Bộ Y tế bổ nhiệm Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn Bệnh viện Da liễu Trung ương

08/06/2025 | 10:05 AM

 | 

Chiều ngày 06/6/2025, tại Hà Nội, Bệnh viện Da liễu Trung ương long trọng tổ chức lễ công bố và trao Quyết định bổ nhiệm Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn của Bệnh viện Da liễu Trung ương. GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế dự và trao Quyết định.

 

Tham dự buổi lễ về phía Bộ Y tế có PGS.TS Nguyễn Tuấn Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ; TS.BS Hà Anh Đức, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh; đại diện một số Vụ, Cục thuộc Bộ Y tế.

 Về phía Bệnh viện Da liễu Trung ương có PGS.TS Lê Hữu Doanh, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Bệnh viện, cùng các đồng chí trong Ban Giám đốc, Đảng ủy, Ban chấp hành công đoàn, Ban chấp hành Đoàn thanh niên và lãnh đạo các Khoa/Phòng/Trung tâm và đông đảo cán bộ viên chức trong toàn Bệnh viện.

GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế trao Quyết định.

Tại buổi lễ, thừa ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Y tế, PGS.TS Nguyễn Tuấn Hưng đã công bố Quyết định bổ nhiệm của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc bổ nhiệm Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn Bệnh viện Da liễu Trung ương.

Theo đó, tại Quyết định số 1818/QĐ-BYT ngày 02/6/2025, Bộ trưởng Bộ Y tế bổ nhiệm TS.BS Phạm Thị Minh Phương, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Da liễu Trung ương giữ chức vụ Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn Bệnh viện. Thời gian giữ chức vụ là 05 năm kể từ ngày quyết định có hiệu lực.

Trao Quyết định và phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn chúc mừng, ghi nhận những đóng góp tích cực của đồng chí Phạm Thị Minh Phương trong nhiều năm công tác tại bệnh viện. Thứ trưởng Bộ Y tế tin tưởng, với năng lực chuyên môn vững vàng, tâm huyết với nghề và phẩm chất đạo đức tốt, đồng chí Phạm Thị Minh Phương sẽ tiếp tục phát huy vai trò của mình, đóng góp vào sự phát triển vững mạnh của bệnh viện trong thời gian tới.

Thứ trưởng Bộ Y tế trao quyết định bổ nhiệm Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn Bệnh viện Da liễu Trung ương- Ảnh 3.

GS.TS Trần Văn Thuấn Thứ trưởng Bộ Y tế cùng các đại biểu tặng hoa chúc mừng TS.BS Phạm Thị Minh Phương.

 Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cũng thay mặt Bộ Y tế, đề nghị tập thể Ban Giám đốc Bệnh viện tập trung triển khai hiệu quả một số định hướng chiến lược sau:

Một là, khẳng định và nâng tầm vị thế bệnh viện chuyên khoa đầu ngành, đẩy mạnh phát triển chuyên môn sâu, làm chủ và chuyển giao các kỹ thuật cao trong da liễu hiện đại, từ laser, vi phẫu, tế bào gốc đến các phương pháp điều trị bảo tồn, ít xâm lấn, nhằm cá thể hóa phác đồ điều trị và quản lý hiệu quả các bệnh lý da mạn tính, phức tạp, hiếm gặp;

Hai là, phát huy vai trò là bệnh viện hạt nhân trong hệ thống da liễu quốc gia, chủ động trong đào tạo nhân lực, chỉ đạo tuyến, khám chữa bệnh từ xa và hỗ trợ kỹ thuật cho y tế cơ sở, đồng thời tích cực triển khai các hoạt động y tế công cộng, chuyển giao kỹ thuật, sàng lọc, tư vấn và điều trị cho người dân tại các khu vực khó khăn, biên giới, hải đảo, nơi mà nhu cầu tiếp cận y tế chất lượng vẫn còn nhiều thách thức;

Ba là, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và hội nhập quốc tế. Cùng với việc đào tạo nội bộ, bệnh viện cần đóng vai trò trung tâm khoa học, chuyển giao tri thức, mở rộng hợp tác viện – trường, xây dựng các công trình nghiên cứu có giá trị thực tiễn cao, hướng tới việc xuất bản và công bố quốc tế, góp phần nâng tầm chuyên ngành da liễu Việt Nam trên bản đồ y học thế giới;

Bốn là, tích cực ứng dụng công nghệ số, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo trong chẩn đoán và điều trị. Việc kết nối dữ liệu, thanh toán không dùng tiền mặt, bệnh án điện tử, liên thông kết quả xét nghiệm không chỉ là bước tiến về quản trị bệnh viện mà còn hướng tới xây dựng mô hình bệnh viện thông minh – hiện đại – nhân văn;

Năm là, xây dựng văn hóa bệnh viện dựa trên nền tảng y đức. Một bệnh viện phát triển bền vững là bệnh viện lấy người bệnh làm trung tâm, lấy sự hài lòng làm thước đo, và lấy nhân ái làm triết lý hành động. Đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế cần không ngừng tu dưỡng, rèn luyện chuyên môn, giữ vững phẩm chất người thầy thuốc trong mọi hoàn cảnh. Khoa học và công nghệ có thể thay đổi cách chúng ta chữa bệnh, nhưng chính sự nhân văn, lòng trắc ẩn của người thầy thuốc mới là điều giữ lại niềm tin của người bệnh. Bệnh viện cần tiếp tục xây dựng môi trường chữa bệnh không chỉ hiện đại về kỹ thuật mà còn ấm áp về cảm xúc.

Thứ trưởng Bộ Y tế trao quyết định bổ nhiệm Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn Bệnh viện Da liễu Trung ương- Ảnh 2.

GS.TS Trần Văn Thuấn Thứ trưởng Bộ Y tế  cùng các đại biểu tặng hoa chúc mừng TS.BS Phạm Thị Minh Phương.

Phát biểu nhận nhiệm vụ, TS.BS. Phạm Thị Minh Phương bày tỏ lời cảm ơn sâu sắc tới Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ Y tế, Lãnh đạo Bộ Y tế, Đảng ủy, Ban Giám đốc Bệnh viện cùng toàn thể đồng nghiệp đã tin tưởng, tín nhiệm giao phó trọng trách.

 Đồng chí Phạm Thị Minh Phương, tân Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn Bệnh viện cam kết sẽ tiếp tục nỗ lực không ngừng, phát huy tinh thần trách nhiệm, đoàn kết cùng tập thể lãnh đạo và toàn thể cán bộ viên chức bệnh viện, giữ vững và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, nghiên cứu khoa học và đào tạo chuyên sâu, góp phần xây dựng Bệnh viện Da liễu Trung ương ngày càng phát triển, xứng đáng là đơn vị đầu ngành về chuyên khoa da liễu trong cả nước./.


Xuất bản thông tin Xuất bản thông tin

Ngành Y tế đảm bảo khám, cấp cứu, chủ động phòng chống dịch bệnh mùa mưa lũ

16/06/2025 | 11:04 AM

 | 

 

Trước ảnh hưởng của bão số 1 gây mưa lớn và ngập lụt, ngành y tế Quảng Trị và TP Huế đã khẩn trương triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe người dân và duy trì hoạt động khám chữa bệnh không bị gián đoạn.

Ngành y tế Quảng Trị đảm bảo công tác y tế mùa mưa lũ

Những ngày giữa tháng 6, do ảnh hưởng của cơn bão số 1, mưa lớn kéo dài khiến nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh Quảng Trị rơi vào tình trạng ngập lụt, chia cắt, đặc biệt là tại các xã vùng thấp trũng và miền núi phía Tây.

Xã Hải Định (huyện Hải Lăng) là một trong những địa bàn bị ảnh hưởng nặng, nước lũ dâng cao, gây ngập nhiều tuyến đường và nhà dân. Toàn xã có 1.468 hộ dân, trong đó 30 hộ bị ngập từ 0,3-0,4m. Đến ngày 14/6, các trục đường liên thôn, liên xã vẫn còn nhiều đoạn bị ngập từ 0,4-0,5m, ảnh hưởng lớn đến việc đi lại của người dân.

Ngành y tế đảm bảo khám, cấp cứu, chủ động phòng chống dịch bệnh mùa mưa lũ- Ảnh 1.Nhân viên y tế Trạm Y tế xã Hải Định vượt ngập lụt đến nơi làm việc.

Sáng 13/6, Trạm Y tế xã Hải Định bị nước tràn vào sân do mưa lớn kéo dài. Tuy nhiên, các y bác sĩ, điều dưỡng, hộ sinh, dược sĩ và cán bộ dân số vẫn duy trì trực chỉ huy và thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống khẩn cấp.

Không quản mưa gió, ngập nước, cán bộ trạm vẫn đều đặn đến làm việc, đảm bảo công tác khám chữa bệnh và sơ cấp cứu cho người dân tại khu vực bị ảnh hưởng bởi ngập lụt.

Điều dưỡng Phan Thị Hằng, Phụ trách Trạm Y tế xã Hải Định cho biết, là xã vùng trũng thường xuyên bị ngập, công tác phòng chống thiên tai và dịch bệnh được trạm thực hiện liên tục, xem như nhiệm vụ thường xuyên.

Ngành y tế đảm bảo khám, cấp cứu, chủ động phòng chống dịch bệnh mùa mưa lũ- Ảnh 2.

Trong đợt mưa lũ vừa qua, nước tràn vào sân Trạm Y tế xã Hải Định.

"Trong mùa mưa lũ, chúng tôi hướng dẫn bà con kê cao đồ đạc, dự trữ nước uống, trông coi trẻ nhỏ tránh tai nạn đuối nước. Với các bà mẹ mang thai gần ngày sinh, trạm vận động lên trung tâm y tế huyện để sinh nở an toàn.

Khi nước rút, trạm tiếp tục hướng dẫn người dân dọn dẹp vệ sinh nhà cửa, thực hiện ăn chín uống sôi, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm để phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm", điều Dưỡng Phan Thị Hằng cho biết.

Không riêng xã Hải Định, các địa phương khác trên địa bàn tỉnh Quảng Trị cũng đã chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với mưa lũ.

Tại huyện Hướng Hóa, trong hai ngày 12–13/6, Trung tâm Y tế huyện đã tiếp nhận và điều trị 31 bệnh nhân, trong đó có một trường hợp bị thương khi dọn dẹp sau lũ.

Đáng chú ý, 1.210 người dân thuộc 264 hộ tại các xã Lao Bảo, Tân Thành và Tân Long đã phải di dời khẩn cấp do ngập sâu. Nhiều tuyến đường bị chia cắt, một số khu vực xảy ra sạt lở nghiêm trọng.

Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Y tế huyện Hướng Hóa Trần Anh Tuấn cho biết, đơn vị chỉ đạo tổ chức trực 24/24 tại tất cả các trạm y tế xã, đảm bảo công tác cấp cứu kịp thời, không để người dân vùng lũ thiếu thốn chăm sóc y tế. Cùng với đó, tổ chức hướng dẫn người dân xử lý nước uống, bảo quản thực phẩm đúng cách để phòng chống bệnh tật.

ThS.BS Đỗ Văn Hùng, Giám đốc Sở Y tế Quảng Trị cho biết, chủ động ứng phó với bão lũ, Sở Y tế nhanh chóng chỉ đạo các đơn vị y tế trên địa bàn theo dõi sát tình hình thời tiết, rà soát các kịch bản phòng chống thiên tai, tập trung vào các khu vực có nguy cơ ngập sâu, sạt lở đất.

"Chúng tôi yêu cầu các đơn vị chủ động chuẩn bị lực lượng, phương tiện cơ động, dự trữ đầy đủ thuốc thiết yếu, hóa chất, vật tư y tế; bảo đảm an toàn cho cả người bệnh lẫn cán bộ y tế tại cơ sở", ThS.BS Đỗ Văn Hùng nói.

Lãnh đạo Sở Y tế cho biết, công tác phòng chống dịch bệnh sau mưa lũ được đặt lên hàng đầu với các nội dung triển khai như tăng cường kiểm tra vệ sinh môi trường, giám sát an toàn thực phẩm, xử lý nước sạch và truyền thông phòng bệnh trong cộng đồng...

Huế chủ động giám sát dịch bệnh, đảm bảo an toàn thực phẩm

Tại TP Huế, hoàn lưu bão số 1 gây ra các đợt mưa lớn kéo dài, dẫn đến tình trạng ngập lụt cục bộ tại một số vùng thấp trũng và khu đô thị, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân.

Ngành Y tế địa phương đã triển khai nhiều biện pháp chủ động ứng phó, đặc biệt chú trọng công tác khám chữa bệnh và phòng, chống dịch bệnh sau mưa lũ.

PGS.TS Trần Kiêm Hảo, Giám đốc Sở Y tế cho biết đã chỉ đạo các đơn vị liên quan theo dõi các bản tin cảnh báo, dự báo thời tiết để chủ động nắm bắt tình hình diễn biến nhằm chủ động, sẵn sàng các phương án. Không để bị động, bất ngờ và không để gián đoạn công tác y tế trong ứng phó thiên tai, bão lụt.

Lãnh đạo Sở Y tế yêu cầu các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đảm bảo ổn định công tác khám bệnh, chữa bệnh cho người dân sau mưa lũ. Duy trì công tác thường trực cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh thường xuyên, liên tục và sẵn sàng ứng cứu, hỗ trợ y tế khi được điều động.

Ngoài ra, thực hiện rà soát và đánh giá nguy cơ về dịch bệnh tại các vùng bị mưa lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất. Chủ động triển khai các phương án phòng chống dịch bệnh khi có tình huống xảy ra, đặc biệt các dịch bệnh mùa ngập lụt như tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, cúm, sốt xuất huyết.

Ngoài ra, bảo đảm nhân lực, thuốc, vật tư, hóa chất, thiết bị y tế và cơ sở vật chất phục vụ cho công tác khám chữa bệnh, phòng chống dịch và vệ sinh môi trường tại các địa phương, đặc biệt vùng bị mưa lũ, sạt lở đất theo phương châm "4 tại chỗ".

Sở Y tế TP Huế đặc biệt lưu ý đến công tác đảm bảo an toàn thực phẩm.

Theo đó, lãnh đạo sở yêu cầu các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch phòng chống ngộ độc thực phẩm trong mùa mưa bão; kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm, bếp ăn tập thể, cơ sở nước giải khát, nước đá…

Người dân tại các vùng ngập được khuyến cáo lựa chọn, sơ chế và bảo quản thực phẩm đúng cách, tuyệt đối không sử dụng gia súc, gia cầm chết không rõ nguyên nhân làm thực phẩm. Thực hiện ăn chín, uống chín, dùng nước sạch. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống được yêu cầu không sử dụng nguyên liệu ôi thiu, hư hỏng, mốc, quá hạn để chế biến. /.

Nguồn: Suckhoedoisong.vn


Thăm dò ý kiến