Bệnh tim mạch đang ngày càng trẻ hoá, mỗi năm 200.000 người Việt tử vong vì bệnh này
28/12/2024 | 11:44 AM
|
Bệnh tim mạch đang ngày càng trẻ hoá, các bác sĩ Bệnh viện Tim Hà Nội tiếp nhận liên tục nhiều trường hợp bệnh nhân rất trẻ, thậm chí ngoài 20 tuổi đã có những biến chứng nặng của như nhồi máu cơ tim, đột quỵ… Năm nay, các bác sĩ đã phẫu thuật các tình huống liên quan đến bệnh tim mạch hơn 2.300 ca.
Những thông tin này được PGS.TS Nguyễn Sinh Hiền - Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội cho biết tại hội nghị '2 trong 1': công tác chỉ đạo tuyến và khoa học tim mạch năm 2024 do Bệnh viện Tim Hà Nội tổ chức chiều 27/12.
PGS.TS Nguyễn Sinh Hiền - Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội.
20 tuổi đã nhồi máu cơ tim,30 tuổi đã phải đặt stent
PGS.TS Nguyễn Sinh Hiền cho hay, bệnh tim mạch hiện là một thách thức lớn đối với ngành y tế toàn cầu cũng như tại Việt Nam. Đây là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên thế giới.
Tại Việt Nam, tình hình cũng đáng báo động với tỷ lệ mắc các bệnh tăng huyết áp, bệnh mạch vành, suy tim... ngày càng gia tăng và trẻ hóa.
Theo Cục Y tế Dự phòng - Bộ Y tế ước tính, hệ thống y tế nước ta đang phải đối mặt với sự gia tăng ngày càng lớn của các bệnh không lây nhiễm, cứ 10 người tử vong thì có 7 người là do các bệnh không lây. Trong đó, các bệnh lý tim mạch đã cướp đi sinh mạng của khoảng 200.000 người/năm, chiếm 25% số ca tử vong trong dân số.
"Nguy hiểm hơn, những năm gần đây, số lượng người bệnh tim mạch ngày càng trẻ hóa, không ít người đang trong độ tuổi lao động. Các bác sĩ gặp nhiều bệnh nhân nhồi máu cơ tim ở tuổi ngoài 20 đã vỡ thất, lóc tách động mạch chủ, đột quỵ cần phải can thiệp hoặc phẫu thuật cấp cứu để cứu sống nhiều trường hợp chỉ mới hơn 30 tuổi đã phải làm cầu nối mạch vành, đặt stent… Trong cộng đồng, tỷ lệ người trẻ 30-40 tuổi bị tăng huyết áp rất cao"- PGS.TS Nguyễn Sinh Hiền nói.
Cũng theo PGS Hiền, thực tế này cho thấy tầm quan trọng của việc phòng ngừa và phát hiện sớm bệnh tim mạch, cũng như nâng cao nhận thức của cộng đồng về lối sống lành mạnh.
Ngoài các yếu tố tuổi tác, giới tính, di truyền… thì phần lớn nguyên nhân dẫn tới bệnh lý tim mạch là do các thói quen sinh hoạt như hút thuốc lá, ít vận động dẫn đến béo phì, thừa cân.
Trong khi đó, các cơ sở y tế mạng lưới còn đang thiếu thốn về nhân lực chuyên môn, cơ sở vật chất, trang thiết bị còn hạn chế, về mặt địa lí lại cách xa các trung tâm tim mạch hàng đầu.
Một vấn đề khác là, năm qua đã có những quy định luật pháp thay đổi, nhiều vấn đề cần phải rút kinh nghiệm để hoàn thiện công tác đấu thầu cung ứng thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế nhằm phục vụ người bệnh được tốt hơn.
"Với những khó khăn, thách thức về mặt chuyên môn và quản lý đó, công tác chỉ đạo tuyến có vai trò rất quan trọng. Việc chuyển giao kỹ thuật, đào tạo nhân lực cho tuyến dưới không chỉ giúp nâng cao năng lực chuyên môn cho các bác sĩ, điều dưỡng tại các cơ sở y tế địa phương mà còn giúp người dân được tiếp cận với dịch vụ y tế chất lượng cao ngay tại tuyến cơ sở, giảm tải cho các bệnh viện tuyến trung ương", PGS Hiền cho biết.
Vì thế, hội nghị là cơ hội để nhìn lại những kết quả đã đạt được trong công tác chỉ đạo tuyến, đánh giá những khó khăn, thách thức và đề ra các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động này. Đồng thời, hội nghị cũng là diễn đàn khoa học để các chuyên gia, nhà quản lý, các nhà khoa học, các bác sĩ chia sẻ những kiến thức mới nhất, những tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị bệnh tim mạch cũng như trong đấu thầu vật tư, trang thiết bị y tế.
Lĩnh vực tim mạch có nhiều tiềm năng trong ứng dụng AI
Phát biểu tại hội nghị, TS.BS Hà Anh Đức - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh nhấn mạnh: Gánh nặng của bệnh tim mạch là rất lớn, vấn đề là chúng ta làm thế nào để giải quyết thực trạng này. Trong đó, công tác chỉ đạo tuyến đóng vai trò hết sức quan trọng, bản chất là hỗ trộ chuyên môn cho tuyến dưới, cầm tay chỉ việc.
Cục trưởng Hà Anh Đức cũng lưu ý trong thực hiện chuyển đổi số y tế, lĩnh vực tim mạch có nhiều tiềm năng trong việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI). Các bệnh viện đã có cơ sở dữ liệu rất lớn.
TS Nguyễn Đình Hưng, Phó Giám đốc Phụ trách, điều hành Sở Y tế TP Hà Nội, cho biết, công tác chỉ đạo tuyến, hợp tác trong toàn hệ thống có thể nói là "đặc sản" của ngành y. Chỉ đạo tuyến là sự kết nối hệ thống từ trên xuống dưới một cách thống nhất, tạo sự đoàn kết trong hệ thống, chuyên ngành. Quan trọng nhất là sự chia sẻ kết nối hệ thống hết sức thoải mái về chuyên môn.
"Chỉ có sự kết nối hệ thống như vậy, chúng ta mới làm tốt công tác khám chữa bệnh. Từ ngày 1/1/2025 theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023, chúng ta thực hiện 3 cấp khám chữa bệnh, trong đó qua xếp cấp mới nhất, Bệnh viện Tim Hà Nội là cấp chuyên sâu. Đơn vị đầu ngành có vai trò là tiên phong phát triển kỹ thuật cao"- ông Hưng nói.
TS Nguyễn Đình Hưng, Phó Giám đốc Phụ trách, điều hành Sở Y tế TP Hà Nội phát biểu.
Bệnh viện Tim Hà Nội là bệnh viện chuyên ngành tim mạch tuyến cuối của cả nước cũng là bệnh viện hạt nhân của Bộ Y tế.
Thời gian qua, Bệnh viện Tim Hà Nội đã có số ca mổ nhiều nhất và đã phẫu thuật được tất cả các bệnh lý liên quan đến tim mạch; phẫu thuật cho bệnh nhân ở tất cả các lứa tuổi, từ trẻ sơ sinh 1 ngày tuổi đến cụ già 93 tuổi.
Số lượng bệnh nhân đến với bệnh viện ngày càng tăng. Mỗi năm bệnh viện khám cho hơn 500.000 lượt bệnh nhân, phẫu thuật cho hơn 2.000 ca, trong đó năm 2024 đã phẫu thuật 2.325 ca, can thiệp tim mạch cho hơn 12.000 ca.
Trong năm, bệnh viện cũng tổ chức 23 buổi khám chữa bệnh từ xa telehealth với 132 đơn vị đăng ký tham gia mạng lưới khám chữa bệnh từ xa. Trong đó có 77 đơn vị thuộc các tỉnh ngoài Hà Nội.
Hầu hết các đơn vị được Bệnh viện Tim Hà Nội giúp đỡ hỗ trợ đào tạo chuyên môn, chuyển giao kỹ thuật đều có tăng trưởng nhanh và tạo được niềm tin đối với lãnh đạo cũng như người dân tại các địa phương về chuyên ngành tim mạch. Qua đó giúp cho nhiều bệnh viện tuyến tỉnh nâng cao năng lực điều trị, phẫu thuật bệnh lý tim mạch; thực hiện thường quy siêu âm tim, triển khai kỹ thuật can thiệp tim mạch… nhất là "giữ chân" được bệnh nhân tim mạch không phải chuyển lên tuyến trên.
Nguồn: suckhoedoisong.vn
Tin liên quan
- Tài liệu Hội nghị Cán bộ, công chức Cơ quan Bộ Y tế năm 2024
- Thêm nhiều bệnh nhân được hồi sinh sự sống từ tạng hiến của người cho chết não
- Bộ Y tế ban hành Thông tư Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy định kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt
- Chính thức cấm kinh doanh, vận chuyển, sử dụng các loại thuốc lá mới
- Bộ Y tế công bố 62 bệnh hiếm, hiểm nghèo không cần giấy chuyển tuyến được hưởng BHYT 100%
- Số ca mắc bệnh đậu mùa khỉ ở Kenya tăng lên 31
- Pakistan có 68 ca mắc bệnh bại liệt năm 2024