Thủ tướng: Chuyển từ 'xin - cho' sang chủ động phục vụ dịch vụ công với người dân, doanh nghiệp

06/02/2025 | 20:21 PM

 | 

Kết luận phiên họp về chuyển đổi số vào chiều 6/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu chuyển trạng thái từ "xin - cho" cung cấp dịch vụ công sang trạng thái "chủ động" phục vụ, cung cấp dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp và áp dụng chính sách thu phí 0 đồng với dịch vụ công trực tuyến.

 

Thủ tướng: Chuyển từ 'xin - cho' sang chủ động phục vụ dịch vụ công với người dân, doanh nghiệp- Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp lần thứ 10 tổng kết hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi sốvà Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia năm 2024, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Chiều 6/2, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì Phiên họp lần thứ 10 tổng kết hoạt động của Ủy ban và Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia năm 2024, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2025.

Cùng dự có đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương.

Phiên họp được truyền trực tuyến tới điểm cầu các bộ, ngành, UBND các địa phương trong cả nước.

Kinh tế số, xã hội số tiếp tục phát triển mạnh mẽ

Các báo cáo, ý kiến tại phiên họp thống nhất đánh giá, nhờ sự quan tâm, lãnh đạo chỉ đạo của Đảng; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, các địa phương; sự đồng lòng, tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp, chuyển đổi số đã đến "từng cấp, từng ngành, từng đơn vị, từng nhà, từng người". Trong năm 2024, chuyển đổi số quốc gia, nhất là triển khai Đề án 06 tiếp tục đạt nhiều bước tiến lớn, quan trọng.

Thứ nhất, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành có kinh nghiệm hơn, lớp lang, bài bản hơn; việc tổ chức thực hiện được triển khai quyết liệt, đồng bộ với quyết tâm cao từ Trung ương đến cơ sở.

Năm 2024, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 12 nghị quyết, 9 quyết định, 6 chỉ thị, 6 công điện. Tổ chức 6 hội nghị của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số; 11 hội nghị trực tuyến toàn quốc về Đề án 06, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, sau mỗi cuộc họp đều có thêm những kết quả, sản phẩm mới, thêm quyết tâm, thêm kinh nghiệm để làm.

Hoàn thành 44/63 nhiệm vụ trong Kế hoạch hoạt động năm 2024 của Ủy ban. Hoàn thành và đang triển khai 244/276 nhiệm vụ năm 2024 của Đề án 06. Qua 3 năm triển khai Đề án 06 đã hoàn thành khối lượng công việc rất lớn - 346 nhiệm vụ.

Thứ hai, thể chế, cơ chế, chính sách liên quan đến chuyển đổi số tiếp tục được tập trung hoàn thiện. Trong năm 2024, Quốc hội đã ban hành Luật Dữ liệu; Chính phủ đã ban hành 14 nghị định. Các bộ đã ban hành theo thẩm quyền 33 thông tư.

Đã đơn giản hóa 898/1.084 thủ tục hành chính được giao tại các nghị quyết của Chính phủ; trong đó năm 2024, đã đơn giản hóa 313 thủ tục. 63/63 địa phương đã ban hành Nghị quyết miễn giảm phí, lệ phí cho người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính.

 

Thủ tướng: Chuyển từ 'xin - cho' sang chủ động phục vụ dịch vụ công với người dân, doanh nghiệp- Ảnh 3.

Thủ tướng yêu cầu chuyển trạng thái từ "xin - cho" cung cấp dịch vụ công sang trạng thái "chủ động" phục vụ, cung cấp dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp và áp dụng chính sách thu phí 0 đồng với dịch vụ công trực tuyến - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thứ ba, kinh tế số, xã hội số tiếp tục có bước phát triển mạnh mẽ. Công nghiệp ICT có bước phát triển khá; theo Bộ Thông tin và Truyền thông, doanh thu năm 2024 đạt 152 tỷ USD, tăng 10,9%, trong đó công nghiệp bán dẫn có doanh thu 18,7 tỷ USD với 50 doanh nghiệp thiết kế vi mạch và 6.000 kỹ sư thiết kế. Doanh thu phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin tăng mạnh (năm 2024 đạt 18 tỷ USD, tăng 38,5%). Nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới đầu tư và mở rộng đầu tư tại Việt Nam (Marvell - thiết kế chip; NVIDIA - nghiên cứu phát triển; SK Hynix - sản xuất bộ nhớ).

Thương mại điện tử tiếp tục phát triển mạnh mẽ (năm 2024 đạt 28 tỷ USD, tăng 36%). Thanh toán không dùng tiền mặt được triển khai rộng khắp (tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 57%).

Công tác mở rộng cơ sở thu, quản lý thuế, hóa đơn điện tử được triển khai một cách quyết liệt, hiệu quả, góp phần tăng thu ngân sách Nhà nước, bảo đảm cán cân tài chính quốc gia (năm 2024 đã xử lý 5,5 tỷ hóa đơn, tăng gần 40%); thu thuế từ hoạt động thương mại điện tử tăng mạnh (năm 2024 là 116.000 tỷ đồng, tăng 19,5%).

Đã tích hợp Sổ Sức khỏe điện tử và bệnh án điện tử với trên 15,5 triệu thông tin công dân. Hơn 2,5 triệu đối tượng chính sách được nhận trợ cấp an sinh xã hội và 78% người dân nhận lương hưu, trợ cấp BHXH qua tài khoản.

Thứ tư, hạ tầng số và các nền tảng số được quan tâm đầu tư; cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành được đẩy mạnh triển khai; kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu có bước phát triển.

Từ tháng 10/2024, Việt Nam đã chính thức thương mại hóa dịch vụ viễn thông 5G. Tốc độ internet của Việt Nam năm 2024 xếp thứ 37, tăng 7 bậc so với năm 2023.

Ngày 19/12/2024, đưa thêm 1 tuyến cáp quang biển đi quốc tế lớn nhất từ trước đến nay vào hoạt động, nâng năng lực truyền dẫn internet quốc tế của Việt Nam lên gấp đôi.

Cơ sở Dữ liệu quốc gia về dân cư được đẩy mạnh, đem lại hiệu quả thiết thực. Hoàn thành cấp 100% căn cước gắn chip cho công dân đủ điều kiện; kích hoạt trên 60 triệu tài khoản định danh điện tử; cung cấp 40 tiện ích trên ứng dụng VNeID, tăng 27 tiện ích so với năm 2023; làm sạch 35,1 triệu dữ liệu giấy phép lái xe; đối soát thông tin sinh trắc của 56,8 triệu hồ sơ khách hàng ngành ngân hàng.

Thứ năm, dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng được hoàn thiện, từng bước xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại (đã triển khai 54/76 dịch vụ công trực tuyến thiết yếu).

Thứ sáu, Việt Nam có bước tiến mạnh mẽ trong xếp hạng về chuyển đổi số quốc tế. Chỉ số Phát triển chính phủ điện tử năm 2024 tăng 15 bậc, xếp hạng 71/193. Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2024 tăng 2 bậc, xếp hạng 44/133. Chỉ số An toàn, an ninh mạng toàn cầu năm 2024 tăng 8 bậc, xếp hạng 17/194.

 

Thủ tướng: Chuyển từ 'xin - cho' sang chủ động phục vụ dịch vụ công với người dân, doanh nghiệp- Ảnh 4.

 

Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần 5 "tăng tốc, bứt phá": Tăng tốc, bứt phá trong chuyển đổi số toàn diện, đưa công nghệ số lan tỏa đến mọi lĩnh vực của nền kinh tế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 2 con số trong giai đoạn tới; tăng tốc, bứt phá trong số hóa các ngành kinh tế - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tại hội nghị, Thủ tướng và các đại biểu đã khai trương thí điểm Hệ thống Điều phối dữ liệu y tế nhằm cải thiện chất lượng chăm sóc sức khỏe, tăng cường hiệu quả hoạt động của ngành y tế và hỗ trợ công tác nghiên cứu khoa học.

Về nội dung này, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Đào Xuân Cơ cho biết, đây là bệnh viện hạng đặc biệt đầu tiên trên toàn quốc triển khai bệnh án điện tử, thực hiện khám chữa bệnh toàn trình không dùng giấy tờ từ tháng 11/2024.

Bạch Mai là bệnh viện hạng đặc biệt của Bộ Y tế, cũng là đơn vị được đưa vào Đề án 06 của Chính phủ triển khai chuyển đổi số toàn diện trọng điểm trong lĩnh vực y tế.

Việc chuyển đổi sang bệnh án điện tử sẽ giúp tất cả thông tin về tình trạng sức khỏe, lịch sử bệnh lý và quá trình điều trị của bệnh nhân được lưu trữ và quản lý trực tuyến, giúp chẩn đoán, điều trị hiệu quả, nhanh chóng, tăng cường tự động hóa, giảm thiểu sai sót, giảm thời gian, giảm chi phí. Chỉ riêng việc không in phim, không giấy tờ đã giúp Bệnh viện Bạch Mai tiết kiệm 100 tỷ đồng mỗi năm và số tiền này tiếp tục được đầu tư nâng cấp cho hệ thống công nghệ thông tin, chuyển đổi số của Bệnh viện.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn cho biết, dự kiến tới ngày 31/3/2025 tất cả các bệnh viện tại Bắc Ninh sẽ chuyển sang sử dụng bệnh án điện tử. Tỉnh cũng bước đầu liên thông bệnh án điện tử giữa các bệnh viện với hai bệnh viện tuyến đầu là Việt Đức và Bạch Mai.

 

Thủ tướng: Chuyển từ 'xin - cho' sang chủ động phục vụ dịch vụ công với người dân, doanh nghiệp- Ảnh 5.

 

Thủ tướng và các đại biểu khai trương thí điểm Hệ thống Điều phối dữ liệu y tế nhằm cải thiện chất lượng chăm sóc sức khỏe, tăng cường hiệu quả hoạt động của ngành Y tế và hỗ trợ công tác nghiên cứu khoa học - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Chuyển đổi số phải toàn dân, toàn diện toàn trình với 5 'tăng tốc, bứt phá'

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cơ bản đồng tình với các báo cáo, ý kiến và nhấn mạnh, sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước với công tác chuyển đổi số, đặc biệt là của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm tạo động lực, truyền cảm hứng cho cả hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp trong chuyển đổi số.

Thay mặt lãnh đạo Chính phủ, Thủ tướng biểu dương những nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được của các bộ, ngành, địa phương; sự chỉ đạo quyết liệt của các thành viên Ủy ban Quốc gia và Ban Chỉ đạo Đề án 06 với vai trò nòng cốt của lực lượng công an nhân dân; sự đồng lòng, ủng hộ, tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Thủ tướng nêu rõ những tồn tại, hạn chế liên quan thể chế, cơ chế, chính sách thúc đẩy chuyển đổi số, triển khai Đề án 06; một số nhiệm vụ của Đề án 06 và theo Kế hoạch của Ủy ban Quốc gia chưa hoàn thành.

Kinh tế số, hạ tầng số phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và tốc độ tăng trưởng kinh tế. Công tác an ninh mạng, an toàn thông tin ở nhiều nơi chưa được quan tâm đúng mức. Cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính còn chậm. Chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến chưa cao. Nhân lực cho chuyển đổi số, Đề án 06 còn chưa đáp ứng nhu cầu cả về số lượng, chất lượng, phân bổ chưa đồng đều.

Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế là một số bộ, ngành, địa phương chưa quyết liệt, chưa quan tâm đúng mức tới chuyển đổi số, vai trò người đứng đầu chưa được phát huy; những bất cập trong sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị. Nơi nào người đứng đầu quan tâm, chỉ đạo quyết liệt thì ở đó có sự chuyển biến tích cực, Thủ tướng nhấn mạnh.

 

Thủ tướng: Chuyển từ 'xin - cho' sang chủ động phục vụ dịch vụ công với người dân, doanh nghiệp- Ảnh 6.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Quan điểm thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, cơ quan phải bám sát Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị và các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm tại Chương trình hành động của Chính phủ. Chuyển đổi số phải gắn kết chặt chẽ với việc thực hiện cuộc "cách mạng" về sắp xếp, tinh gọn bộ máy và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức.

Đồng thời, chuyển đổi số phải toàn dân, toàn diện, toàn trình, ở tất cả các cấp, các ngành, phù hợp xu thế thế giới và đáp ứng yêu cầu của nhân dân, lấy người dân, doanh nghiệp là, trung tâm, chủ thể.

Phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu để phát triển nhanh, bền vững trong kỷ nguyên vươn mình, phát triểu giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng, nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần 5 "tăng tốc, bứt phá": Tăng tốc, bứt phá trong chuyển đổi số toàn diện, đưa công nghệ số lan tỏa đến mọi lĩnh vực của nền kinh tế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 2 con số trong giai đoạn tới; tăng tốc, bứt phá trong số hóa các ngành kinh tế, từ công nghiệp, nông nghiệp đến dịch vụ, hộ kinh doanh cá thể, hộ nông dân..., nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh; tăng tốc, bứt phá trong phát triển hạ tầng số; tăng tốc, bứt phá trong phát triển nhân lực số, trang bị kiến thức và kỹ năng cho thế hệ tương lai, sẵn sàng nắm bắt cơ hội trong kỷ nguyên số; tăng tốc, bứt phá trong phát triển chính phủ số, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.

 

Thủ tướng: Chuyển từ 'xin - cho' sang chủ động phục vụ dịch vụ công với người dân, doanh nghiệp- Ảnh 7.

 

Lãnh đạo các bộ, ngành tham dự hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

 

Thủ tướng: Chuyển từ 'xin - cho' sang chủ động phục vụ dịch vụ công với người dân, doanh nghiệp- Ảnh 8.

 

Lãnh đạo các bộ, ngành tham dự hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Áp dụng thu phí 0 đồng với dịch vụ công trực tuyến

Giao các nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng trước hết yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, các cấp, các ngành căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn phải tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị và chương trình hành động của Chính phủ, góp phần đạt tăng trưởng GDP đạt ít nhất 8% trong năm 2025.

Kế hoạch thực hiện phải hoàn thành trước 15/2, bảo đảm thực chất, không hình thức; các nhiệm vụ phải cụ thể, lượng hóa để dễ triển khai, dễ đánh giá, dễ đo lường, dễ kiểm tra, giám sát. Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng, nâng cao nhận thức xã hội về chuyển đổi số, đa dạng hóa về hình thức, đa dạng hóa nội dung và lượng hóa về kết quả.

Bộ Nội vụ nghiên cứu phát động phong trào thi đua toàn quốc về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, tạo phong trào, khí thế, tạo động lực, truyền cảm hứng cho mọi người dân, mọi doanh nghiệp và đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra thực hiện công vụ của cán bộ, công chức trong công tác này.

Thủ tướng yêu cầu trước ngày 15/2 hoàn thành việc hợp nhất các ủy ban, ban chỉ đạo của Chính phủ về chuyển đổi số, cải cách hành chính, Đề án 06 thành Ban Chỉ đạo của Chính phủ về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số do Thủ tướng Chính phủ đứng đầu để cụ thể hóa, triển khai các chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số do Tổng Bí thư Tô Lâm làm Trưởng Ban.

Thứ hai, thống nhất nhận thức, hành động và tổ chức thực hiện của người lãnh đạo trong chuyển đổi số. Yêu cầu các đồng chí bộ trưởng, trưởng ngành, chủ tịch UBND tỉnh, thành phố phải có quyết tâm chính trị cao, nêu gương đi đầu, tiên phong trong thống nhất nhận thức, đổi mới tư duy, phương pháp luận trong chuyển đổi số.

Chỉ đạo quyết liệt những nhiệm vụ chậm tiến độ; thường xuyên giao ban, kiểm tra để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn theo nguyên tắc "lãnh đạo từ trên xuống nhưng tổ chức thực hiện, tháo gỡ vướng mắc phải từ dưới lên".

 

Đến tháng 6/2025, yêu cầu tất cả các lãnh đạo bộ, ngành, lãnh đạo UBND cấp tỉnh phải chỉ đạo, điều hành, xử lý công việc trên môi trường mạng và ký số. Đến cuối năm 2025, tất cả cán bộ, công chức cấp xã, huyện, tỉnh phải xử lý công việc trên môi trường mạng và ký số.

Chỉ đạo nhiệm vụ cụ thể với một số lĩnh vực có liên quan nhiều tới người dân, doanh nghiệp, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính đi đầu, tiên phong thực hiện chuyển đổi số trong quản lý thuế, thu thuế, nhất là trong lĩnh vực du lịch và kinh doanh ăn uống, áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, hoàn thành trong 6 tháng đầu năm 2025.

Cùng với đó, Bộ Y tế hoàn thành các công việc để triển khai bệnh án điện tử trong 6 tháng đầu năm 2025; triển khai Bệnh án điện tử tại tất cả các bệnh viện trên toàn quốc trong tháng 9/2025. Bộ Y tế phối hợp với Bộ Công an và các đơn vị liên quan triển khai thí điểm Hệ thống Điều phối dữ liệu y tế tại Bệnh viện Bạch Mai với các cơ sở y tế tỉnh Bắc Ninh, Thái Nguyên; Bệnh viện Chợ Rẫy với các cơ sở y tế tại tỉnh Bình Dương, An Giang và các nhà thuốc đủ điều kiện.

Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng dữ liệu học sinh lớp 1-12, hoàn thành trong 6 tháng đầu năm 2025. Bộ Tư pháp khẩn trương hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp trước khi chuyển cho Bộ Công an. Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tập trung đẩy mạnh các dịch vụ số.

 

Thủ tướng: Chuyển từ 'xin - cho' sang chủ động phục vụ dịch vụ công với người dân, doanh nghiệp- Ảnh 9.

 

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long báo cáo tại hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

 

Thủ tướng: Chuyển từ 'xin - cho' sang chủ động phục vụ dịch vụ công với người dân, doanh nghiệp- Ảnh 10.

 

Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long báo cáo tại hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thứ ba, đẩy mạnh rà soát, xây dựng, hoàn thiện thể chế; xây dựng cơ chế, chính sách; bảo đảm nguồn lực cho chuyển đổi số.

Các bộ ngành hoàn thiện, trình Quốc hội thông qua Luật Công nghiệp công nghệ số và nhanh chóng xây dựng dự thảo các văn bản hướng dẫn. Khẩn trương xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, lấy ý kiến và báo cáo Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9. Xây dựng và trình Quốc hội ban hành nghị quyết quy định về cơ chế đặc thù đầu tư, đầu tư công, mua sắm công các sản phẩm, dịch vụ số.

Đồng thời, khẩn trương trình Chính phủ ban hành 2 nghị định hướng dẫn Luật Giao dịch điện tử, 3 nghị định hướng dẫn Luật Dữ liệu và Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 123/2020/NĐ-CP về hóa đơn, chứng từ. Sớm trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình phát triển chính phủ số và Chương trình phát triển kinh tế số, xã hội số giai đoạn 2026-2030.

Bộ Tài chính đảm bảo nguồn ngân sách chi thường xuyên để triển khai các hoạt động chuyển đổi số quốc gia, Đề án 06.

Thứ tư, về phát triển kinh tế số, hạ tầng số và nền tảng số quốc gia, Thủ tướng yêu cầu xây dựng Đề án ứng dụng internet vạn vật trong một số ngành, lĩnh vực, như sản xuất, thương mại, năng lượng, nông nghiệp thông minh, giao thông thông minh, y tế thông minh…

Xây dựng Đề án chuyển đổi số cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, 5 triệu hộ kinh doanh. Đồng thời, xây dựng bộ tiêu chí đánh giá mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp. Đẩy mạnh triển khai thu thuế hộ gia đình bằng phương thức điện tử.

Đưa Trung tâm Dữ liệu quốc gia đi vào hoạt động trong năm 2025; đẩy mạnh phát triển hệ thống truyền dẫn dữ liệu qua vệ tinh; cáp quang băng thông rộng tốc độ cao… Các nhà mạng phủ sóng 5G trên toàn quốc và đi sớm hơn một bước về internet vệ tinh.

 

Thủ tướng: Chuyển từ 'xin - cho' sang chủ động phục vụ dịch vụ công với người dân, doanh nghiệp- Ảnh 11.

 

Đại diện tỉnh Cà Mau báo cáo tại hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

 

Thủ tướng: Chuyển từ 'xin - cho' sang chủ động phục vụ dịch vụ công với người dân, doanh nghiệp- Ảnh 12.

Đại diện TPHCM báo cáo tại hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thứ năm, tiếp tục đẩy mạnh cung cấp, nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

Đẩy mạnh cắt giảm và xóa bỏ thủ tục hành chính; chuyển trạng thái từ "xin - cho" cung cấp dịch vụ công sang trạng thái "chủ động" phục vụ, cung cấp dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp. Trong năm 2025, 100% các sân bay, bến cảng, cửa khẩu ứng dụng công nghệ sinh trắc, nền tảng VneID.

Nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến toàn trình hướng tới cung cấp dịch vụ số cá nhân hóa, không phụ thuộc vào địa giới hành chính. Đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền giải quyết thủ tục hành chính (như mô hình Hà Nội đã triển khai). Áp dụng chính sách thu phí 0 đồng để thu hút người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến.

Đẩy nhanh tiến độ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính; không yêu cầu người dân, doanh nghiệp cung cấp giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục đã được số hóa. Hoàn thành trong tháng 6/2025 việc số hóa dữ liệu hộ tịch, đất đai trong toàn quốc, chủ tịch UBND cấp tỉnh và Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về việc này.

Phấn đấu đến hết năm 2025 đạt 80% dịch vụ công trực tuyến toàn trình, 40% dân số trưởng thành sử dụng dịch vụ công trực tuyến, 100% hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được gắn định danh cá nhân.

Cắt giảm thủ tục hành chính, thời gian cấp visa và triển khai theo phương thức trực tuyến; tổ chức triển khai cấp căn cước cho người Việt Nam tại nước ngoài và cấp khai sinh cho trẻ em Việt Nam tại nước ngoài theo phương thức trực tuyến.

Thứ sáu, về an ninh, an toàn thông tin, Thủ tướng giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Thông tin và Truyền thông tăng cường phối hợp, thường xuyên đánh giá, hướng dẫn, giám sát, bảo vệ hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành. Các bộ, ngành, địa phương khẩn trương hoàn thành việc bảo đảm an toàn thông tin theo cấp độ.

Thứ bảy, về phát triển nhân lực chuyển đổi số, Thủ tướng yêu cầu cần quan tâm cả việc đào tạo chung mang tính phổ cập và cả đào tạo chuyên gia, thu hút nhân tài, cùng với việc đẩy mạnh đào tạo tiếng Anh. Tổ chức triển khai có hiệu quả Chương trình phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030; trong đó đào tạo ít nhất 50.000 nhân lực có trình độ đại học trở lên phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn.

 

Thủ tướng: Chuyển từ 'xin - cho' sang chủ động phục vụ dịch vụ công với người dân, doanh nghiệp- Ảnh 13.

 

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Chuyển đổi số phải gắn kết chặt chẽ với việc thực hiện cuộc "cách mạng" về sắp xếp, tinh gọn bộ máy và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thứ tám, về triển khai Đề án 06, Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh triển khai 39 nhiệm vụ chậm tiến độ của Đề án 06; tích hợp dữ liệu tổng hợp từ cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành về cơ sở dữ liệu tổng hợp tại Trung tâm Dữ liệu quốc gia; đẩy mạnh số hóa, tạo lập dữ liệu, bảo đảm dữ liệu "đúng, đủ, sạch, sống"; hoàn thành trong quý IV/2025.

Xây dựng bộ chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp, thông qua VNeID trong quý I/2025. Xây dựng bộ chỉ số đánh giá "sức khỏe" doanh nghiệp, hoàn thành trong tháng 6/2025.

Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, phối hợp lên phương án triển khai Hệ thống thông tin phục vụ giám sát dự án đầu tư công và Hệ thống liên thông đăng ký, quản lý đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài, đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án, hoàn thành trong tháng 6/2025.

 

Đồng chí Nguyễn Tri Thức, Thứ trưởng Bộ Y tế chủ trì tại điểm cầu Bộ Y tế

 

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Bộ Y tế

Tham dự tại điểm cầu Bộ Y tế có đồng chí Nguyễn Tri Thức, Thứ trưởng Bộ Y tế; đại diện một số Vụ, Cục, Văn phòng, Trung tâm thuộc Bộ Y tế.

 

Nguồn: Chinhphu.vn

 

 

 


Xuất bản thông tin Xuất bản thông tin

Công bố Lệnh của Chủ tịch nước về Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp

16/06/2025 | 22:22 PM

 | 

 

Chiều 16/6, tại Phủ Chủ tịch, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp và Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung Điều 10 của Pháp lệnh Dân số, đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV thông qua.

Công bố Lệnh của Chủ tịch nước về Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp- Ảnh 1.

Họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp và Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung Điều 10 của Pháp lệnh Dân số - Ảnh: VGP/Đức Tuân

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà; Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long; Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Văn Hiển chủ trì họp báo.

Tạo nền tảng để kiến tạo nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng

Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam gồm 2 điều. Trong đó, Điều 1 sửa đổi, bổ sung 5 điều, khoản của Hiến pháp hiện hành (gồm Điều 9, Điều 10, khoản 1 Điều 84, Điều 110 và Điều 111); Điều 2 quy định về hiệu lực thi hành của Nghị quyết, kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện và điều khoản chuyển tiếp. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày được thông qua (16/6/2025).

Nghị quyết nêu rõ: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam là các tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của thành viên, hội viên tổ chức mình; được tổ chức và hoạt động thống nhất trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; cùng với các tổ chức thành viên khác của Mặt trận hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì.

Công bố Lệnh của Chủ tịch nước về Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp- Ảnh 2.

Ảnh: VGP/Đức Tuân

Theo Nghị quyết, các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được tổ chức thành hai cấp, gồm tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do luật định. Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Quốc hội thành lập.

Việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính phải lấy ý kiến nhân dân địa phương và theo trình tự, thủ tục do Quốc hội quy định.

Chính quyền địa phương được tổ chức ở các đơn vị hành chính. Cấp chính quyền địa phương gồm có Hội đồng nhân dân (HĐND) và Ủy ban nhân dân (UBND) được tổ chức ở đơn vị hành chính phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo do Quốc hội quy định.

Chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Quốc hội quy định khi thành lập đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt đó.

Nghị quyết nêu rõ: Kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện trong cả nước từ ngày 1/7/2025.

Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được Quốc hội thông qua đã đánh dấu khởi đầu cho cuộc cải cách sâu sắc về thể chế, thể hiện tư duy đổi mới có tính cách mạng trong tổ chức hệ thống chính trị và quản trị quốc gia, là cơ sở hiến định cho việc thực hiện thắng lợi chủ trương của Đảng và Nhà nước về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tạo nền tảng để kiến tạo một nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, người dân hạnh phúc, yên vui.

Thiết lập cơ sở pháp lý đầy đủ cho mô hình chính quyền địa phương ở đặc khu

Giới thiệu về Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long cho biết, Luật gồm 7 chương, 54 điều; có hiệu lực thi hành từ ngày được thông qua (16/6/2025).

Công bố Lệnh của Chủ tịch nước về Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp- Ảnh 3.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long cho biết, Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) gồm 7 chương, 54 điều; có hiệu lực thi hành từ ngày được thông qua (16/6/2025) - Ảnh: VGP/Đức Tuân

Luật đã thể hiện tư duy đổi mới nhằm hướng đến quản trị địa phương hiện đại, kiến tạo phát triển, tháo gỡ những điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực, đáp ứng mục tiêu tăng trưởng nhanh, bền vững của các địa phương nói riêng và cả nước nói chung trong kỷ nguyên mới của đất nước.

Việc Quốc hội thông qua Luật này còn mang ý nghĩa lịch sử, tạo nền tảng pháp lý vững chắc cho tổ chức, hoạt động của chính quyền địa phương theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp lần đầu tiên được tổ chức ở nước ta.

Về phân định đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính, Luật xác lập mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp (cấp tỉnh và cấp xã) thống nhất trong cả nước; đồng thời thiết lập cơ sở pháp lý đầy đủ cho mô hình chính quyền địa phương ở đặc khu; hoàn thiện các quy định về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương bảo đảm tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, gần dân, sát dân, phục vụ nhân dân tốt hơn, thực hiện triệt để nguyên tắc "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm", phát huy tính chủ động, sáng tạo, tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương; bảo đảm việc thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương.

Đặc biệt, Luật đã trao quyền cho Chủ tịch UBND cấp tỉnh trong trường hợp cần thiết được trực tiếp chỉ đạo, điều hành việc giải quyết những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc cấp mình và của UBND, Chủ tịch UBND cấp xã, không để việc giải quyết công việc, thủ tục hành chính đối với người dân, doanh nghiệp bị đình trệ, ùn tắc, kém hiệu quả.

Trên cơ sở các nguyên tắc phân định thẩm quyền, đã thiết kế lại toàn diện nhiệm vụ và quyền hạn của chính quyền địa phương 2 cấp (cấp tỉnh và cấp xã), bảo đảm phân định rõ, không trùng lắp, chồng chéo về nhiệm vụ, thẩm quyền của từng cấp chính quyền, phù hợp với mô hình quản trị địa phương hiện đại; đồng thời, tạo cơ sở pháp lý để các luật chuyên ngành căn cứ vào các quy định của Luật này để quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp tỉnh, cấp xã trong các lĩnh vực chuyên ngành...

Việc chuyển đổi từ mô hình chính quyền địa phương 3 cấp sang 2 cấp là một bước cải cách quan trọng và có tính chất lịch sử. Để bảo đảm sự liên tục, thông suốt và ổn định trong quá trình chuyển đổi này, Luật đã quy định đầy đủ, bao quát và có tính đến các vấn đề có thể phát sinh trong thực tiễn, từ việc tổ chức bộ máy, nhân sự cho đến quy trình xử lý hành chính và cơ chế hoạt động.

Theo đó, Luật Quy định chuyển tiếp đối với các phường thuộc thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Đà Nẵng thực hiện mô hình chính quyền đô thị (hiện nay chỉ tổ chức UBND, không tổ chức HĐND) sang mô hình tổ chức cấp chính quyền địa phương (có đầy đủ HĐND và UBND) được vận hành thông suốt, hiệu quả kể từ ngày 1/7/2025. Quy định 10 nội dung chuyển tiếp nhằm bảo đảm hoạt động liên tục, bình thường của các cơ quan, tổ chức, đơn vị mới khi chuyển đổi mô hình tổ chức chính quyền địa phương 3 cấp thành 2 cấp và đẩy mạnh phân quyền, phân cấp theo quy định tại Luật này, bảo đảm không làm gián đoạn công việc, không ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của xã hội, người dân, doanh nghiệp.

Trong đó, để kịp thời thực hiện tổ chức chính quyền địa phương cấp tỉnh, cấp xã theo mô hình mới, giao Chính phủ ban hành văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền phân định lại nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương và điều chỉnh các quy định khác có liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương để thống nhất áp dụng trong thời gian chưa sửa đổi, bổ sung các luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và định kỳ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội; trường hợp liên quan đến luật, nghị quyết của Quốc hội thì báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Đặc biệt, để kịp thời xử lý những tình huống phát sinh, đột xuất mà chưa có trong quy định của pháp luật, Luật đã thiết lập cơ chế linh hoạt, chủ động theo hướng cho phép Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, HĐND, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm xem xét, ban hành văn bản hoặc ủy quyền ban hành văn bản để giải quyết các vấn đề phát sinh khi tổ chức chính quyền địa phương cấp tỉnh và cấp xã theo quy định tại Luật này.

Công bố Lệnh của Chủ tịch nước về Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp- Ảnh 4.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương giới thiệu về Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung Điều 10 của Pháp lệnh Dân số - Ảnh: VGP/Đức Tuân

Khắc phục tình trạng chênh lệch đáng kể mức sinh

Giới thiệu về Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung Điều 10 của Pháp lệnh Dân số, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, việc xây dựng Pháp lệnh này tạo cơ sở pháp lý thể chế hóa các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng về công tác dân số, trong đó chú trọng về mức sinh; quy định quyền nghĩa vụ của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân trong việc sinh con, bảo đảm quyền con người, quyền cơ bản của công dân, bình đẳng giới trong thực hiện công tác dân số, góp phần duy trì vững chắc mức sinh thay thế trên phạm vi cả nước, khắc phục tình trạng chênh lệch đáng kể mức sinh giữa các vùng, đối tượng.

Quan điểm xây dựng Pháp lệnh là bảo đảm thống nhất giữa quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, góp phần thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về công tác dân số trong tình hình mới. Bảo đảm đồng bộ trong hệ thống chính sách, pháp luật hiện hành; bảo đảm thực hiện các quyền con người, quyền cơ bản của công dân; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tố chức, cá nhân trong lĩnh vực dân số và phát triển. Đồng thời phù hợp với cam kết quốc tế trong xử lý các vấn đề dân số, đặc biệt về mức sinh, phù hợp với xu thế của thời đại; bảo đảm tính khả thi, phù hợp với các giá trị văn hóa dân tộc và con người Việt Nam.

Theo đó, Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung Điều 10 của Pháp lệnh Dân số về quyền và nghĩa vụ của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân trong việc thực hiện kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản: Quyết định về thời gian sinh con, số con và khoảng cách giữa các lần sinh phù hợp với lứa tuổi, tình trạng sức khỏe, điều kiện học tập, lao động, công tác, thu nhập và nuôi dạy con của cặp vợ chồng, cá nhân trên cơ sở bình đẳng. Bảo vệ sức khỏe, thực hiện các biện pháp phòng ngừa bệnh nhiễm khuẩn đường sinh sản, bệnh lây truyền qua đường tình dục, HIV/AIDS và thực hiện các biện pháp khác liên quan đến chăm sóc sức khỏe sinh sản.

Pháp lệnh được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua tại Phiên họp thứ 46 ngày 3/6/2025.

Nguồn: Chinhphu.vn


Thăm dò ý kiến