loạn nhịp, nhiễm trùng nặng, tái nhập viện, thậm chí tử vong.
Bệnh không chỉ gây ra những biến chứng nguy hiểm mà còn ảnh hưởng sâu sắc đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Nguyên nhân gây suy tim đa dạng, trong đó bệnh mạch vành, cao huyết áp và tiểu đường là những nguyên nhân chính. Do nhận thức còn hạn chế, nhiều người bệnh đến khám khi bệnh đã ở giai đoạn muộn, gây khó khăn cho việc điều trị. Để giảm thiểu gánh nặng của bệnh suy tim, việc nâng cao nhận thức của cộng đồng về bệnh và tầm quan trọng của việc kiểm soát các yếu tố nguy cơ là vô cùng cần thiết.
Việt Nam chưa có thống kê về bệnh suy tim trong cộng đồng, tuy nhiên với mức độ già hóa dân số và số lượng người cao tuổi, người mắc bệnh mạn tính tăng dần thì có thể tỷ lệ suy tim tăng trong thời gian tới.
Điều trị suy tim là một quá trình lâu dài và có thể xảy ra nhiều biến cố như suy tim tăng nặng, rối loạn nhịp, nhiễm trùng nặng, tái nhập viện, thậm chí tử vong. Vì vậy, người bệnh cần được theo dõi chặt chẽ, định kỳ bởi đội ngũ y tế gồm bác sĩ, điều dưỡng, dược sĩ, dinh dưỡng, phục hồi chức năng, nhằm cải thiện kỳ vọng sống và chất lượng cuộc sống.
Phòng Truyền thông Y tế
Tin liên quan
- Bảo đảm khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế khi thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp
- Rà soát đối tượng tiêm vaccine sởi
- Tăng cường phòng, chống hành vi lãng phí, lạm dụng, trục lợi quỹ bảo hiểm y tế
- Cảnh báo gia tăng tai nạn thương tích ở trẻ dịp hè
- Thêm nhiều quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế
- Những vaccine khuyến cáo nên tiêm cho người cao tuổi và người mắc bệnh mạn tính
- Hành trình hồi sinh sự sống trên chuyến bay đặc biệt của Vietnam Airlines