Giãn cách thật nghiêm, chặt để chặn dịch

23/07/2021 | 14:40 PM

 | 

Sáng 23/7, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã kiểm tra khu cách ly Trường Cao đẳng Y tế Đồng Nai, Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất, sau đó trực tiếp làm việc với với Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Đồng Nai.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Đồng Nai phải thực hiện thật nghiêm giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg, có như vậy mới chặn được dịch - Ảnh: VGP/Đình Nam

Xây dựng các đội xét nghiệm “thiện chiến”

Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai Phan Huy Anh Vũ cho biết, kể từ khi phát hiện 11 ca nhiễm liên quan đến các chợ đầu mối ở TPHCM ngày 27/6 thì tình hình dịch bệnh trên địa bàn đã diễn biến nhanh, phức tạp. Hiện tỉnh có nhiều ổ dịch thứ phát, nhất là tại các chợ dân sinh, khu trọ công nhân nên khó kiểm soát. Đồng Nai đã ghi nhận nhiều ca dương tính ở các khu công nghiệp.

Phức tạp nhất hiện nay là ổ dịch tại công ty Changshin (Khu công nghiệp Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu) với khoảng 40.000 công nhân. Chỉ trong vòng 10 ngày, số ca nhiễm đã tăng từ khoảng 20 người lên trên 300 người.

Kể từ đầu đợt dịch thứ 4 đến nay, Đồng Nai ghi nhận 2.006 ca nhiễm, trong đó TP. Biên Hoà có 1.025 ca, huyện Vĩnh Cửu 290 ca, huyện Nhơn Trạch 186 ca, huyện Thống Nhất 157 ca, huyện Trảng Bom 118 ca.

Về mức độ lây nhiễm dịch bệnh trên địa bàn tỉnh, hiện có 2 huyện, thành phố ở mức nguy cơ rất cao, 3 huyện nguy cơ cao, 4 huyện nguy cơ, 2 huyện ở mức độ bình thường mới.

Tỉnh đã phong toả 100 khu dân cư với khoảng 400.000 nhân khẩu. Tại những khu vực có mức độ lây nhiễm đậm đặc, lâu ngày, sẽ ưu tiên sử dụng xét nghiệm nhanh. Những khu vực khác thuộc vùng nguy cơ cao đến rất cao (các chợ, khu công nghiệp, khu dân cư ở xung quanh) thì sử dụng xét nghiệm RT-PCR mẫu gộp để sàng lọc định kỳ. Còn các địa phương ở mức độ nguy cơ, bình thường mới thì tiếp tục sàng lọc, tầm soát, nhất là những người có triệu chứng nguy cơ để phát hiện sớm các ca xâm nhập.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao đổi với lãnh đạo Bệnh viện đa khoa Thống Nhất, hiện vừa điều trị cho bệnh nhân COVID-19, vừa khám chữa bệnh thông thường cho người dân - Ảnh: VGP/Đình Nam

Đồng Nai kiến nghị được hỗ trợ thêm 2 dàn máy xét nghiệm RT-PCR để đáp ứng tốc độ truy vết, lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc, tầm soát trên địa bàn.

“Các đồng chí phải xây dựng các đội xét nghiệm RT-PCR “thiện chiến”, chuyên nghiệp, bài bản từ lấy mẫu, quản lý thông tin, kết quả xét nghiệm…, không chỉ chống dịch trên địa bàn, mà còn nâng cao trình độ chuyên môn để sẵn sàng hỗ trợ, chi viện cho các tỉnh khác hay TPHCM theo điều phối của Bộ Y tế”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý.

Để đáp ứng tốc độ truy vết, xét nghiệm, Đồng Nai đang khẩn trương nâng cao công suất xét nghiệm RT-PCR từ 3.200 mẫu đơn lên 8.200 mẫu/ngày (tương đương 41.000 mẫu gộp/ngày).

Toàn tỉnh hiện có khoảng 4.000 giường điều trị bệnh nhân COVID-19, trong đó có 6 bệnh viện dã chiến (3.320 giường), thời gian tới sẽ thiết lập thêm 2 bệnh viện dã chiến với quy mô 2.600 giường; thiết lập đơn vị hồi sức tích cực khoảng 140 giường.

Bảo đảm sản xuất an toàn, Đồng Nai đã thành lập 121 tổ liên ngành, đã kiểm tra được 1.298/1.628 doanh nghiệp (DN). Tổng số lao động được xét nghiệm là 98.000 người. 612 DN đang thực hiện mô hình sản xuất “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 địa điểm” với khoảng 84.000 lao động. Nhiều DN vẫn chi trả lương trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, không sản xuất để giữ chân người lao động.

Bên cạnh đó, Đồng Nai đang tích cực triển khai các gói hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP cho người lao động trong các DN bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, lao động tự do, người nghèo mưu sinh hằng ngày…

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam quan sát người dân khai báo y tế bằng giấy tại Bệnh viện đa khoa Thống Nhất - Ảnh: VGP/Đình Nam

Quyết giữ và mở rộng “vùng xanh”

Mặc dù thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg cùng thời điểm với TPHCM (từ 0h ngày 9/7) nhưng Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng cũng nhìn nhận, vẫn có nơi trên địa bàn tỉnh thực hiện chưa nghiêm dù tỉnh tăng cường thông tin, tuyên truyền, vận động người dân tuân thủ, kết hợp với xử lý các trường hợp vi phạm. Tỉnh sẽ tiếp tục chấn chỉnh, siết chặt hơn nữa, gắn chặt với trách nhiệm của lãnh đạo từng xã, phường, huyện, thị, thành phố.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Đồng Nai phải quán triệt tinh thần thực hiện thật nghiêm giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg, phát huy tối đa vai trò của các tổ chức, đoàn thể, tổ COVID-19 cộng đồng, nòng cốt là lực lượng công an để “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”. Những ai không khai báo y tế hoặc không trung thực phải bị xử lý nghiêm, trong đó có trách nhiệm của người thân trong gia đình. Nếu không nắm được những người từ nơi khác về, chính quyền cơ sở, tổ chức, đoàn thể cũng phải chịu trách nhiệm.

Đồng Nai phải đánh giá, phân loại mức độ, nguy cơ đến tận từng khu phố, cụm dân cư, thực hiện sàng lọc bằng xét nghiệm RT-PCR mẫu gộp định kỳ để giữ thật chặt những nơi đã an toàn.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng, ông Cao Tiến Dũng yêu cầu ngành Y tế tham mưu văn bản chỉ đạo cụ thể, chi tiết về kế hoạch bảo vệ các “vùng xanh” an toàn.

“Quan trọng nhất là Đồng Nai phải thực hiện nghiêm Chỉ thị 16/CT-TTg, đặc biệt trong các khu, điểm phong tỏa phải siết chặt hơn nữa. Chính quyền địa phương có thể huy động tổ COVID-19 cộng đồng, thanh niên xung phong, lực lượng vũ trang tham gia tuần tra, kiểm soát để thực sự cách ly nhà với nhà, tổ dân phố với tổ dân phố, khu phố với khu phố…”, Phó Thủ tướng nêu rõ.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thị sát khu cách ly tập trung tại Trường cao đẳng y tế Đồng Nai - Ảnh: VGP/Đình Nam

Linh hoạt, sáng tạo trong điều trị F0, cách ly F1

Phó Thủ tướng cho rằng mặc dù năng lực cách ly, điều trị của Đồng Nai đáp ứng được tình hình dịch bệnh hiện nay nhưng tỉnh cần chuẩn bị phương án lấy mẫu, xét nghiệm, không để quá tải các khu cách ly, bệnh viện dã chiến nếu dịch diễn biến phức tạp hơn nữa và số lượng F0, F1 tăng cao.

Nhấn mạnh hướng dẫn của Bộ Y tế về cách ly, điều trị không thể bao phủ hết các tình huống thực tiễn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị tỉnh Đồng Nai mạnh dạn vừa làm, vừa điều chỉnh, đồng thời tổng hợp báo cáo cấp trên để kịp thời tháo gỡ.

Đơn cử, dựa trên hướng dẫn của Bộ Y tế, tỉnh cần phân loại những gia đình ở các khu chung cư, nhà xây mới, bảo đảm an toàn, có sự tham gia giám sát của tổ COVID cộng đồng, người dân xung quanh thì có thể cho cách ly F1 tại nhà. Còn những ngõ, hẻm nhỏ, khu nhà trọ tập trung đông dân cư thì phải đưa các F1 đi cách ly tập trung để bảo đảm an toàn dịch bệnh.

Tương tự, đối với các F0 không có triệu chứng, Bộ Y tế quy định phải sau 7 ngày điều trị có kết quả xét nghiệm RT-PCR âm tính hoặc nồng độ virus rất thấp không còn khả năng lây nhiễm ra cộng đồng thì sẽ được về cách ly, theo dõi y tế, xét nghiệm tại nhà. Nhưng từ thực tiễn của địa phương, Đồng Nai có thể xem xét kết hợp kết quả xét nghiệm và điều tra dịch tễ, nếu khẳng định được có những trường hợp F0 đã nhiễm từ nhiều ngày trước thì dù thời gian điều trị chưa đến 7 ngày, cũng có thể xem xét đưa về tiếp tục cách ly y tế tại nhà.

“Nếu gặp những vấn đề chưa đúng với hướng dẫn của Trung ương thì các đồng chí báo cáo lại. Thủ tướng lập Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ về phòng, chống COVID-19 là để xử lý những vấn đề phát sinh trên thực địa”, Phó Thủ tướng nói.

Về điều trị, những trung tâm thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 ban đầu ở Đồng Nai phải căn cứ vào kết quả xét nghiệm, nồng độ virus, tình trạng sức khoẻ để bố trí nhân viên y tế theo dõi sát, thăm hỏi, kịp thời chuyển ngay tuyến trên những trường hợp có dấu hiệu chuyển nặng. Đối với những F0 chưa có triệu chứng thì tạo điều kiện cho bà con sinh hoạt, vận động, thư giãn, bớt bức bách về tinh thần. Đồng Nai tổ chức cấp ngay các loại thuốc đông y, tây y cho các F0, F1 theo hướng dẫn của Bộ Y tế để nâng cao thể trạng, hỗ trợ điều trị COVID-19.

Những cơ sở điều trị bệnh nhân chuyển nặng phải có hệ thống oxy tập trung, máy thở oxy dòng cao (HFNC), thuốc men… để giảm đáng kể nguy cơ bệnh nặng hơn, hạn chế tử vong.

Hệ thống các bệnh viện phải bảo đảm an toàn tối đa, tăng cường tần suất xét nghiệm sàng lọc định kỳ, những người có triệu chứng nghi nhiễm phải được xét nghiệm ngay.

Để bảo đảm tiến độ mua sắm vật tư, trang thiết bị chống dịch, tập thể lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cần tập trung bàn, thống nhất và ra quyết định để tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn, sớm thực hiện mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ chống dịch trên nguyên tắc công khai, minh bạch, tuyệt đối không để tiêu cực. Dứt khoát không để các bệnh viện thiếu vật tư, trang thiết bị điều trị; các y, bác sĩ tuyến đầu thiếu đồ bảo hộ an toàn.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Tình hình dịch bệnh trên thế giới, ở Việt Nam, ở phía nam là TPHCM đang diễn biến rất phức tạp. Những đợt dịch trước được khống chế bởi chúng ta quyết tâm, quan trọng nhất là toàn dân đồng lòng. Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Đồng Nai, nòng cốt là các lực lượng chống dịch đã quyết tâm phải quyết tâm hơn nữa, đã nghiêm phải nghiêm hơn nữa. Nếu để dịch bệnh tiếp tục lây lan đến ngưỡng nhất định thì dù có quyết liệt hơn thì lúc đó đã phải trả giá rất đắt, thậm chí không kịp. Sự tham gia, ý thức của người dân cùng thực hiện nghiêm Chỉ thị 16/CT-TTg là yếu tố quyết định./.

Nguồn: Chinhphu.vn


Xuất bản thông tin Xuất bản thông tin

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành Y tế

07/03/2024 | 14:56 PM

 | 

 

Ngày 07/3/2024, Sở Y tế ban hành Kế hoạch số 1049/KH-SYT về ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), phát triển chính quyền số và bảo đảm an toàn thông tin của đơn vị trong năm 2024.

Đây là hoạt động nhằm đẩy mạnh ứng dụng CNTT, phát triển chính quyền số và bảo đảm an toàn thông tin mạng. Đặt trọng tâm vào thực hiện y tế thông minh, chuyển đổi số trong y tế, góp phần xây dựng hệ thống y tế Việt Nam hiện đại, chất lượng, công bằng, hiệu quả và hội nhập quốc tế; hỗ trợ người dân dễ dàng tiếp cận thông tin y tế để sử dụng các dịch vụ y tế có hiệu quả cao và được bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe liên tục, suốt đời. Cung cấp các dịch vụ công lĩnh vực y tế nhanh chóng, hiệu quả, minh bạch. Ứng dụng CNTT trong chỉ đạo, điều hành, quản lý và thực hiện công việc góp phần nâng cao hiệu quả công việc.

Với phương châm lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, lấy sự hài lòng của Nhân dân, tổ chức là thước đo quan trọng trong phát triển chuyển đổi số, phát triển dịch vụ y tế thông minh; bảo đảm gắn kết chặt chẽ, đồng bộ ứng dụng CNTT với cải cách hành chính, đổi mới lề lối, phương thức làm việc, xác định ứng dụng CNTT là công cụ hữu hiệu hỗ trợ, thúc đẩy cải cách hành chính. Phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị, tập trung chỉ đạo xây dựng và phát triển ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong ngành y tế. Thủ trưởng các đơn vị là đầu mối chỉ đạo thống nhất, chịu trách nhiệm tổ chức triển khai xây dựng ứng dụng CNTT, chuyển đổi số tại các đơn vị mình quản lý, bảo đảm hiệu quả, tiến độ, chất lượng theo yêu cầu.

Bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, bảo vệ thông tin cho cá nhân, tổ chức; không để lộ lọt thông tin thuộc phạm vi bí mật nhà nước. Đẩy mạnh việc phối hợp xây dựng chính quyền điện tử hướng đến Chính phủ số, cung cấp dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp mọi lúc, mọi nơi. Tiếp tục sử dụng có hiệu quả các phần mềm dùng chung, hạ tầng kỹ thuật CNTT; kết hợp chặt chẽ với việc thực hiện các chỉ tiêu cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Đồng thời, ngành y tế triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử (EHR) cho toàn dân, hướng tới đảm bảo mỗi người dân tỉnh Bình Phước có một hồ sơ sức khỏe điện tử, hình thành cơ sở dữ liệu Hồ sơ sức khỏe điện tử tỉnh Bình Phước, từng bước hình thành cơ sở dữ liệu về sức khỏe người dân tại Trung tâm Dữ liệu y tế quốc gia. Thúc đẩy các bệnh viện, cơ sở y tế sử dụng nền tảng số, thực hiện chuyển đổi số, thanh toán số, tạo môi trường y tế số văn minh, thuận lợi, an toàn, bảo vệ tốt nhất sức khỏe của người dân.

Trong năm 2024, về ứng dụng CNTT, chuyển đổi số y tế, Sở Y tế phấn đấu 95% hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng, trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước. 100% cán bộ, công chức, viên chức được cấp phát hộp thư điện tử. 100% cán bộ, công chức, viên chức sử dụng hộp thư công vụ của tỉnh để liên lạc, trao đổi thông tin dữ liệu. 100% đơn thư, khiếu nại đủ điều kiện xử lý, giải quyết được cập nhật trong phần mềm quản lý tiếp dân và đơn thư khiếu nại. 80% người dân được quản lý sức khỏe bằng hồ sơ sức khỏe điện tử kết nối với Hệ thống quản lý khám chữa bệnh (HIS) và hệ thống quản lý trạm y tế xã. 100% người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử kết nối với các hệ thống thống tin bệnh viện và hệ thống phần mềm quản lý trạm y tế xã. 100% các xã triển khai phần mềm quản lý trạm y tế xã đầy đủ các chức năng theo quy định của Bộ Y tế. 100% đơn vị từ tuyến xã, tuyến huyện và tuyến tỉnh triển khai hệ thống thống kê y tế điện tử.

Về ứng dụng CNTT và chuyển đổi số y tế phục vụ cán bộ, người dân và doanh nghiệp, Sở Y tế phấn đấu 100% thủ tục hành chính được tiếp nhận tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh ở mức độ toàn trình. Đảm bảo 100% lịch công tác lãnh đạo được đăng tải công khai trên Trang thông tin điện tử. 100% các thông tin về giá thuốc, giá trang thiết bị y tế, giá vật tư y tế, giá sinh phẩm chẩn đoán, giá khám chữa bệnh, giá niêm yết, giá đấu thầu, thông tin về các sản phẩm đang lưu hành hoặc đã được thu hồi, kết quả xử lý thủ tục hành chính, những vi phạm trong quảng cáo… được công khai./.

Nguồn: https://binhphuoc.gov.vn/vi/news/hoat-dong-so-nganh/day-manh-ung-dung-cong-nghe-thong-tin-trong-nganh-y-te-36001.html


Thăm dò ý kiến