Đề xuất đưa dự án Luật Dân số vào chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2026

02/08/2024 | 19:54 PM

 | 

Ngày 02/8/2024, Bộ Y tế (Cục Dân số) phối hợp với UBND tỉnh Hưng Yên tổ chức hội thảo chuyên đề công tác dân số năm 2024. PGS.TS.Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Quốc gia Dân số và Phát triển dự và phát biểu tại hội thảo.

 

Tham dự hội thảo có ông Nguyễn Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo công tác Dân số và phát triển tỉnh Hưng Yên; Bà Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam; đại diện một số Vụ, Cục, Văn phòng thuộc Bộ Y tế; đại diện các Trung tâm sàng lọc trước sinh và sơ sinh khu vực phía bắc và miền trung, Sở Y tế, Chi cục Dân số 31 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc từ Thừa Thiên Huế trở ra...

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Duy Hưng dự hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Thanh Dũng, Cục trưởng Cục Dân số cho biết: năm 2024, là năm khởi đầu cho giai đoạn II thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW (khóa XII) và Chương trình hành động của Chính phủ về công tác dân số trong tình hình mới. Nhìn lại chặng đường sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW và Chương trình hành động của Chính phủ về công tác dân số, dưới sự quan tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự phối hợp của các Bộ, ngành, đoàn thể, sự chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Bộ Y tế và cấp ủy, chính quyền địa phương, công tác dân số đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ.

Cục trưởng Cục Dân số Lê Thanh Dũng phát biểu.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược Dân số Việt Nam và các chương trình, đề án về dân số đến năm 2030. Bộ Y tế đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện. Các tỉnh, thành phố cũng đã ban hành các chương trình, đề án, kế hoạch dựa trên tình hình thực tế tại địa phương và cũng đã bố trí ngân sách địa phương để thực hiện, nhiều tỉnh, thành phố đã ban hành Nghị quyết chuyên đề quy định về chính sách dân số…

Cục trưởng Cục Dân số Lê Thanh Dũng cho biết thêm: kết quả công tác dân số thời gian qua và 6 tháng đầu năm 2024 tiếp tục được Đảng, Chính phủ, Bộ Y tế, chính quyền các cấp, các ngành quan tâm và đạt một số kết quả như, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 527/QĐ-TTg ngày 18/6/2024 về kiện toàn Ban chỉ đạo Quốc gia Dân số và Phát triển, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long làm Trưởng ban; Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 34/2023/TT-BYT quy định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của Chi cục Dân số; Ban cán sự Đảng Bộ Y tế báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị Quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới; Cục Dân số đã chủ động hướng dẫn các địa phương thực hiện chỉ tiêu kế hoạch 2024; hướng dẫn các hoạt động chuyên môn cũng như chủ động xây dựng, triển khai thử nghiệm các mô hình về dân số ngay từ đầu năm để nhân rộng ra toàn quốc trong thời gian tới sau khi đã đánh giá kết quả; hướng dẫn và triển khai tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Thalassemia Thế giới (8/5); ngày Dân số Thế giới (11/7) năm 2024…

Các đại biểu tham dự hội thảo.

Ở địa phương, đến hết tháng 6/2024, các tỉnh, thành phố đã ban hành kế hoạch thực hiện các chương trình, đề án theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về lĩnh vực truyền thông, điều chỉnh mức sinh, dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, tầm soát, chẩn đoán, điều trị các bệnh, tật trước sinh và sơ sinh, kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi... Đặc biệt đã có 25 tỉnh, thành phố đã xây dựng và trình Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố ban hành Nghị quyết quy định về chính sách dân số trong tình hình mới. Các tỉnh, thành phố đã bố trí kinh phí từ ngân sách địa phương để triển khai thực hiện các chương trình, đề án về dân số đã được Uỷ Ban nhân dân tỉnh, thành phố phê duyệt để triển khai thực hiện.

“Trong bối cảnh vừa kiện toàn tổ chức bộ máy của Cục Dân số và một số địa phương, kết quả thực hiện chỉ tiêu 6 tháng đầu năm về dân số cho thấy các hoạt động về dân số được triển khai khá đồng bộ ở các tuyến và dự kiến một số chỉ tiêu sẽ đạt được trong năm”- Ông Lê Thanh Dũng nhận định.

Ông Nguyễn Duy Hưng, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Hưng Yên phát biểu.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Duy Hưng, Phó Chủ tịch Uỷ Ban nhân dân, Trưởng ban Chỉ đạo công tác Dân số và Phát triển tỉnh Hưng Yên đã nhấn mạnh, những kết quả công tác dân số đã đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo và nâng cao mức sống của nhân dân trên địa bàn tỉnh… .

“Tỉnh Hưng Yên sẽ tiếp thu kinh nghiệm, có các giải pháp cụ thể khắc phục các tồn tại, hạn chế trong công tác dân số, phấn đấu đạt các mục tiêu đặt ra, đóng góp quan trọng vào công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong thời gian tới”- ông Nguyễn Duy Hưng khẳng định.

PGS.TS.Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu.

Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS.Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế ghi nhận và đánh giá cao và chia sẻ những khó khăn, vướng mắc, bất cập của công tác dân số trong thời gian qua.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng: công tác dân số hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức như các đồng chí đã đề cập trong báo báo cáo như: xuất hiện xu hướng mức sinh xuống thấp, tỉ số giới tính khi sinh vẫn còn ở mức cao; tổng tỷ suất sinh (số con trung bình của một phụ nữ) dự kiến không đạt chỉ tiêu kế hoạch năm đề ra; 6/8 chỉ tiêu chuyên môn đạt tỉ lệ thấp và dự kiến không đạt chỉ tiêu kế hoạch năm nếu không có giải pháp căn cơ, kịp thời, cố gắng, nỗ lực. Nguồn lực đầu tư cho công tác dân số ở các cấp đều bị cắt giảm nhiều; tổ chức bộ máy, cán bộ làm công tác dân số ở cả Trung ương và địa phương còn biến động; kết quả sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW cho thấy nhiều nhóm mục tiêu, chỉ tiêu đạt thấp và sẽ khó đạt được mục tiêu đề ra đến năm 2030.

Để hoàn thành các chỉ tiêu được giao, thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đề nghị Cục Dân số khẩn trương phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tập trung vào hoàn thiện thể chế, cụ thể là chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ xây dựng dự án Luật Dân số để đề xuất đưa vào chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2026. Ngoài ra, cần tập trung chỉ đạo điều hành, hướng dẫn, hỗ trợ chuyên môn nghiệp vụ về công tác dân số trong tình hình mới cho các địa phương để phấn đấu thực hiện và hoàn thành các chỉ tiêu về dân số được giao năm 2024.

Đối với Sở Y tế, Chi cục các tỉnh, thành phố chưa ban hành Nghị quyết về chính sách dân số trong tình hình mới cần khẩn trương tham mưu xây dựng và trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành; tập trung xây dựng và bảo vệ kế hoạch với các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính về hoạt động và ngân sách địa phương cho công tác dân số năm 2025 và các năm tiếp theo.

Các Sở Y tế phát huy tính chủ động, sáng tạo, vượt khó, tập trung triển khai quyết liệt và đồng bộ các giải pháp, hoạt động về truyền thông, điều chỉnh mức sinh, cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, tầm soát, điều trị bệnh, tật trước sinh, sơ sinh, tư vấn và kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi... để phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch năm 2024 được giao. Đồng thời, quan tâm, động viên, khích lệ toàn thể đội ngũ cán bộ làm công tác dân số khắc phục khó khăn, phát huy truyền thống, tinh thần đoàn kết, vượt khó, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao của ngành trong bối cảnh khó khăn chung của ngành Y tế.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương trao Cờ thi đua của Bộ Y tế cho tỉnh Hòa Bình và Quảng trị “Đơn vị xuất sắc trong phong trào thi đua năm 2023”.

Toàn cảnh hội thảo.

Tại hội thảo các đại biểu cũng được nghe Cục Dân số báo cáo tiến độ và xin ý kiến về nội dung, giải pháp chính sách trong đề nghị xây dựng Luật Dân số; báo cáo về công tác thanh tra chuyên ngành; nghe tham luận của các đơn vị, địa phương về các lĩnh vực của công tác dân số…/.


Xuất bản thông tin Xuất bản thông tin

Bộ Y tế đặt mục tiêu chuyển đổi số là một trọng tâm công tác của ngành y tế, ưu tiên nguồn lực, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin.

08/10/2024 | 14:51 PM

 | 

 

Nhờ công nghệ thông tin và chuyển đổi số, việc quản lý tại bệnh viện trở nên đơn giản hơn. Ảnh: BV Bạch Mai

Thời gian qua, Bộ Y tế đặt mục tiêu chuyển đổi số là một trọng tâm công tác của ngành y tế, ưu tiên nguồn lực, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin. Qua đó, nhằm thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận các dịch vụ y tế.

Gần 1 triệu giấy chuyển tuyến BHYT điện tử

Theo lộ trình triển khai số hóa Bộ Y tế đặt ra, mục tiêu đến năm 2030, tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh trên toàn quốc phải ứng dụng công nghệ thông tin trong bệnh viện và triển khai hồ sơ bệnh án điện tử cho toàn bộ người dân, hướng tới việc loại bỏ bệnh án giấy, hưởng ứng xu hướng thanh toán không tiền mặt.

Thực tế cho thấy, ngành y tế đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ trong chuyển đổi số. Vừa qua, tại Hội nghị Quản lý bệnh viện trong thời kỳ mới, bà Trần Thị Trang, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (BHYT), Bộ Y tế cho biết, việc số hóa giấy chuyển tuyến, giấy hẹn tái khám đã đạt được kết quả.

Cụ thể, từ ngày 1/7, giấy chuyển tuyến, hẹn tái khám cũng được thí điểm tích hợp lên Cổng tiếp nhận thông tin giám định BHYT của Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Từ đó tới nay, đã có gần 1 triệu giấy chuyển tuyến BHYT và hơn 2.629.000 giấy hẹn khám lại điện tử được gửi lên cổng tiếp nhận.

Chỉ tính riêng trong tháng 8 năm nay, có 441.285 giấy chuyển tuyến BHYT và 1.311.122 giấy hẹn khám lại được gửi lên cổng tiếp nhận. Bước đầu, để tránh làm xáo trộn, tạm thời, giai đoạn thí điểm cho phép áp dụng đồng thời cả 2 hình thức bản giấy và bản điện tử giấy chuyển tuyến BHYT và giấy hẹn khám lại khi tiếp nhận người bệnh.

Cũng theo bà Trang, thực hiện theo Đề án 06, Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp cùng Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Bộ Công an để tích hợp giấy chuyển tuyến điện tử và giấy hẹn khám lại điện tử lên VNeID.

Việc tích hợp giấy chuyển tuyến, hẹn tái khám BHYT lên VNeID sẽ tạo kho dữ liệu tập trung, phục vụ phân tích, thống kê, kịp thời điều chỉnh chính sách BHYT sát với thực tế. Điều này cũng giúp công khai, minh bạch trong công tác chuyển tuyến, hẹn tái khám.

Hạn chế các hành vi gian lận, giả mạo trong công tác chuyển tuyến, tái khám. “Đặc biệt, việc này giúp đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian, tạo thuận lợi, tiện ích cho người bệnh, cơ sở khám chữa bệnh khi tiếp nhận, làm các thủ tục chuyển tuyến, tái khám”, bà Trang cho biết.

Giảm thiểu thủ tục hành chính gây phiền hà

Trong khi đó, công tác khám, chữa bệnh và hoạt động quản lý tại các cơ sở y tế cũng đang có những chuyển biến tích cực nhờ áp dụng công nghệ. PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai đánh giá, không thể phủ nhận rằng trí tuệ nhân tạo (AI) và các công nghệ tiên tiến đang dần trở thành những công cụ không thể thiếu trong công tác khám và điều trị bệnh.

Từ việc hỗ trợ chẩn đoán bệnh chính xác hơn, đến việc phát triển các phương pháp điều trị cá nhân hóa và tối ưu hóa quy trình chăm sóc, công nghệ đã và đang tạo ra những bước đột phá quan trọng.

Những tiến bộ này không chỉ giúp nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, mà còn tạo ra cơ hội mới cho việc nghiên cứu và phát triển các phương pháp điều trị tiên tiến. Nhờ công nghệ thông tin và chuyển đổi số, việc quản lý tại bệnh viện trở nên đơn giản hơn, giảm tải rất nhiều.

Các nhà quản lý bệnh viện có thể thuận tiện, linh hoạt tác nghiệp, giải quyết công việc tại nhiều nơi, làm việc trực tuyến, làm việc từ xa, không bị bó hẹp chỉ trong bệnh viện.

Cũng theo PGS.TS Đào Xuân Cơ, năm 2018, có giáo sư, chuyên gia của Mỹ sang khảo sát Bệnh viện Bạch Mai để có những đề xuất, hỗ trợ trong việc áp dụng chuyển đổi số, công nghệ thông tin, bệnh án điện tử…

Tuy nhiên, thời điểm đó, sau khi khảo sát, họ đã từ chối do Bệnh viện Bạch Mai có quá nhiều phần mềm. Các phần mềm không đồng bộ, không kết nối được với nhau, cơ sở dữ liệu phân mảnh, không thể triển khai được.

Song, đến nay, Bệnh viện Bạch Mai đã phần nào triển khai đưa công nghệ thông tin vào trong quản lý, vận hành bệnh viện; triển khai thành công phần mềm quản lý khám chữa bệnh; đã thí điểm thành công bệnh án điện tử tại 6 đơn vị trong bệnh viện.

Bệnh viện Bạch Mai được tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ quyết định lựa chọn là mô hình điểm triển khai chuyển đổi số toàn diện, tạo nền tảng và cơ sở để triển khai cả nước.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho rằng, những thách thức đặt ra trong tình hình mới khi cuộc cách mạng công nghệ 4.0, thời kỳ “kỷ nguyên số” đang diễn ra hết sức mạnh mẽ trong các ngành, lĩnh vực. Điều này cũng đòi hỏi ngành y tế phải có những giải pháp thích ứng hết sức cụ thể để hoàn thành nhiệm vụ nâng cao, chăm sóc sức khỏe người dân.

“Thời gian tới, ngành y tế cần tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong triển khai thực hiện các quy trình khám, chữa bệnh; thanh toán không dùng tiền mặt; khám, chữa bệnh từ xa. Đồng thời, rà soát giảm thiểu các thủ tục hành chính gây phiền hà đối với người bệnh”, bà Đào Hồng Lan nhấn mạnh.

Theo Bộ Y tế, dữ liệu sổ sức khỏe điện tử VNeID được tích hợp từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về BHYT, là một phần của dữ liệu thanh quyết toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT. Vì đó nên sử dụng quy trình liên thông dữ liệu khám, chữa bệnh BHYT lên Cổng tiếp nhận dữ liệu giám định BHYT để liên thông dữ liệu sổ sức khỏe điện tử VNeID.

Nhằm tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành y tế, Bộ Y tế đề nghị thủ trưởng các cơ quan, đơn vị tiếp tục triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng về chuyển đổi số; tổ chức triển khai Nghị quyết số 157-NQ/BCSĐ ngày 3/2/2023 của Ban Cán sự Đảng Bộ Y tế về chuyển đổi số y tế đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Quyết định số 1710/QĐ-BYT ngày 5/4/2023 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành kế hoạch hành động của Bộ Y tế thực hiện Nghị quyết số 157-NQ/BCSĐ. Quyết định số 1064/QĐ-BYT ngày 23/4/2024 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành kế hoạch chuyển đổi số năm 2024 của Bộ Y tế./.

Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/chuyen-doi-so-trong-linh-vuc-y-te-thuan-tien-cho-nguoi-benh-post703845.html


Thăm dò ý kiến