Thủ tướng: Chủ quan, lơ là trước dịch bệnh sẽ phải trả giá

06/08/2022 | 11:46 AM

 | 

Sáng 6/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chủ trì phiên họp lần thứ 16 của Ban Chỉ đạo.

Thủ tướng: Chủ quan, lơ là trước dịch bệnh sẽ phải trả giá - Ảnh 1.

Thủ tướng: Chúng ta đã có đà về tiêm chủng trong phòng chống dịch, cần tận dụng cơ hội để đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Cùng dự phiên họp có các đồng chí: Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài; Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; các thành viên Ban Chỉ đạo, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương. 

Tham dự phiên họp được kết nối tới các tỉnh, thành phố theo hình thức trực tuyến có các đồng chí Bí thư, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. 

Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính dành nhiều thời gian phân tích và một lần nữa nhấn mạnh chúng ta không bao giờ quên được những ngày tháng khi năng lực y tế còn hạn chế, chưa có nhiều kinh nghiệm, chưa có đủ vaccine, thuốc chữa bệnh COVID-19, chúng ta bắt buộc phải dùng các biện pháp hành chính để phòng, chống dịch, vừa lúng túng, bị động, vừa mất nhiều công sức, nguồn lực, vừa nhiều hy sinh, mất mát, vừa ảnh hưởng nặng nề tới các hoạt động của xã hội. 

Tuy nhiên, khi dịch bệnh vừa được kiểm soát thì tâm lý chủ quan, lơ là, mất cảnh giác lại xuất hiện, cả về nhận thức, tuyên truyền và chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Trong khi đó, dịch bệnh vẫn đang tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường trên thế giới, nhiều nước phát triển, có nền y tế hiện đại cũng đang bùng phát dịch trở lại. Mặt khác, nền kinh tế nước ta có độ mở lớn, quy mô còn khiêm tốn, khả năng chống chịu thì có hạn, cho nên chỉ cần một biến động nhỏ ở bên ngoài có thể tác động lớn đến trong nước. 

Thủ tướng: Chủ quan, lơ là trước dịch bệnh sẽ phải trả giá - Ảnh 2.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn phát biểu tại phiên họp - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Chúng ta đã đúc rút được công thức, phương châm phòng, chống dịch, trong đó thực tiễn cho thấy vaccine vẫn là vũ khí quyết định. Cả trong đỉnh dịch và ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có rất nhiều công điện, văn bản chỉ đạo đôn đốc quyết liệt với yêu cầu tiếp tục thực hiện nhiệm vụ tiêm vaccine cho người dân, nhưng đến nay vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra. Khi dịch đang diễn biến phức tạp thì địa phương nào cũng đề nghị vaccine, nhưng khi dịch vừa được kiểm soát thì việc tiêm chủng chững lại. Mặt khác, cũng có những địa phương còn nhiều khó khăn về kinh tế, xã hội nhưng lại nỗ lực triển khai tiêm vaccine, đạt kết quả tích cực.

Theo Thủ tướng, chúng ta đã có đà về tiêm chủng trong chống dịch, cần tận dụng cơ hội để đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng; đồng thời đánh giá miễn dịch cộng đồng trên toàn quốc. Bộ Y tế chủ động hơn nữa và tập trung chỉ đạo các Sở Y tế; các cấp uỷ tập trung lãnh đạo, các cấp chính quyền phải tổ chức thực hiện; người dân phải vào cuộc một cách tích cực hơn nữa để thực hiện nhiệm vụ này. 

Thủ tướng: Chủ quan, lơ là trước dịch bệnh sẽ phải trả giá - Ảnh 3.

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan báo cáo tình hình tại phiên họp - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần phòng bệnh hơn chữa bệnh; yêu cầu phải tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, sâu sát, tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác; phải cùng nhau gánh vác, mỗi cấp, mỗi ngành đều phải lo toan, trách nhiệm với công tác phòng, chống dịch; làm việc có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó. Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như nâng cao năng lực y tế dự phòng và y tế cơ sở; tăng phụ cấp cho nhân viên y tế, cơ cấu lại đội ngũ nhân lực y tế; tiếp tục kêu gọi cộng đồng quốc tế, doanh nghiệp ủng hộ công cuộc phòng, chống dịch… 

Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu đổi mới cách thức tuyên truyền, nâng cao ý thức của nhân dân, bảo đảm hiệu quả hơn nữa. Thủ tướng cũng yêu cầu không thể để “dịch chồng dịch” khi nhiều loại dịch bệnh xuất hiện và diễn biến phức tạp như sốt xuất huyết, bệnh đậu mùa khỉ… 

Thủ tướng nêu rõ, nếu không quyết liệt triển khai các nhiệm vụ này thì sẽ bị động, lúng túng và nếu chủ quan, lơ là thì sẽ phải trả giá. Điều này là không chấp nhận được khi chúng ta đã có kinh nghiệm, đã đúc rút được các công thức, phương châm phòng, chống dịch. 

Cổng Thông tin điện tử Chính phủ sẽ tiếp tục cập nhật thông tin về phiên họp. 

Nguồn: Chinhphu.vn


Xuất bản thông tin Xuất bản thông tin

Bộ Y tế kêu gọi thiết lập mạng lưới các nhà khoa học trẻ ngành Y Việt Nam trên toàn cầu

27/11/2021 | 21:04 PM

 | 

 Bộ Y tế kêu gọi thiết lập mạng lưới các nhà khoa học trẻ ngành y Việt Nam trên toàn cầu nhằm kết nối tất cả các nhà khoa học để chia sẻ, trao đổi, liên kết trong nghiên cứu lĩnh vực y dược…

Khoa học y học của Việt Nam đã có bước tiến nhưng vẫn khiêm tốn 

Phát biểu tại lễ bế mạc, trao giải Hội nghị khoa học và công nghệ tuổi trẻ ngành y tế lần thứ XX diễn ra chiều 27/11 ở Đại học Quốc gia Hà Nội, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế chia sẻ: Nhiều nhà khoa học trẻ có mặt hôm nay tại Hội nghị đã tình nguyện vào các điểm nóng ở TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Đà Nẵng, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương… tham gia phòng chống dịch COVID-19, qua đó đồng thời nhiều thầy thuốc đã kết hợp nghiên cứu khoa học về các nội dung liên quan đến công tác phòng chống dịch, góp phần làm nên thành công của hội nghị.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long: Bộ Y tế kêu gọi thiết lập mạng lưới các nhà khoa học trẻ ngành y Việt Nam trên toàn cầu - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đánh giá cao tất cả sự cố gắng của các nhà khoa học trẻ ngành Y tế.

"Bộ Y tế đánh giá cao tất cả những cố gắng của các nhà khoa học trẻ ngành y tế" - Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng, một câu hỏi lớn nhất được đặt ra là "chúng ta đang đứng ở đâu trên bản đồ khoa học về mặt y học của thế giới? Đây là vấn đề mà các nhà khoa học trẻ ngành y cần đáng quan tâm, lưu ý". 

"Chúng tôi đã có thống kê những bài báo khoa học của ngành y tế đăng trên các tạp chí quốc tế từ năm 2017- năm 2020 cho thấy, năm 2017, Việt Nam xếp thứ 80/173 quốc gia và vùng lãnh thổ; năm 2018 ở vị trí 62; năm 2019 là vị trí 66 và năm 2020 ở vị trí 65. 

Trong lĩnh vực vi sinh, miễn dịch có khả quan hơn, dao động ở vị trí 48-50, tuy nhiên vẫn chưa có sức đột phá; lĩnh vực sinh học và sinh học phân tử cũng vậy; trong lĩnh vực điều trị, dược… cũng vẫn cần có nhiều cố gắng"- Bộ trưởng Bộ Y tế bày tỏ. 

GS.TS Nguyễn Thanh Long thông tin thêm so với các lĩnh vực khác ở nước ta, lĩnh vực khoa học y học đứng đầu về số lượng công bố quốc tế với 16-18%.

"Mặc dù các nhà khoa học y học nước ta đã cố gắng, đã nỗ lực, thang điểm về trình độ khoa học có những bước tiến, nhưng vẫn ở mức độ khiêm tốn như trên. Đây là điều mà chúng tôi hết sức trăn trở vì thế mong muốn là làm sao kết quả của chúng ta sẽ cao hơn. Để làm được chúng ta phải cùng nhau cố gắng" - Bộ trưởng nói. 

Người đứng đầu ngành y tế cho biết một trong những quan điểm chung của Bộ Y tế trong lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành là "làm thế nào để tăng cường nghiên cứu, chuyển giao và chia sẻ về khoa học và làm sao để đảm bảo tính công bằng trong tiếp cận dịch vụ y tế ở tất cả mọi miền". 

Vì thế mục tiêu đặt ra là phải quan tâm, đầu tư hơn nữa để thúc đẩy nghiên cứu, thực hiện nhiều đề tài khoa học hơn nữa, có thể là những công trình trong phòng thí nghiệm cũng có thể là các đề tài nghiên cứu trong y tế cộng đồng.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long: Bộ Y tế kêu gọi thiết lập mạng lưới các nhà khoa học trẻ ngành y Việt Nam trên toàn cầu - Ảnh 2.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long trao bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong hội nghị khoa học và công nghệ tuổi trẻ ngành Y tế lần thứ XX.

 "Điều đầu tiên chúng tôi mong muốn và khuyến khích tất cả các nhà khoa học trẻ, các bác sĩ trẻ, học sinh sinh viên khối ngành y dược phải đẩy mạnh nghiên cứu khoa học hơn nữa, để ứng dụng nghiên cứu đó vào công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân hàng ngày" - Bộ trưởng Bộ Y tế nói. 

Khuyến khích và sẽ có phần thưởng cho các nghiên cứu y học đăng trên tạp chí danh tiếng quốc tế 

Kể lại cuộc gặp gỡ với các nhà khoa học trẻ ngành y của Việt Nam đang sinh sống, làm việc, học tập và nghiên cứu tại Nhật Bản trong chuyến công tác mới đây, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết nhiều người trong số này rất sáng tạo, đã có những sáng chế trong nghiên cứu khoa học. 

Do đó với vai trò là cơ quan quản lý, Bộ Y tế kêu gọi thiết lập mạng lưới các nhà khoa học trẻ ngành y Việt Nam trên toàn cầu nhằm kết nối tất cả các nhà khoa học để chia sẻ, trao đổi, liên kết trong nghiên cứu lĩnh vực y dược… 

Lãnh đạo Bộ Y tế đã yêu cầu Cục Khoa học, công nghệ và Đào tạo phải triển khai thực hiện việc này; Cùng đó cơ quan nhà nước cũng phải có những động viên, khuyến khích, ghi nhận và có những phần thưởng xứng đáng với những cố gắng, nỗ lực của các nhà khoa học.

"Chúng tôi rất khuyến khích và sẽ có những phần thưởng dành cho các bạn có các bài báo khoa học, các công trình nghiên cứu về y học đăng trên các tạp chí uy tín quốc tế" - Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói. 

Theo Bộ trưởng, ngành y tế hiện đang đổi mới căn bản và toàn diện trên nhiều lĩnh vực từ khám chữa bệnh, y tế dự phòng, đầu tư, BHYT… nhưng có một đổi mới rất quan trọng là  đào tạo. Muốn nâng cao thứ hạng của y tế Việt Nam, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ y tế nói chung, khám chữa bệnh nói riêng, chỉ có đào tạo con người. Vì vậy, Việt Nam sẽ thay đổi căn bản đào tạo theo chuẩn chung của thế giới, đổi mới trong cấp chứng chỉ hành nghề có thời hạn… 

"Lãnh đạo Bộ Y tế khuyến khích các trường y dược thiết lập các trung tâm sáng tạo, nghiên cứu về y học để có bệ đỡ, diễn đàn cho các bạn trẻ nghiên cứu khoa học ngay trong nhà trường"- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.   

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long: Bộ Y tế kêu gọi thiết lập mạng lưới các nhà khoa học trẻ ngành y Việt Nam trên toàn cầu - Ảnh 4.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long trao bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế cho nhóm tác giải đạt giải xuất sắc.

Hội nghị Khoa học và Công nghệ tuổi trẻ ngành Y tế lần thứ XX diễn ra từ ngày 25-27/11 tại Hà Nội, có sự tham gia của các học viện, trường đại học, cao đẳng Y, Dược, bệnh viện trên toàn quốc với quy mô 180 công trình khoa học được lựa chọn báo cáo và trao 100 giải thưởng chính thức.

Hội nghị Khoa học và Công nghệ tuổi trẻ ngành Y tế lần thứ XX lần này có nhiều điểm mới nổi bật như các báo cáo khoa học tiếng Anh và báo cáo video kỹ thuật.

Với quy mô 39 đơn vị đăng ký dự thi với tổng số 315 báo cáo, trong đó có 247 báo cáo khoa học, 68 báo cáo kĩ thuật thuộc 24 chuyên ngành chính và một số chuyên ngành khác. Có 24 báo cáo khoa học tiếng anh thuộc 11 chuyên ngành chính và 1 số chuyên ngành khác. Ban tổ chức đã trao 26 giải xuất sắc, 29 giải Nhất, 58 giải Nhì, 58 giải Ba và 139 giải khuyến khích cho các báo cáo viên.

Nguồn: Suckhoedoisong.vn


Thăm dò ý kiến