Đại hội Đảng bộ Cục Quản lý Dược nhiệm kỳ 2025 – 2030
10/06/2025 | 14:00 PM



Ngày 06/6/2025, tại Bộ Y tế đã diễn ra Đại hội Đảng bộ Cục Quản lý Dược nhiệm kỳ 2025–2030. Tham dự và chỉ đạo Đại hội có đồng chí Đỗ Xuân Tuyên, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Bộ, Thứ trưởng Bộ Y tế; cùng đại diện các Ban Đảng của Đảng ủy Bộ Y tế và cấp ủy một số đơn vị trực thuộc Bộ.
Đồng chí Đỗ Xuân Tuyên, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy Bộ, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế tham dự và phát biểu chỉ đạo tại Đại hội.
Tại Đại hội, đồng chí Tạ Mạnh Hùng, Phó Bí thư Đảng ủy nhiệm kỳ 2020–2025, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược, thay mặt Đoàn Chủ tịch trình bày Báo cáo chính trị tổng kết nhiệm kỳ 2020–2025 và đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ 2025–2030.
Báo cáo cho thấy, nhiệm kỳ 2020–2025, Đảng bộ Cục Quản lý Dược đã vượt qua nhiều thách thức: đại dịch COVID-19, đứt gãy chuỗi cung ứng thuốc, biến động kinh tế toàn cầu, thiên tai... để hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị được giao.
Với 7 chi bộ trực thuộc và 70 đảng viên, Đảng bộ đã ban hành 124 Nghị quyết chỉ đạo toàn diện các mặt công tác. Trong đó, công tác xây dựng thể chế được xác định là nhiệm vụ then chốt, nổi bật là việc chủ trì xây dựng Luật Dược (sửa đổi), Luật số 44/2024/QH15 và nhiều Nghị định, Thông tư quan trọng, góp phần hoàn thiện khung pháp lý trong lĩnh vực dược và mỹ phẩm.
Công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số đạt nhiều kết quả rõ nét. Cục đã triển khai hiệu quả hệ thống dịch vụ công trực tuyến, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ, đặc biệt trong cấp phép lưu hành thuốc. Năm 2024, tổng số hồ sơ cấp và gia hạn lưu hành thuốc lên tới 13.504 tương đương tổng lượng của cả 5 năm trước đó.
Một trong những điểm sáng trong nhiệm kỳ là bảo đảm cung ứng đủ thuốc, đặc biệt là thuốc hiếm và thuốc có nguy cơ thiếu hụt. Đến nay, hơn 23.000 loại thuốc có giấy đăng ký lưu hành còn hiệu lực.
Chất lượng thuốc được kiểm soát nghiêm ngặt; tỷ lệ thuốc kém chất lượng giảm còn dưới 1%, thuốc giả dưới 0,1%, thấp hơn mức trung bình toàn cầu (theo WHO). Công tác hậu kiểm, thanh tra, giám sát được tăng cường trên toàn quốc.
Cùng với đó, công nghiệp dược trong nước phát triển mạnh mẽ. Hiện có 245 cơ sở sản xuất thuốc, trong đó 26 cơ sở đạt tiêu chuẩn EU-GMP. Tỷ lệ thuốc sản xuất trong nước chiếm khoảng 60% về số lượng và 46% về giá trị sử dụng. Việt Nam đã có 7 nhà máy sản xuất vắc xin, cung ứng 12/13 loại vắc xin trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng.
Thị trường dược phẩm được duy trì ổn định, chỉ số CPI của nhóm thuốc và dịch vụ y tế luôn thấp hơn CPI chung. Tỷ lệ sử dụng thuốc nội tại các cơ sở y tế tăng đều qua các năm, cả về số lượng và giá trị, từ mức 15,6–18,9% (năm 2016) lên gần 30% năm 2024.
Đại hội đã xác định mục tiêu xuyên suốt trong nhiệm kỳ 2025–2030 là: Tiếp tục phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng bộ, tăng cường năng lực quản lý ngành dược – mỹ phẩm, góp phần bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.
Các nhiệm vụ trọng tâm gồm:
Hoàn thiện hệ thống pháp luật trong lĩnh vực dược và mỹ phẩm;
Bảo đảm cung ứng đủ thuốc, nguyên liệu làm thuốc; ưu tiên thuốc thiết yếu và thuốc hiếm;
Tăng cường quản lý chất lượng, kiểm tra, hậu kiểm; ngăn chặn thuốc giả, thuốc kém chất lượng;
Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số;
Quản lý hiệu quả giá thuốc, bảo đảm bình ổn thị trường dược phẩm;
Thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu thuốc, mỹ phẩm và mở rộng hợp tác quốc tế.
Tại Đại hội, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã phát biểu chỉ đạo và nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm mà Đảng bộ Cục Quản lý Dược cần thực hiện trong nhiệm kỳ tới.
Thứ nhất, tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản lĩnh vực dược, mỹ phẩm là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu; coi đây là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu;
Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh công tác cấp giấy đăng lý lưu hành, cấp phép nhập khẩu thuốc, nguyên liệu làm thuốc; chủ động triển khai các biện pháp để chủ động đảm bảo nguồn cung đối với một số thuốc hiếm, thuốc có nguồn cung hạn chế; đảm bảo cung ứng đầy đủ, kịp thời thuốc có chất lượng, an toàn hiệu quả, với giá hợp lý cho công tác khám chữa bệnh, phòng, chống dịch bệnh, thiên tai; người dân được tiếp cận thuốc, đặc biệt là các thuốc mới một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất và giá cả hợp lý nhất;
Thứ ba, triển khai có hiệu quả khai Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045; trong đó tập trung đẩy mạnh phát triển công nghiệp dược trong nước;
Thứ tư, tăng cường công tác quản lý chất lượng thuốc; đẩy mạnh công tác kiểm tra, hậu kiểm nhằm mục tiêu đảm bảo người dân được tiếp cận thuốc có chất lượng, hiệu quả, giá cả phù hợp; phòng chống thuốc giả, thuốc kém chất lượng;
Thứ năm, đẩy mạnh công tác quản lý giá thuốc để đảm bảo thị trường dược phẩm được duy trì bình ổn, đáp ứng đủ thuốc phục vụ công tác phòng, điều trị;
Thứ sáu, tếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa trong quản lý điều hành, đặc biệt trong lĩnh vực đăng ký thuốc.
Đồng chí Đỗ Xuân Tuyên tặng hoa và chúc mừng Ban chấp hành đảng Bộ Cục Quản lý Dược nhiệm kỳ 2025-2030.
Tại Đại hội, các đại biểu đã biểu quyết thông qua Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ 2025–2030; đóng góp ý kiến vào dự thảo văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV và Đại hội Đảng bộ Bộ Y tế; bầu Ban Chấp hành Đảng bộ Cục Quản lý Dược nhiệm kỳ mới, Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy; bầu đại biểu dự Đại hội Đảng bộ Bộ Y tế.
Phát biểu bế mạc Đại hội, đồng chí Vũ Tuấn Cường, Bí thư Ban chấp hành Đảng bộ, Cục trưởng Cục Quản lý Dược, khẳng định: “Với tinh thần đoàn kết, dân chủ, trí tuệ và đổi mới, Đại hội đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra. Ngay sau Đại hội, Ban Chấp hành mới sẽ khẩn trương cụ thể hóa Nghị quyết thành Chương trình hành động, quyết tâm tạo bước chuyển biến rõ nét trong công tác xây dựng Đảng và thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.”./.
Tin liên quan
- Khai mạc đợt đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới đối với hệ thống quản lý quốc gia Việt Nam về thuốc, vắc xin
- Sơn La công bố các nghị quyết, quyết định của Trung ương và của tỉnh về thực hiện chính quyền địa phương hai cấp; thành lập tổ chức đảng; chỉ định nhân sự cấp ủy, lãnh đạo HĐND, UBND, MTTQ Việt Nam cấp xã
- Tiếp tục đẩy mạnh phối hợp hiệu quả chăm sóc sức khoẻ cán bộ, chiến sĩ Vùng 4 Hải quân
- Hội thảo “Đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến lấy xác”
- Lễ công bố bổ nhiệm Ủy viên Hội đồng Y khoa Quốc gia nhiệm kỳ 2025-2030
- Thứ trưởng Bộ Y tế: Liệu pháp miễn dịch, gene, tế bào gốc đang mang lại những hy vọng lớn cho người bệnh
- Thúc đẩy y tế từ xa tại Việt Nam: Hợp tác quốc tế vì sức khỏe cộng đồng
Xuất bản thông tin
Ngành Y tế đảm bảo khám, cấp cứu, chủ động phòng chống dịch bệnh mùa mưa lũ
16/06/2025 | 11:04 AM



Trước ảnh hưởng của bão số 1 gây mưa lớn và ngập lụt, ngành y tế Quảng Trị và TP Huế đã khẩn trương triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe người dân và duy trì hoạt động khám chữa bệnh không bị gián đoạn.
Ngành y tế Quảng Trị đảm bảo công tác y tế mùa mưa lũ
Những ngày giữa tháng 6, do ảnh hưởng của cơn bão số 1, mưa lớn kéo dài khiến nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh Quảng Trị rơi vào tình trạng ngập lụt, chia cắt, đặc biệt là tại các xã vùng thấp trũng và miền núi phía Tây.
Xã Hải Định (huyện Hải Lăng) là một trong những địa bàn bị ảnh hưởng nặng, nước lũ dâng cao, gây ngập nhiều tuyến đường và nhà dân. Toàn xã có 1.468 hộ dân, trong đó 30 hộ bị ngập từ 0,3-0,4m. Đến ngày 14/6, các trục đường liên thôn, liên xã vẫn còn nhiều đoạn bị ngập từ 0,4-0,5m, ảnh hưởng lớn đến việc đi lại của người dân.
Nhân viên y tế Trạm Y tế xã Hải Định vượt ngập lụt đến nơi làm việc.
Sáng 13/6, Trạm Y tế xã Hải Định bị nước tràn vào sân do mưa lớn kéo dài. Tuy nhiên, các y bác sĩ, điều dưỡng, hộ sinh, dược sĩ và cán bộ dân số vẫn duy trì trực chỉ huy và thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống khẩn cấp.
Không quản mưa gió, ngập nước, cán bộ trạm vẫn đều đặn đến làm việc, đảm bảo công tác khám chữa bệnh và sơ cấp cứu cho người dân tại khu vực bị ảnh hưởng bởi ngập lụt.
Điều dưỡng Phan Thị Hằng, Phụ trách Trạm Y tế xã Hải Định cho biết, là xã vùng trũng thường xuyên bị ngập, công tác phòng chống thiên tai và dịch bệnh được trạm thực hiện liên tục, xem như nhiệm vụ thường xuyên.
Trong đợt mưa lũ vừa qua, nước tràn vào sân Trạm Y tế xã Hải Định.
"Trong mùa mưa lũ, chúng tôi hướng dẫn bà con kê cao đồ đạc, dự trữ nước uống, trông coi trẻ nhỏ tránh tai nạn đuối nước. Với các bà mẹ mang thai gần ngày sinh, trạm vận động lên trung tâm y tế huyện để sinh nở an toàn.
Khi nước rút, trạm tiếp tục hướng dẫn người dân dọn dẹp vệ sinh nhà cửa, thực hiện ăn chín uống sôi, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm để phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm", điều Dưỡng Phan Thị Hằng cho biết.
Không riêng xã Hải Định, các địa phương khác trên địa bàn tỉnh Quảng Trị cũng đã chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với mưa lũ.
Tại huyện Hướng Hóa, trong hai ngày 12–13/6, Trung tâm Y tế huyện đã tiếp nhận và điều trị 31 bệnh nhân, trong đó có một trường hợp bị thương khi dọn dẹp sau lũ.
Đáng chú ý, 1.210 người dân thuộc 264 hộ tại các xã Lao Bảo, Tân Thành và Tân Long đã phải di dời khẩn cấp do ngập sâu. Nhiều tuyến đường bị chia cắt, một số khu vực xảy ra sạt lở nghiêm trọng.
Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Y tế huyện Hướng Hóa Trần Anh Tuấn cho biết, đơn vị chỉ đạo tổ chức trực 24/24 tại tất cả các trạm y tế xã, đảm bảo công tác cấp cứu kịp thời, không để người dân vùng lũ thiếu thốn chăm sóc y tế. Cùng với đó, tổ chức hướng dẫn người dân xử lý nước uống, bảo quản thực phẩm đúng cách để phòng chống bệnh tật.
ThS.BS Đỗ Văn Hùng, Giám đốc Sở Y tế Quảng Trị cho biết, chủ động ứng phó với bão lũ, Sở Y tế nhanh chóng chỉ đạo các đơn vị y tế trên địa bàn theo dõi sát tình hình thời tiết, rà soát các kịch bản phòng chống thiên tai, tập trung vào các khu vực có nguy cơ ngập sâu, sạt lở đất.
"Chúng tôi yêu cầu các đơn vị chủ động chuẩn bị lực lượng, phương tiện cơ động, dự trữ đầy đủ thuốc thiết yếu, hóa chất, vật tư y tế; bảo đảm an toàn cho cả người bệnh lẫn cán bộ y tế tại cơ sở", ThS.BS Đỗ Văn Hùng nói.
Lãnh đạo Sở Y tế cho biết, công tác phòng chống dịch bệnh sau mưa lũ được đặt lên hàng đầu với các nội dung triển khai như tăng cường kiểm tra vệ sinh môi trường, giám sát an toàn thực phẩm, xử lý nước sạch và truyền thông phòng bệnh trong cộng đồng...
Huế chủ động giám sát dịch bệnh, đảm bảo an toàn thực phẩm
Tại TP Huế, hoàn lưu bão số 1 gây ra các đợt mưa lớn kéo dài, dẫn đến tình trạng ngập lụt cục bộ tại một số vùng thấp trũng và khu đô thị, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân.
Ngành Y tế địa phương đã triển khai nhiều biện pháp chủ động ứng phó, đặc biệt chú trọng công tác khám chữa bệnh và phòng, chống dịch bệnh sau mưa lũ.
PGS.TS Trần Kiêm Hảo, Giám đốc Sở Y tế cho biết đã chỉ đạo các đơn vị liên quan theo dõi các bản tin cảnh báo, dự báo thời tiết để chủ động nắm bắt tình hình diễn biến nhằm chủ động, sẵn sàng các phương án. Không để bị động, bất ngờ và không để gián đoạn công tác y tế trong ứng phó thiên tai, bão lụt.
Lãnh đạo Sở Y tế yêu cầu các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đảm bảo ổn định công tác khám bệnh, chữa bệnh cho người dân sau mưa lũ. Duy trì công tác thường trực cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh thường xuyên, liên tục và sẵn sàng ứng cứu, hỗ trợ y tế khi được điều động.
Ngoài ra, thực hiện rà soát và đánh giá nguy cơ về dịch bệnh tại các vùng bị mưa lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất. Chủ động triển khai các phương án phòng chống dịch bệnh khi có tình huống xảy ra, đặc biệt các dịch bệnh mùa ngập lụt như tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, cúm, sốt xuất huyết.
Ngoài ra, bảo đảm nhân lực, thuốc, vật tư, hóa chất, thiết bị y tế và cơ sở vật chất phục vụ cho công tác khám chữa bệnh, phòng chống dịch và vệ sinh môi trường tại các địa phương, đặc biệt vùng bị mưa lũ, sạt lở đất theo phương châm "4 tại chỗ".
Sở Y tế TP Huế đặc biệt lưu ý đến công tác đảm bảo an toàn thực phẩm.
Theo đó, lãnh đạo sở yêu cầu các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch phòng chống ngộ độc thực phẩm trong mùa mưa bão; kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm, bếp ăn tập thể, cơ sở nước giải khát, nước đá…
Người dân tại các vùng ngập được khuyến cáo lựa chọn, sơ chế và bảo quản thực phẩm đúng cách, tuyệt đối không sử dụng gia súc, gia cầm chết không rõ nguyên nhân làm thực phẩm. Thực hiện ăn chín, uống chín, dùng nước sạch. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống được yêu cầu không sử dụng nguyên liệu ôi thiu, hư hỏng, mốc, quá hạn để chế biến. /.
Nguồn: Suckhoedoisong.vn
Tin liên quan
- Bảo đảm khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế khi thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp
- Rà soát đối tượng tiêm vaccine sởi
- Tăng cường phòng, chống hành vi lãng phí, lạm dụng, trục lợi quỹ bảo hiểm y tế
- Cảnh báo gia tăng tai nạn thương tích ở trẻ dịp hè
- Thêm nhiều quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế
- Những vaccine khuyến cáo nên tiêm cho người cao tuổi và người mắc bệnh mạn tính
- Hành trình hồi sinh sự sống trên chuyến bay đặc biệt của Vietnam Airlines