Tiếp tục mở chiến dịch tiêm vaccine phòng sởi
14/03/2025 | 08:24 AM



Chiều nay, 13/3, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Thành Long đã tiếp Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, bà Angela Pratt và Trưởng đại diện Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNCIEF) tại Việt Nam, bà Silvia Danilov, trao đổi về việc hợp tác phòng chống dịch bệnh, trong đó có bệnh sởi.
Phó Thủ tướng Lê Thành Long phát biểu tại buổi tiếp - Ảnh: VGP/Đức Tuân
Đại diện 2 tổ chức quốc tế cho rằng, dịch sởi có xu hướng chung giảm, nhưng chưa dừng lại, cần hết sức thận trọng. Một số khu vực tại Việt Nam có khoảng trống miễn dịch đối với sởi. Do đó, cần đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine; tiến hành đợt tiêm bù, tiêm vét vaccine phòng sởi trên toàn quốc, mở rộng nhóm tuổi được tiêm vaccine, không để bỏ sót đối tượng. Bên cạnh đó, cần chuẩn bị sẵn sàng vật tư y tế, dự trữ thuốc, phòng chống lây nhiễm chéo sởi tại cơ sở y tế.
"Chúng tôi sẵn sàng đồng hành cùng ngành y tế Việt Nam trong bất cứ hoàn cảnh nào có thể", bà Angela Pratt nói.
Theo bà Silvia Danilov, Trưởng Đại diện UNCEF tại Việt Nam, cần huy động các cấp, các ngành, tổ chức đoàn thể tham gia phòng chống dịch sởi. Đồng thời, cần đổi mới, tăng cường hệ thống mua sắm để bảo đảm có đủ vật tư y tế, vaccine. UNICEF luôn đồng hành với Việt Nam trong vấn đề này, bà Silvia Danilov nói.
Bà Angela Pratt, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam phát biểu - Ảnh: VGP/Đức Tuân
Phát biểu tại cuộc tiếp, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương nhất trí rằng "không thể chủ quan". Bộ Y tế sẽ tổ chức cuộc họp trực tuyến với các địa phương để đôn đốc triển khai phòng chống dịch sởi. Với đặc điểm lây lan nhanh (hơn cả COVID-19), vaccine phòng sởi có ý nghĩa hết sức quan trọng. Bộ Y tế bảo đảm có đủ vaccine phòng sởi cho chương trình tiêm chủng mở rộng.
Bà Silvia Danilov, Trưởng đại diện Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNCIEF) tại Việt Nam phát biểu - Ảnh: VGP/Đức Tuân
Đại diện Bộ Y tế cho biết, tỉ lệ bao phủ vaccine sởi thấp hơn mức yêu cầu trong nhiều năm sau ảnh hưởng của dịch COVID-19, tạo khoảng trống miễn dịch lớn hơn trong cộng đồng. Giai đoạn 2019-2024, ước tính khoảng 1,4 triệu trẻ thuộc nhóm tuổi trong độ tuổi tiêm chủng mở rộng chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi vaccine phòng sởi. Việc triển khai tiêm bù, tiêm vét và tiêm chiến dịch vaccine phòng sởi đến nay mới bao phủ được khoảng 70% (khoảng 900.000 trẻ). Do đó, nếu không kịp thời rà soát để tiêm bổ sung vaccine sởi cho các trường hợp chưa tiêm, tiêm chưa đủ (500.000 trẻ), nguy cơ dịch bệnh lây lan vẫn rất lớn.
Cảm ơn, đánh giá cao sự hợp tác của các tổ chức quốc tế, Phó Thủ tướng Lê Thành Long nhấn mạnh, Việt Nam nhận thức rõ nguy cơ lây lan, mức độ nguy hiểm của dịch sởi, bày tỏ mong muốn các tổ chức quốc tế tiếp tục hỗ trợ, đồng hành với Việt Nam trong phòng, chống dịch bệnh này, nhất là hỗ trợ vaccine.
Việt Nam sẵn sàng ứng phó tình huống xấu hơn của dịch và sẽ tiếp tục mở chiến dịch tiêm vaccine phòng sởi, mở rộng đối tượng tiêm vaccine cũng như tiến hành tiêm bù, tiêm vét.
Phó Thủ tướng mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế trong thời gian tới - Ảnh: VGP/Đức Tuân
Theo Phó Thủ tướng, các địa phương cần theo dõi sát diễn biến dịch bệnh và báo cáo ngay tình hình. Cần huy động sự vào cuộc của các cấp, các ngành chứ không chỉ có ngành y tế. Chuẩn bị sẵn cơ sở vật chất, trang thiết bị, vật tư y tế, nhất là các vùng có nguy cơ cao để xử lý ngay dịch bệnh.
Phó Thủ tướng khẳng định, sẽ tăng cường các biện pháp quản lý, rà soát, chỉnh sửa các cơ chế chính sách để tháo gỡ vấn đề về kinh phí, cơ chế mua bán vật tư y tế, khuyến khích sản xuất vaccine trong nước.
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các tổ chức y tế, nhất là với WHO, UNICEF trong việc đề xuất, hoàn thiện chính sách của Việt Nam về y tế nói chung, phòng chống dịch bệnh nói riêng.
Phó Thủ tướng mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế trong thời gian tới./.
Nguồn: Chinhphu.vn
Tin liên quan
- Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan tham dự Hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề tại Bắc Ninh
- 'Phải tổ chức thực hiện, làm sao y dược cổ truyền thực sự phát triển đúng tầm'
- Tiếp tục nỗ lực để sớm đạt mức độ 3, tiến tới mức độ 4 hệ thống sản xuất quốc gia Việt Nam về thuốc, vắc xin
- Họp Ban chỉ đạo thực hiện Kế hoạch số 02-KH/BCĐTW ngày 19/6/2025 của Ban Chỉ đạo Trung ương
- Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan tiếp và làm việc với UNICEF
- Bộ trưởng Đào Hồng Lan trao Quyết định bổ nhiệm cán bộ của Bộ Y tế
- Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên làm việc tại Thành phố Cần Thơ
Xuất bản thông tin
Nhiều trường hợp biết tới bệnh thận cũng là lúc phải chạy thận cấp cứu
16/09/2024 | 10:18 AM



PGS.TS.BS Nguyễn Bách cho biết, bệnh thận đang trẻ hoá, nhiều bệnh nhân biết tới bệnh thận cũng là lúc bệnh nhân phải chạy thận cấp cứu.
Ngày 15/9, PGS.TS.BS Nguyễn Bách - Trưởng khoa Nội thận - Lọc máu Bệnh viện Thống Nhất (TPHCM) cho biết, theo số liệu thống kê khám sàng lọc, tỷ lệ người dân có khả năng mắc bệnh lý về thận chiếm khoảng 8,75%. Theo đó, cứ 100 người thì có 6-8 người có bệnh lý về thận không có triệu chứng.
Đặc biệt, phần lớn các bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối ở các nước trên thế giới đều ở độ tuổi 60-65 tuổi trong khi bệnh nhân mắc suy thận giai đoạn cuối ở Việt Nam đang có dấu hiệu trẻ hóa (dưới 60 tuổi).
Cũng theo Trưởng khoa Nội thận - Lọc máu Bệnh viện Thống Nhất, bệnh nhân suy thận đang dần trẻ hoá. Nếu nguyên nhân gây suy thận của nhóm tuổi 60-65 là do ảnh hưởng bởi bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp thì nguyên nhân gây suy thận của nhóm tuổi trẻ hơn chủ yếu là các bệnh lý cầu thận.
"Đa số các bệnh lý cầu thận đều không có triệu chứng, thêm vào đó, người dân không có thói quen tầm soát bệnh nên rất nhiều trường hợp bệnh nhân lần đầu tiên biết tới bệnh thận cũng là lần đầu tiên bệnh nhân phải chạy thận nhân tạo cấp cứu", PGS.TS.BS Nguyễn Bách nói.
Bệnh thận tại Việt Nam đang có xu hướng trẻ hoá. Ảnh: P.T.
Chị Vương Thúy Anh (34 tuổi, Quận 12) cho biết: "Tháng trước chồng tôi phát hiện chân tay sưng, hay tiểu đêm, nước tiểu có màu sẫm… sau khi đi khám thì được chẩn đoán mắc suy thận giai đoạn 3. Do vợ chồng tôi có thói quen sinh hoạt giống nhau, thường xuyên nhịn uống nước và ăn mặn nên tôi lo rằng mình có nguy cơ mắc bệnh thận rất cao, vậy nên hôm nay tôi quyết định đi khám sàng lọc để biết được tình trạng sức khỏe của mình".
Theo bác sĩ Bách, trên thực tế, đa phần người dân phát hiện mắc bệnh thận là nhờ các triệu chứng. Tuy nhiên, khi bệnh bắt đầu xuất hiện triệu chứng thì đồng nghĩa với việc bệnh đã chuyển nặng. Bệnh viện Thống Nhất đang trong tình trạng quá tải bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối, bệnh nhân chạy thận, ghép thận…
Hiện nước ta có hơn 400 đơn vị chạy thận nhân tạo và cung cấp dịch vụ lọc máu cho khoảng 30.000 bệnh nhân mắc bệnh thận giai đoạn cuối mỗi năm, tuy nhiên mới chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu của bệnh nhân cần lọc máu trên cả nước.
Theo ông Nguyễn Hữu Tú - Tổng thư ký Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, việc chẩn đoán và điều trị sớm bệnh thận mạn tính giúp làm chậm quá trình suy giảm chức năng thận. Điều trị thay thế thận đem đến lợi ích lâu dài về kinh tế và giảm gánh nặng cho ngành y tế.
Trưởng khoa Nội thận - Lọc máu Bệnh viện Thống Nhất khuyến cáo, bệnh thận, suy thận là bệnh không lây nhiễm và rất nguy hiểm. Tuy nhiên, bệnh có thể được phát hiện sớm thông qua tầm soát. Vậy nên, người dân nên tầm soát bệnh để phát hiện bệnh sớm, tránh dựa vào các dấu hiệu lâm sàng vì khi bệnh nhân đã có các dấu hiệu lâm sàng của bệnh thì đồng nghĩa bệnh đã ở giai đoạn nặng.
Người trẻ vẫn có nguy cơ mắc bệnh thận nên người dân tuyệt đối không chủ quan. Để phòng tránh bệnh thận, người dân nên uống nhiều nước, ăn nhiều rau củ quả, thường xuyên tập luyện thể thao và hạn chế ăn muối.
Theo thống kê trên toàn thế giới, tỷ lệ tử vong do thận mạn xếp thứ 12, chiếm 4.6%. Tại Việt Nam, có hơn 8,7 triệu người trưởng thành mắc bệnh thận mạn, chiếm 12,8% dân số.
Ngày 14-15/9, hơn 1.000 người dân TPHCM được khám sàng lọc bệnh tim mạch, thận mạn, thận chuyển hóa miễn phí tại Bệnh viện Thống Nhất.
Nguồn: Suckhoedoisong.vn
Tin liên quan
- Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan tham dự Hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề tại Bắc Ninh
- Khám ngoài giờ: Những nỗ lực vì sự tiện lợi cho người bệnh
- Phát hiện giun dài 8cm từ mụn trên ngực bệnh nhân 23 tuổi
- Kê đơn thuốc dài ngày theo Thông tư 26: Bước tiến vì người bệnh mạn tính
- Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí: Góp phần chăm sóc tốt nhất cho sức khỏe trẻ em
- Đại tiện ra máu suốt 2 tháng, người phụ nữ phát hiện ung thư di căn
- Thiếu niên 14 tuổi liệt nửa người vì căn bệnh 'người già'