Hội nghị triển khai liên thông dữ liệu giấy chứng sinh, giấy báo tử, giấy khám sức khỏe lái xe theo Đề án 06 của Chính phủ
23/03/2023 | 09:04 AM



Chiều 22/3/2023 tại Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức hội nghị triển khai liên thông dữ liệu giấy chứng sinh, giấy báo tử, giấy khám sức khỏe lái xe phục vụ Đề án 06 của Chính phủ. GS.TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế và Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Chu Mạnh Sinh đồng chủ trì hội nghị.
Hội nghị được tổ chức dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến nối điểm cầu Bộ Y tế với hơn 1.000 điểm cầu: các Sở Y tế các tỉnh, thành phố; Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố; y tế các bộ, ngành cấp giấy khám sức khỏe lái xe, giấy chứng sinh, chứng tử; một số bệnh viện/viện trực thuộc Bộ Y tế.
GS.TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế và Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Chu Mạnh Sinh đồng chủ trì hội nghị triển khai liên thông dữ liệu giấy chứng sinh, giấy báo tử, giấy khám sức khỏe lái xe theo Đề án 06 của Chính phủ
Phát biểu tại hội nghị, GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, ngày 06/01/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 06/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030" (gọi tắt là Đề án 06), với 5 nhóm tiện ích, 25 nhóm dịch vụ công thiết yếu. Việc phê duyệt Đề án 06 là một đột phá trong chuyển đổi số của Việt Nam, là nhiệm vụ quan trọng, phức tạp, có tính lan tỏa cao, thiết thực, hiệu quả. Những lợi ích trước mắt, lâu dài của Đề án có tác động tích cực tới mọi mặt của đời sống người dân, góp phần quan trọng trong việc cải cách thủ tục hành chính, giảm chi phí xã hội, giảm phiền hà cho người dân.
Trong Đề án 06 của Chính phủ, Bộ Y tế được giao nhiệm vụ thực hiện liên thông các cơ sở dữ liệu ngành với cơ sở dữ liệu dân cư, đặc biệt là liên thông dữ liệu phục vụ các nhóm dịch vụ công trực tuyến trên nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bao gồm: liên thông dữ liệu giấy chứng sinh, giấy báo tử, giấy khám sức khỏe lái xe cấp tại cơ sở khám, chữa bệnh. Xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của toàn ngành Y tế, ngày 27/01/2022, Bộ Y tế đã có Quyết định số 225/QĐ-BYT về việc thành lập Tổ công tác triển khai Đề án; đồng thời phối hợp với Văn phòng Chính phủ, các Bộ: Công an, Tư pháp, Giao thông vận tải và Bảo hiểm xã hội Việt Nam xây dựng hệ thống ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh thống nhất liên ngành dữ liệu giấy chứng sinh, giấy báo tử, giấy khám sức khỏe lái xe.
Sau hơn 2 tháng triển khai, với sự hỗ trợ tích cực của Cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam, 63/63 Sở Y tế đã triển khai thực hiện liên thông dữ liệu. Cụ thể 1.200 cơ sở y tế đã được cấp tài khoản, 673 cơ sở khám, chữa bệnh đã liên thông dữ liệu, 56.300 giấy phép lái xe, 1.500 giấy chứng sinh, hàng trăm giấy báo tử đã liên thông lên Cổng giám định bảo hiểm y tế để liên thông với Cổng dịch vụ công Quốc gia, sẵn sàng phục vụ người dân thực hiện các dịch vụ công trực tuyển cấp độ 4.
Nhiều tỉnh, thành đã triển khai tích cực, có kết quả tốt, như: TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Quảng Ninh, Bình Định, Lâm Đồng, Nghệ An, Bình Dương, Bắc Giang, Hải Dương, Gia Lai... Tuy nhiên quá trình thực hiện vẫn còn một số hạn chế, nhiều đơn vị, lãnh đạo chưa nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của các hoạt động liên thông dữ liệu phục vụ Đề án 06, chưa có kế hoạch triển khai, chưa bố trí đủ nguồn lực để thực hiện hoạt động; chưa có phần mềm quản lý dữ liệu ở tại đơn vị...
Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Chu Mạnh Sinh cho biết, được sự chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ và Tổ công tác Đề án 06, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã xây dựng các phương án kỹ thuật, văn bản, làm việc với Bộ Y tế để làm rõ các yêu cầu, thống nhất về cách thức triển khai, qua đó thực hiện nâng cấp, điều chỉnh các hệ thống phần mềm, bố trí hạ tầng kết nối, chỉ đạo bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các đơn vị trực thuộc hỗ trợ, hướng dẫn về kỹ thuật khi cơ sở khám, chữa bệnh liên thông dữ liệu lên Cổng tiếp nhận dữ liệu Hệ thống thông tin giám định bảo hiểm y tế…
Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe đại diện Cục Kiểm soát thủ tục hành chính Văn phòng Chính phủ giới thiệu về ý nghĩa của Đề án 06, cũng như 17 nhiệm vụ cần thực hiện của Bộ Y tế; Cục khám, chữa bệnh, Vụ Sức khỏe bà mẹ, trẻ em (Bộ Y tế) hướng dẫn, giải đáp các nội dung liên quan đến nghiệp vụ chuyên môn; cơ quan Bảo hiểm Việt Nam hướng dẫn, giải đáp các nội dung kỹ thuật liên thông dữ liệu lên cổng giám định bảo hiểm y tế, như đăng ký tài khoản, ký số, trích chuyển dữ liệu.../.
Tin liên quan
- Lễ mít tinh kỷ niệm ngày dân số Thế giới 11/7/2025 với chủ đề: "Quyền tự quyết về sinh sản trong một thế giới đang thay đổi"
- GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, chủ trì họp về việc hướng dẫn các đoàn đại biểu báo cáo tình hình sức khỏe các đại biểu và Kế hoạch đảm bảo công tác y tế phục vụ Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ XIV của Đảng
- Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Tri Thức làm việc tại Hưng Yên
- Họp Ban chỉ đạo Quốc gia vận động hiến máu tình nguyện 6 tháng đầu năm 2025: Bộ trưởng Đào Hồng Lan: “Số đơn vị máu đạt gần 50% kế hoạch năm là sự nỗ lực rất lớn của toàn hệ thống”
- Bộ Y tế tập huấn phổ biến các quy định liên quan đến phân cấp, phân quyền trong lĩnh vực y tế theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp
- Nghị quyết về đột phá trong chăm sóc sức khỏe nhân dân 'phải mang tính hành động'
- Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi số ngành Y tế
Xuất bản thông tin
Bệnh sởi gây nhiều biến chứng nguy hiểm chưa có thuốc đặc trị, cần biết 5 khuyến cáo của Bộ Y tế
19/03/2025 | 08:43 AM



Theo Bộ Y tế, bệnh sởi có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, khô loét giác mạc mắt, viêm não, có thể dễ dẫn đến tử vong. Bệnh sởi chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, tiêm vaccine là biện pháp hữu hiệu để phòng bệnh.
TS.BS Hoàng Minh Đức - Cục trưởng Cục Phòng bệnh cho biết, bệnh sởi lây lan nhanh nhất trong số các bệnh truyền nhiễm, bệnh lây qua không khí khi người bị nhiễm bệnh ho hoặc hắt hơi và chỉ có thể cắt đứt sự lây truyền khi miễn dịch cộng đồng đạt ít nhất 95%.
Bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, khô loét giác mạc mắt, viêm não, có thể dễ dẫn đến tử vong.
Bệnh sởi chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, tiêm vaccine là biện pháp hữu hiệu để phòng bệnh.
Trong phát biểu tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng, chống bệnh sởi diễn ra mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, trong đó một số bệnh có vaccine phòng bệnh từ lâu ( sởi, ho gà...) có xu hướng gia tăng tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Thống kê của Bộ Y tế cho biết, từ đầu năm 2025 đến nay, cả nước ghi nhận khoảng 40.000 trường hợp nghi sởi, 05 trường hợp tử vong liên quan đến sởi; số trường hợp nghi sởi ghi nhận cao nhất tại khu vực miền Nam (57%), miền Trung (19,2%), miền Bắc (15,1%), Tây Nguyên (8,7%).
Bệnh sởi chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, tiêm vaccine là biện pháp hữu hiệu để phòng bệnh.
Bệnh sởi tại Việt Nam trong thời gian tới còn có nguy cơ tiếp tục gia tăng, vẫn cần hết sức thận trọng với nguy cơ bùng phát, dự kiến, số ca sốt phát ban nghi sởi sẽ tiếp tục được ghi nhận trên phạm vi cả nước.
Đặc biệt tại các khu vực có nguy cơ cao như các tỉnh miền núi, nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, điều kiện tiếp cận dịch vụ y tế còn hạn chế và các địa phương có tỷ lệ tiêm chủng thấp là những khu vực dễ bùng phát dịch nhất.
Trước diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình dịch bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là bệnh sởi, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đề nghị, UBND các tỉnh, thành phố ưu tiên bảo đảm nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng, chống bệnh sởi, đặc biệt là với các đối tượng trẻ em chưa đến độ tuổi tiêm chủng hoặc chưa tiêm đủ mũi vaccine, phải hoàn thành trong tháng 3/2025.
"Các địa phương cũng cần tăng cường công tác truyền thông, vận động người dân tiêm chủng đầy đủ và chủ động phòng ngừa bệnh sởi. Ngoài ra, Bộ Y tế cũng yêu cầu các tỉnh, thành phố rà soát các khu vực có tỷ lệ tiêm chủng thấp để tổ chức tiêm bù, tiêm vét và bảo đảm không để dịch bệnh lây lan rộng. Các địa phương cần chuẩn bị sẵn sàng vật tư y tế, dự trữ thuốc, phòng chống lây nhiễm chéo sởi tại các cơ sở y tế", Bộ trưởng Đào Hồng Lan nhấn mạnh.
Bộ Y tế cũng lưu ý tất cả trẻ mắc sởi, nghi mắc sởi không chỉ được chăm sóc y tế mà còn đảm bảo dinh dưỡng, giữ ấm, không để xảy ra tình trạng trẻ mắc sởi, nghi mắc sởi diễn biến xấu do thiếu chăm sóc y tế, không đủ dưỡng chất...
Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm qua (18/3) đã ra tuyên bố chung về các nỗ lực phòng chống bệnh sởi ở Việt Nam, trong đó đánh giá cao những biện pháp nhanh chóng và quyết liệt mà Bộ Y tế Việt Nam đã triển khai để ứng phó với đợt bùng phát bệnh sởi hiện nay. Đồng thời bày tỏ, cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong công tác kiểm soát đợt bùng phát bệnh sởi hiện tại và ngăn chặn sự lây lan của bệnh.
Để phòng chống bệnh sởi, Cục Phòng bệnh, Bộ Y tế khuyến cáo:
1. Chủ động đưa trẻ từ 9 tháng đến 2 tuổi chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ 2 mũi vaccine phòng bệnh Sởi đi tiêm đầy đủ, đúng lịch và các nhóm tuổi khác (6-9 tháng, 1-10 tuổi) tham gia chiến dịch tiêm vaccine phòng, chống bệnh sởi theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
2. Không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc bệnh sởi; đeo khẩu trang nơi đông người, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ.
3. Giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng, mắt và răng miệng cho trẻ hàng ngày; đảm bảo dinh dưỡng, giữ ấm cơ thể cho trẻ.
4. Nhà trẻ, mẫu giáo, trường học nơi tập trung đông trẻ em cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng và đủ ánh sáng; thường xuyên khử trùng đồ chơi, dụng cụ học tập và phòng học bằng các chất sát khuẩn thông thường.
5. Khi phát hiện có các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh Sởi (sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban) cần sớm cách ly và đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, tư vấn điều trị kịp thời./.
Nguồn: Suckhoedoisong.vn
Tin liên quan
- Một số địa phương tăng ca mắc sốt xuất huyết
- Quy định mới về đối tượng, mức đóng bảo hiểm y tế
- Quy định về kê đơn thuốc áp dụng từ 1/7 người dân cần biết
- Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp, kịp thời ngăn chặn biểu hiện, hành vi tiêu cực
- Cùng hành động để không còn trẻ em bị đuối nước
- Cắt khối u hiếm gặp, cứu bệnh nhân suy tim độ III, phải ngủ ngồi
- Lễ mít tinh kỷ niệm ngày dân số Thế giới 11/7/2025 với chủ đề: "Quyền tự quyết về sinh sản trong một thế giới đang thay đổi"