Chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 30/4

02/05/2021 | 13:25 PM

 | 

Văn phòng Chính phủ vừa có thông cáo báo chí Chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 30/4.

 

Bộ Tài nguyên và Môi trường cần tập trung vào 5 nhiệm vụ chính

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp về tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các khó khăn, vướng mắc và giải pháp cần tập trung tháo gỡ để thúc đẩy sản xuất kinh doanh và phát triển kinh tế - xã hội.

Để thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực tài nguyên, môi trường, tạo điều kiện giải phóng nguồn lực cho Nhà nước, cho xã hội trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường quán triệt đến từng lãnh đạo Bộ, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc, từng cán bộ, chuyên viên các nguyên tắc dưới đây khi xử lý công việc: Đảm bảo công khai, minh bạch, khách quan trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và xử lý công việc; bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn và lấy thực tiễn làm thước đo; đảm bảo thượng tôn pháp luật, xây dựng, hoàn thiện hệ thống luật pháp đảm bảo tính khả thi, đi vào thực tiễn, đáp ứng yêu cầu của cuộc sống; khi xử lý công việc, đảm bảo thống nhất trong nhận thức, nghiên cứu kỹ lưỡng, có căn cứ thực tiễn, căn cứ pháp lý; cần nỗ lực cao, quyết tâm lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, xử lý dứt điểm không dây dưa, kéo dài.

Bên cạnh đó, đối với những vấn đề đột xuất, bất ngờ phải nắm chắc tình hình, bám sát thực tiễn và căn cứ chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để có giải pháp phù hợp và xử lý công việc đạt hiệu quả cao nhất. Những vấn đề đã rõ, có cơ sở thực tiễn, khả thi, có sự đồng thuận thì kịp thời trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản thể chế hóa thực hiện; những vấn đề mà pháp luật chưa quy định hoặc vượt quy định thì mạnh dạn trình cấp có thẩm quyền thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường ưu tiên tập trung xây dựng, ban hành ngay Kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng theo chức năng, nhiệm vụ của Bộ, bám sát và dựa vào thực tiễn, quy định pháp luật liên quan; tập trung chỉ đạo triển khai Kế hoạch ngay từ những ngày đầu thực hiện. Khẩn trương tổ chức tổng kết thực hiện Luật Đất đai và xây dựng dự án Luật Đất đai sửa đổi; lập Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, kế hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2025, theo đúng chỉ đạo của Quốc hội tại Nghị quyết số 82/2019/QH14 ngày 14 tháng 6 năm 2019.

Bên cạnh đó, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc nghiên cứu và thực hiện đúng các nội dung của Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ về nhiệm vụ giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021, Nghị quyết số 45/NQ-CP ngày 16 tháng 4 năm 2021 của Chính phủ về phiên họp triển khai công việc của Chính phủ sau khi được kiện toàn tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV.

Rà soát chức năng, nhiệm vụ của Bộ, tổ chức bộ máy, các cơ quan thuộc Bộ đảm bảo bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo đúng chủ trương của Đảng về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Công tác tổ chức, cán bộ cần quán triệt nguyên tắc: (1) Một việc chỉ có một đơn vị, một cá nhân chịu trách nhiệm chính, một người có thể làm nhiều việc; việc nào người dân, doanh nghiệp, xã hội có thể làm tốt hơn thì xã hội hóa (trừ các nội dung liên quan tới an ninh, quốc phòng, ổn định chính trị-xã hội, đối ngoại); đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số tiến tới Chính phủ số; phân cấp, phân quyền, tăng cường kiểm soát quyền lực, kiểm tra, giám sát; (2) Siết chặt kỷ luật, kỷ cương để bảo đảm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, nhưng mở ra môi trường đổi mới, sáng tạo, bảo vệ và khuyến khích những người dám nghĩ dám làm, biết làm, dám chịu trách nhiệm; (3) Tập trung cho nghiên cứu khoa học, đào tạo con người, nhất là nghiên cứu các vấn đề có ý nghĩa chiến lược, tổng kết thực tiễn, bổ sung cho công tác lý luận.

Tiếp tục rà soát thể chế, cơ chế, chính sách hiện hành trên cơ sở yêu cầu của thực tiễn để tìm ra, chỉ rõ các chính sách, quy định đang kìm hãm các nguồn lực cho sự phát triển, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, từ đất đai, môi trường cho đến khoáng sản, nước… Vấn đề nào thuộc thẩm quyền của Quốc hội thì chủ động báo cáo ngay Quốc hội khóa mới tại kỳ họp đầu tiên, vấn đề nào thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hay cấp bộ thì tập trung tháo gỡ, xử lý dứt điểm ngay trong 3 tháng đến 6 tháng tới.

Tập trung 5 nhiệm vụ chính

Nghiên cứu, xây dựng các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn, điều kiện để phân cấp, phân quyền cho chính quyền các địa phương quyết định và chịu trách nhiệm trước pháp luật. Bộ Tài nguyên và Môi trường cần tập trung vào 5 nhiệm vụ chính: Xây dựng chiến lược, quy hoạch; xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách; xây dựng công cụ để huy động các nguồn lực; hướng dẫn kiểm tra, giám sát; thanh tra, kiểm tra; khen thưởng, kỷ luật. Tinh thần là làm sao chuyển từ bị động sang chủ động, tiền kiểm sang hậu kiểm để ít phiền hà nhất cho người dân, doanh nghiệp và chính quyền các địa phương; đồng thời giảm thiểu các sai phạm.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận của nhân dân và xã hội, đây cũng là một trong các phương thức lãnh đạo của Đảng, đảm bảo công khai, minh bạch, chống tiêu cực, lãng phí, sách nhiễu, gây phiền hà cho nhân dân, doanh nghiệp. Đối với lĩnh vực môi trường, phải tập trung và tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động, tạo đồng thuận xã hội, nâng cao nhận thức về môi trường, để người dân, doanh nghiệp, xã hội cùng tham gia bảo vệ môi trường, xã hội hóa công tác môi trường; chuyển từ bị động sang chủ động trong bảo vệ môi trường.

Trong phạm vi thẩm quyền và nguồn lực được giao, Bộ cần chủ động rà soát, lựa chọn, xác định các mục tiêu, dự án, đề án ưu tiên của ngành, để tập trung nguồn lực đầu tư, bảo đảm khả thi, hiệu quả, tạo động lực thực sự cho phát triển; tránh đầu tư phân tán, dàn trải, kéo dài, hiệu quả thấp. Bộ cần nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách phù hợp để huy động các nguồn lực hợp pháp khác cho sự phát triển của ngành, phát huy tinh thần “tự lực tự cường vươn lên từ bàn tay, khối óc của mình”.

Trên nguyên tắc này, ưu tiên thực hiện nhanh việc chuyển đổi số ngành tài nguyên và môi trường, xây dựng, hoàn thiện, chia sẻ, sử dụng dữ liệu số, nhất là trong quản lý tài nguyên đất đai, nền địa lý, tài nguyên nước, khoáng sản, quan trắc, cảnh báo môi trường, khí tượng thủy văn, biển và hải đảo, biến đổi khí hậu…

 

TP. Hồ Chí Minh phải chuẩn bị sẵn sàng mọi mặt phòng chống COVID-19

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại cuộc kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

TP. Hồ Chí Minh là đô thị lớn, tập trung đông dân cư, trung tâm lớn về các hoạt động kinh tế, giao lưu trong nước và quốc tế, là địa bàn trọng yếu về phòng, chống dịch COVID-19. Việc bảo đảm an toàn phòng chống dịch của Thành phố có ý nghĩa to lớn, góp phần ổn định xã hội, phát triển kinh tế, thực hiện mục tiêu kép không chỉ đối với Thành phố mà còn đối với cả nước.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đánh giá cao Đảng bộ và chính quyền nhân dân TP. Hồ Chí Minh đã thực hiện hiệu quả công tác phòng chống dịch COVID-19. Thành phố đã có nhiều giải pháp chủ động, linh hoạt, cách làm sáng tạo và phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, các lực lượng chủ chốt như quân đội, công an, y tế và các tổ chức đoàn thể để dập dịch nhanh, hiệu quả, góp phần ổn định kinh tế-xã hội, thực hiện mục tiêu kép, có đóng góp quan trọng vào kinh tế - xã hội của đất nước.

Qua kiểm tra trên thực tế và làm việc với Lãnh đạo Thành phố, cho thấy Thành phố đã triển khai nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn.

Trong bối cảnh dịch bệnh trên thế giới tiếp tục có diễn biến phức tạp với số người mắc, số người tử vong tiếp tục gia tăng, đặc biệt dịch đang bùng phát tại các nước láng giềng có chung đường biên giới với Việt Nam, nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào nước ta là rất cao, nhất là từ người nhập cảnh.

Lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh phải tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch trên địa bàn; tiếp tục quán triệt sâu sắc hơn nữa quan điểm “chống dịch như chống giặc”, tập trung cao độ thực hiện có hiệu quả các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác trong công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất là trong các ngày nghỉ lễ 30/4, 01/5 cũng như chuẩn bị bầu cử Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Đặc biệt, cần quán triệt tinh thần chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ là lãnh đạo Thành phố chịu trách nhiệm trước Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn; kiên quyết không để dịch xâm nhập và lây lan trên diện rộng, phải giữ vững thành quả phòng, chống dịch thời gian qua, bảo đảm ổn định xã hội, thực hiện mục tiêu kép.

UBND Thành phố tập trung chỉ đạo rà soát, cập nhật các quy trình, quy định, biện pháp phòng, chống dịch bảo đảm phù hợp với yêu cầu trong tình hình mới, bảo đảm rõ người, rõ trách nhiệm, rõ quy trình, đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong phòng, chống dịch; chú trọng vai trò chủ động của cấp ủy, chính quyền các địa phương.

Bảy trọng tâm cần tập trung

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình chỉ đạo Thành phố cần tập trung quyết liệt, đồng bộ, bảo đảm hiệu quả việc thực hiện các nhiệm vụ giải pháp trọng tâm sau:

Một là, quản lý chặt chẽ người nhập cảnh, đấu tranh ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp nhập cảnh trái phép; kiên quyết xử lý về hình sự những đối tượng nhập cảnh trái phép cố tình trốn tránh, không chấp hành quy định về cách ly, giám sát y tế theo đúng quy định của pháp luật. Thành phố tiếp tục phát huy vai trò các Tổ phòng dịch cộng đồng, đẩy mạnh thực hiện việc đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các trường hợp nhập cảnh trái phép.

Hai là, tăng cường kiểm tra việc thực hiện 5K, đặc biệt là đeo khẩu trang (đối với cá nhân); việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch của các cơ quan, đơn vị, tổ chức trên địa bàn (đối với tổ chức), nhất là tại các bệnh viện, trường học, các khu công nghiệp, nhà máy, siêu thị, bến xe, cửa khẩu, khu du lịch, cơ sở tôn giáo… xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm. Cơ sở nào không bảo đảm an toàn, kiên quyết đình chỉ hoạt động, xử lý theo pháp luật.

Ba là, tiếp tục đẩy mạnh thông tin tuyên truyền để nhân dân, toàn thể xã hội đề cao cảnh giác với nguy cơ dịch bệnh xâm nhập; khuyến khích tiêm vắc xin phòng dịch, tự giác thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định, nhất là thực hiện 5K (đặc biệt là đeo khẩu trang), chủ động phát hiện, thông báo với chính quyền về các trường hợp nhập cảnh trái phép, trường hợp nghi mắc bệnh trong cộng đồng.

Bốn là, rà soát các phương án, kịch bản và chuẩn bị sẵn sàng mọi mặt, thường xuyên tổ chức đào tạo, tập huấn, diễn tập để chủ động chuẩn bị cho các tình huống xấu xảy ra và thực hiện nghiêm túc phương châm bốn tại chỗ trong công tác phòng, chống dịch bệnh; sẵn sàng tăng cường, chi viện, hỗ trợ cho các tỉnh, thành phố lân cận, nhất là các tỉnh biên giới khi có yêu cầu.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình lưu ý TP. Hồ Chí Minh nâng cao năng lực cách ly tập trung trên địa bàn; rà soát, chuẩn bị sẵn sàng các cơ sở cách ly do quân đội quản lý và các cơ sở cách ly dân sự, bảo đảm tiếp nhận cách ly số lượng lớn. Tiếp tục thực hiện nghiêm ngặt, chặt chẽ việc quản lý các cơ sở cách ly và theo dõi y tế sau cách ly tập trung, không để lây chéo trong khu cách ly và lây nhiễm ra cộng đồng; nâng cao năng lực xét nghiệm, nhất là xét nghiệm nhanh; nâng cao năng lực điều trị trên địa bàn.

Năm là, khẩn trương thực hiện tiêm vắc xin, trước hết cho các đối tượng ưu tiên theo đúng Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/2/2021 của Chính phủ. Lãnh đạo Thành phố phải gương mẫu, đi đầu trong việc tiêm vắc xin phòng dịch.

Sáu là, tăng cường sàng lọc, giám sát nhằm phát hiện sớm các trường hợp nghi nhiễm, có nguy cơ cao nhiễm bệnh trên địa bàn.

Bảy là, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về hạn chế các sự kiện tập trung đông người. Trường hợp cần thiết phải tổ chức thì cơ quan tổ chức phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.

An Giang, Đồng Tháp không để sót, lọt người nhập cảnh trái phép lây lan COVID-19

Văn phòng Chính phủ đã có các Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại cuộc kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh An Giang và tỉnh Đồng Tháp.

Tỉnh An Giang có trên 100 km đường biên giới, tiếp giáp 2 tỉnh Kandan và tỉnh Tekeo của Campuchia, nơi có khoảng 27.000 Việt kiều sinh sống, cũng là tỉnh có nhiều người mắc bệnh. Trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp tại nhiều nước trên thế giới, trong đó tại Campuchia mỗi ngày tăng thêm khoảng 500 ca mắc mới trong cộng đồng (theo số liệu báo cáo của tỉnh), nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào An Giang qua đường nhập cảnh (cả hợp pháp và trái phép), sau đó từ An Giang xâm nhập sâu vào nội địa là rất lớn. Do vậy, An Giang hiện có nhiệm vụ chính trị hàng đầu là kiểm soát chặt chẽ người nhập cảnh, ngăn chặn nhập cảnh trái phép, là tuyến đầu, “phên dậu” – cửa ngõ của cả nước trong công tác này.

An Giang đã triển khai nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn. Tỉnh đã tổ chức 12 đoàn kiểm tra liên ngành, 11 Tổ kiểm tra công tác tuyên truyền, phát động phong trào “toàn dân phòng, chống dịch”, vận động mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng chống dịch, qua đó một số trường hợp nhập cảnh trái phép trên địa bàn được người dân chủ động phát hiện, thông báo với chính quyền.

Về phía tỉnh Đồng Tháp, là tỉnh biên giới giáp với Campuchia, kinh tế còn nhiều khó khăn, cũng là tỉnh có đường biên giới dài (trên 50 km) với nhiều đường mòn, lối mở, đường sông không thuận lợi cho việc quản lý, kiểm soát người qua lại, nhất là vượt biên trái phép. Các địa phương phía Campuchia giáp với Đồng Tháp là địa bàn có gần 9.000 Việt kiều làm ăn, sống (theo số liệu báo cáo của tỉnh), nguy cơ bà con nhập cảnh vào Đồng Tháp nhằm tránh dịch bệnh là rất lớn.

Đồng Tháp đã triển khai nghiêm túc các chỉ đạo về phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn. Đặc biệt, trong thời gian gần đây đã rất quan tâm và tập trung chỉ đạo quản lý biên giới, kiểm soát chặt chẽ người nhập cảnh, ngăn chặn và xử lý nhập cảnh trái phép.

Hạn chế mức thấp nhất tác động bất lợi đến KTXH và đời sống nhân dân

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu trong thời gian tới, tỉnh An Giang cần tăng cường quản lý qua biên giới, nhất là đường mòn, lối mở, quản lý chặt chẽ người nhập cảnh, đấu tranh ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp nhập cảnh trái phép, không khai báo y tế, khai báo y tế không trung thực, không chấp hành cách ly khi nhập cảnh. Tỉnh huy động cả hệ thống chính trị, nhất là cơ sở, tiếp tục phát huy vai trò các Tổ phòng dịch cộng đồng, đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các trường hợp nhập cảnh trái phép; kiên quyết không để sót, lọt người nhập cảnh trái phép lây lan dịch bệnh.

Tỉnh Đồng Tháp cũng cần xác định quản lý chặt chẽ người nhập cảnh, ngăn chặn nhập cảnh trái phép trên địa bàn là nhiệm vụ chính trị hàng đầu của Tỉnh hiện nay. Tỉnh cần tăng cường lực lượng, phương tiện, phối hợp chặt chẽ với lực lượng quân đội, công an trong quản lý biên giới, nhất là đường mòn, lối mở, giám sát chặt chẽ mọi trường hợp nhập cảnh, kiên quyết không để sót, lọt người nhập cảnh trái phép lây lan dịch bệnh trên địa bàn. Tỉnh tiếp tục huy động cả hệ thống chính trị, nhất là cơ sở, tiếp tục phát huy vai trò các Tổ phòng dịch cộng đồng, đẩy mạnh thực hiện việc đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các trường hợp nhập cảnh trái phép; xử lý nghiêm các trường hợp không khai báo y tế, khai báo y tế không trung thực, không chấp hành cách ly khi nhập cảnh.

Hai tỉnh được yêu cầu tập trung chỉ đạo và tăng cường kiểm tra việc thực hiện 5K, đặc biệt là đeo khẩu trang; kiểm tra việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch của các cơ quan, đơn vị, tổ chức trên địa bàn, nhất là tại các bệnh viện, trường học, nhà máy, bến xe, cửa khẩu, khu du lịch, cơ sở tôn giáo… xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để góp phần phòng ngừa, răn đe. Cơ sở nào không bảo đảm an toàn, kiên quyết đình chỉ hoạt động, xử lý theo pháp luật.

Tiếp tục đẩy mạnh thông tin tuyên truyền tới các tầng lớp nhân dân, nhất là nhân dân trên tuyến biên giới đề cao cảnh giác với nguy cơ dịch bệnh xâm nhập; khuyến khích tiêm vắc xin phòng dịch, tự giác thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định, nhất là thực hiện 5K (đặc biệt là đeo khẩu trang), chủ động phát hiện, thông báo với chính quyền về các trường hợp nhập cảnh trái phép.

Rà soát các phương án, kịch bản và chuẩn bị sẵn sàng mọi mặt (theo phương châm bốn tại chỗ) ứng phó với mọi tình huống dịch bệnh có thể xảy ra, kể cả tình huống xấu, bảo đảm 4 tại chỗ. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình lưu ý 2 tỉnh An Giang, Đồng Tháp nâng cao năng lực cách ly tập trung trên địa bàn; tiếp tục thực hiện nghiêm ngặt, chặt chẽ việc quản lý các cơ sở cách ly và theo dõi y tế sau cách ly tập trung, không để lây chéo trong khu cách ly và lây nhiễm ra cộng đồng; lưu ý hỗ trợ bà con khó khăn nhập cảnh; nâng cao năng lực xét nghiệm, nhất là xét nghiệm nhanh; nâng cao năng lực điều trị trên địa bàn.

Bên cạnh đó, khẩn trương thực hiện tiêm vắc xin, trước hết cho các đối tượng ưu tiên theo đúng Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/2/2021 của Chính phủ. Lãnh đạo Tỉnh phải gương mẫu, đi đầu trong việc tiêm vaccine phòng dịch.

Tăng cường sàng lọc, giám sát nhằm phát hiện sớm các trường hợp nghi nhiễm, có nguy cơ cao nhiễm bệnh, nhất là trong cư dân trên tuyến biên giới và các lực lượng tuyến đầu chống dịch.

Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về hạn chế các sự kiện tập trung đông người. Trường hợp cần thiết phải tổ chức thì cơ quan tổ chức phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định. Tỉnh An Giang lưu ý có phương án bảo đảm an toàn phòng, chống dịch trong Lễ hội Bà Chúa Xứ, đặc biệt trong dịp nghỉ lễ nhân kỷ niệm Ngày Chiến thắng và Ngày quốc tế lao động, trong các hoạt động bầu cử, thi cử của học sinh.

Trường hợp phát hiện ca nhiễm trong cộng đồng phải quyết liệt cách ly nhanh, khoanh vùng gọn, thần tốc truy vết, quyết không để lây lan trên diện rộng. Trường hợp áp dụng giãn cách xã hội phải khoanh vùng giãn cách ở phạm vi, quy mô nhỏ nhất có thể, hạn chế mức thấp nhất tác động bất lợi đến kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân./.

Nguồn: chinhphu.vn

 


Xuất bản thông tin Xuất bản thông tin

Họp rà soát công tác chuẩn bị Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam

06/02/2025 | 15:38 PM

 | 

Chiều ngày 05/02/2025 tại Hà Nội, Ban Tuyên Giáo và Dân vận phối hợp với Bộ Y tế tổ chức cuộc họp rà soát công tác chuẩn bị Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/02/1955- 27/02/2025).

 

Tham dự cuộc họp về phía Bộ Y tế có đồng chí Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế; đại diện Văn phòng Bộ, một số Vụ, Cục, Công đoàn Y tế Việt Nam, Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe Trung ương, Báo Sức khỏe và Đời đời sống và một số đơn vị liên quan.

Về phía Ban Tuyên Giáo và Dân vận có đồng chí Bùi Ngọc Quý, Vụ trưởng Vụ Y tế - Thể thao cùng các đồng chí lãnh đạo, Chuyên viên Vụ.

Về phía Đài Truyền hình Việt Nam có đồng chí Trần Trung Kiên, Phó Trưởng Ban Thời sự, Đài Truyền hình Việt Nam cùng nhóm đạo diễn Chương trình truyền hình trực tiếp Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam.

Đồng chí Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu.

Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/02/1955- 27/02/2025) sẽ được tổ chức với quy mô cấp Trung ương được phát sóng trực tiếp trên Truyền hình Việt Nam vào 20h ngày 26/02/2025 (Thứ Tư) địa điểm tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Hà Nội.

Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam với chủ đề “Bản hùng ca người chiến sĩ áo trắng” nhằm ôn lại những chặng đường gian khó, nhưng cũng đầy vinh quang và vẻ vang của 70 năm ngành Y tế làm theo lời Bác Hồ; Lễ kỷ niệm cũng nhằm tôn vinh, tri ân các thế hệ Thầy thuốc Việt Nam, những người chiến sĩ áo trắng đã thầm lặng dâng hiến trí tuệ, sức lực và cả xương máu trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ đất nước nói chung và sự nghiệp chăm sóc bảo vệ nhân dân nói riêng; đặc biệt, Lễ kỷ 70 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam còn nhằm tăng cường giáo dục truyền thống và lịch sử của ngành Y tế đến toàn thể cán bộ, nhân viên y tế góp phần nâng cao nhận thức vai trò, trách nhiệm của người thầy thuốc trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân đúng như lời dạy của Bác Hồ “Lương y phải như từ mẫu”.

Đại diện Ban Tuyên Giáo và Dân vận phát biểu ý kiến tại cuộc họp.

Đại diện Bộ Y tế phát biểu ý kiến tại cuộc họp.

Tại cuộc họp, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đề xuất bổ sung các nội dung nhằm hoàn thiện theo đúng tiến độ, kế hoạch đã đề ra như: Các hoạt động cụ thể diễn ra trong chương trình truyền hình trực tiếp Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam bao gồm giầy mời, danh sách khách mời, xác nhận của đại biểu tham dự, bài phát biểu của Lãnh đạo Đảng, Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Y tế, chương trình gặp mặt báo chí cung cấp thông tin về Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam, hoàn thiện khung chương trình kịch bản, sân khấu, bộ nhận diện chương trình, sơ đồ bố trí chỗ ngồi và đón tiếp khách mời... Đăng tải tin, bài hình ảnh về Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam trên các kênh thông tin truyền thông, mạng xã hội, Cổng Thông tin điện tử Bộ Y tế. Triển lãm ảnh về thành tựu 70 năm của ngành Y tế. Nội dung tôn vinh, khen thưởng cá nhân, tập thể tiêu biểu có thành tích xuất sắc trong thực thi nhiệm vụ, gương điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua của ngành Y tế... Kế hoạch đi thăm đi thăm các cơ sở y tế chúc mừng ngày Thầy thuốc Việt Nam của các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Toàn cảnh cuộc họp.

          Phát biểu tại cuộc họp, đồng chí Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế đánh giá cao công tác tổ chức của các đơn vị có liên quan đối với kế hoạch tổ chức các hoạt động Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam. Trên cơ sở các ý kiến của các đại biểu, đồng chí Đỗ Xuân Tuyên nêu một số nội dung cần lưu ý hoàn thiện như: Mục đích, yêu cầu của Lễ kỷ niệm cần ngắn gọn thể hiện sự tôn vinh, biểu dương, giáo dục, trang nghiêm, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện và khả thi; bố trí thời gian và thành phần tham dự Lễ dâng hương, tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Đài Tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ và viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh; chú ý kết cấu phân bổ bài phát biểu của các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước; công tác an ninh, y tế được đảm bảo trong suốt thời gian diễn ra Lễ kỷ niệm...

Sau cuộc, trên cơ sở những ý kiến đóng góp của các đại biểu, Tổ công tác sẽ báo cáo Ban Tổ chức tiếp tục điều chỉnh hoàn thiện chương trình. Dự kiến buổi sơ duyệt Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam vào ngày 17/02/2025 và tổng duyệt vào ngày 25/02/2025./.


Thăm dò ý kiến