Công bố Lệnh của Chủ tịch nước về Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp

16/06/2025 | 22:22 PM

 | 

 

Chiều 16/6, tại Phủ Chủ tịch, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp và Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung Điều 10 của Pháp lệnh Dân số, đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV thông qua.

Công bố Lệnh của Chủ tịch nước về Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp- Ảnh 1.

Họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp và Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung Điều 10 của Pháp lệnh Dân số - Ảnh: VGP/Đức Tuân

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà; Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long; Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Văn Hiển chủ trì họp báo.

Tạo nền tảng để kiến tạo nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng

Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam gồm 2 điều. Trong đó, Điều 1 sửa đổi, bổ sung 5 điều, khoản của Hiến pháp hiện hành (gồm Điều 9, Điều 10, khoản 1 Điều 84, Điều 110 và Điều 111); Điều 2 quy định về hiệu lực thi hành của Nghị quyết, kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện và điều khoản chuyển tiếp. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày được thông qua (16/6/2025).

Nghị quyết nêu rõ: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam là các tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của thành viên, hội viên tổ chức mình; được tổ chức và hoạt động thống nhất trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; cùng với các tổ chức thành viên khác của Mặt trận hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì.

Công bố Lệnh của Chủ tịch nước về Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp- Ảnh 2.

Ảnh: VGP/Đức Tuân

Theo Nghị quyết, các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được tổ chức thành hai cấp, gồm tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do luật định. Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Quốc hội thành lập.

Việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính phải lấy ý kiến nhân dân địa phương và theo trình tự, thủ tục do Quốc hội quy định.

Chính quyền địa phương được tổ chức ở các đơn vị hành chính. Cấp chính quyền địa phương gồm có Hội đồng nhân dân (HĐND) và Ủy ban nhân dân (UBND) được tổ chức ở đơn vị hành chính phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo do Quốc hội quy định.

Chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Quốc hội quy định khi thành lập đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt đó.

Nghị quyết nêu rõ: Kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện trong cả nước từ ngày 1/7/2025.

Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được Quốc hội thông qua đã đánh dấu khởi đầu cho cuộc cải cách sâu sắc về thể chế, thể hiện tư duy đổi mới có tính cách mạng trong tổ chức hệ thống chính trị và quản trị quốc gia, là cơ sở hiến định cho việc thực hiện thắng lợi chủ trương của Đảng và Nhà nước về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tạo nền tảng để kiến tạo một nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, người dân hạnh phúc, yên vui.

Thiết lập cơ sở pháp lý đầy đủ cho mô hình chính quyền địa phương ở đặc khu

Giới thiệu về Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long cho biết, Luật gồm 7 chương, 54 điều; có hiệu lực thi hành từ ngày được thông qua (16/6/2025).

Công bố Lệnh của Chủ tịch nước về Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp- Ảnh 3.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long cho biết, Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) gồm 7 chương, 54 điều; có hiệu lực thi hành từ ngày được thông qua (16/6/2025) - Ảnh: VGP/Đức Tuân

Luật đã thể hiện tư duy đổi mới nhằm hướng đến quản trị địa phương hiện đại, kiến tạo phát triển, tháo gỡ những điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực, đáp ứng mục tiêu tăng trưởng nhanh, bền vững của các địa phương nói riêng và cả nước nói chung trong kỷ nguyên mới của đất nước.

Việc Quốc hội thông qua Luật này còn mang ý nghĩa lịch sử, tạo nền tảng pháp lý vững chắc cho tổ chức, hoạt động của chính quyền địa phương theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp lần đầu tiên được tổ chức ở nước ta.

Về phân định đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính, Luật xác lập mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp (cấp tỉnh và cấp xã) thống nhất trong cả nước; đồng thời thiết lập cơ sở pháp lý đầy đủ cho mô hình chính quyền địa phương ở đặc khu; hoàn thiện các quy định về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương bảo đảm tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, gần dân, sát dân, phục vụ nhân dân tốt hơn, thực hiện triệt để nguyên tắc "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm", phát huy tính chủ động, sáng tạo, tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương; bảo đảm việc thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương.

Đặc biệt, Luật đã trao quyền cho Chủ tịch UBND cấp tỉnh trong trường hợp cần thiết được trực tiếp chỉ đạo, điều hành việc giải quyết những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc cấp mình và của UBND, Chủ tịch UBND cấp xã, không để việc giải quyết công việc, thủ tục hành chính đối với người dân, doanh nghiệp bị đình trệ, ùn tắc, kém hiệu quả.

Trên cơ sở các nguyên tắc phân định thẩm quyền, đã thiết kế lại toàn diện nhiệm vụ và quyền hạn của chính quyền địa phương 2 cấp (cấp tỉnh và cấp xã), bảo đảm phân định rõ, không trùng lắp, chồng chéo về nhiệm vụ, thẩm quyền của từng cấp chính quyền, phù hợp với mô hình quản trị địa phương hiện đại; đồng thời, tạo cơ sở pháp lý để các luật chuyên ngành căn cứ vào các quy định của Luật này để quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp tỉnh, cấp xã trong các lĩnh vực chuyên ngành...

Việc chuyển đổi từ mô hình chính quyền địa phương 3 cấp sang 2 cấp là một bước cải cách quan trọng và có tính chất lịch sử. Để bảo đảm sự liên tục, thông suốt và ổn định trong quá trình chuyển đổi này, Luật đã quy định đầy đủ, bao quát và có tính đến các vấn đề có thể phát sinh trong thực tiễn, từ việc tổ chức bộ máy, nhân sự cho đến quy trình xử lý hành chính và cơ chế hoạt động.

Theo đó, Luật Quy định chuyển tiếp đối với các phường thuộc thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Đà Nẵng thực hiện mô hình chính quyền đô thị (hiện nay chỉ tổ chức UBND, không tổ chức HĐND) sang mô hình tổ chức cấp chính quyền địa phương (có đầy đủ HĐND và UBND) được vận hành thông suốt, hiệu quả kể từ ngày 1/7/2025. Quy định 10 nội dung chuyển tiếp nhằm bảo đảm hoạt động liên tục, bình thường của các cơ quan, tổ chức, đơn vị mới khi chuyển đổi mô hình tổ chức chính quyền địa phương 3 cấp thành 2 cấp và đẩy mạnh phân quyền, phân cấp theo quy định tại Luật này, bảo đảm không làm gián đoạn công việc, không ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của xã hội, người dân, doanh nghiệp.

Trong đó, để kịp thời thực hiện tổ chức chính quyền địa phương cấp tỉnh, cấp xã theo mô hình mới, giao Chính phủ ban hành văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền phân định lại nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương và điều chỉnh các quy định khác có liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương để thống nhất áp dụng trong thời gian chưa sửa đổi, bổ sung các luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và định kỳ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội; trường hợp liên quan đến luật, nghị quyết của Quốc hội thì báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Đặc biệt, để kịp thời xử lý những tình huống phát sinh, đột xuất mà chưa có trong quy định của pháp luật, Luật đã thiết lập cơ chế linh hoạt, chủ động theo hướng cho phép Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, HĐND, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm xem xét, ban hành văn bản hoặc ủy quyền ban hành văn bản để giải quyết các vấn đề phát sinh khi tổ chức chính quyền địa phương cấp tỉnh và cấp xã theo quy định tại Luật này.

Công bố Lệnh của Chủ tịch nước về Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp- Ảnh 4.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương giới thiệu về Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung Điều 10 của Pháp lệnh Dân số - Ảnh: VGP/Đức Tuân

Khắc phục tình trạng chênh lệch đáng kể mức sinh

Giới thiệu về Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung Điều 10 của Pháp lệnh Dân số, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, việc xây dựng Pháp lệnh này tạo cơ sở pháp lý thể chế hóa các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng về công tác dân số, trong đó chú trọng về mức sinh; quy định quyền nghĩa vụ của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân trong việc sinh con, bảo đảm quyền con người, quyền cơ bản của công dân, bình đẳng giới trong thực hiện công tác dân số, góp phần duy trì vững chắc mức sinh thay thế trên phạm vi cả nước, khắc phục tình trạng chênh lệch đáng kể mức sinh giữa các vùng, đối tượng.

Quan điểm xây dựng Pháp lệnh là bảo đảm thống nhất giữa quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, góp phần thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về công tác dân số trong tình hình mới. Bảo đảm đồng bộ trong hệ thống chính sách, pháp luật hiện hành; bảo đảm thực hiện các quyền con người, quyền cơ bản của công dân; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tố chức, cá nhân trong lĩnh vực dân số và phát triển. Đồng thời phù hợp với cam kết quốc tế trong xử lý các vấn đề dân số, đặc biệt về mức sinh, phù hợp với xu thế của thời đại; bảo đảm tính khả thi, phù hợp với các giá trị văn hóa dân tộc và con người Việt Nam.

Theo đó, Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung Điều 10 của Pháp lệnh Dân số về quyền và nghĩa vụ của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân trong việc thực hiện kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản: Quyết định về thời gian sinh con, số con và khoảng cách giữa các lần sinh phù hợp với lứa tuổi, tình trạng sức khỏe, điều kiện học tập, lao động, công tác, thu nhập và nuôi dạy con của cặp vợ chồng, cá nhân trên cơ sở bình đẳng. Bảo vệ sức khỏe, thực hiện các biện pháp phòng ngừa bệnh nhiễm khuẩn đường sinh sản, bệnh lây truyền qua đường tình dục, HIV/AIDS và thực hiện các biện pháp khác liên quan đến chăm sóc sức khỏe sinh sản.

Pháp lệnh được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua tại Phiên họp thứ 46 ngày 3/6/2025.

Nguồn: Chinhphu.vn


Xuất bản thông tin Xuất bản thông tin

Sốt xuất huyết đã không còn theo chu kỳ, chuyên gia cảnh báo không thể chủ quan

16/06/2025 | 11:03 AM

 | 

 

Sốt xuất huyết Dengue đang có xu hướng gia tăng và diễn biến khó lường, đòi hỏi sự chung tay của toàn xã hội để chủ động phòng ngừa, giảm thiểu biến chứng và hướng tới mục tiêu không còn ca tử vong vào năm 2030 của Tổ chức Y tế thế giới.

Chia sẻ với báo chí về dịch sốt xuất huyết tại Việt Nam bên lề Tọa đàm trực tuyến "Hướng tới không còn ca tử vong do sốt xuất huyết: Hiệu lực phòng bệnh bằng giải pháp tích hợp" do Báo Sức khỏe và Đời sống và Công ty TNHH Dược phẩm Takeda Việt Nam tổ chức, giới chuyên gia cảnh báo, nếu không triển khai quyết liệt các biện pháp phòng ngừa, dịch bệnh có thể bùng phát mạnh trong thời gian tới, gây ra gánh nặng lớn cho hệ thống.

Sốt xuất huyết đã không còn theo chu kỳ, chuyên gia cảnh báo không thể chủ quan- Ảnh 1.Các đại biểu tham gia Tọa đàm trực tuyến "Hướng tới không còn ca tử vong do sốt xuất huyết: Hiệu lực phòng bệnh bằng giải pháp tích hợp".

Sốt xuất huyết nằm trong nhóm 10 mối đe dọa y tế toàn cầu hàng đầu

Tổ chức Y tế thế giới xếp sốt xuất huyết vào nhóm 10 mối đe dọa y tế toàn cầu hàng đầu, với khoảng 3,9 tỷ người sống trong vùng nguy cơ.

PGS.TS Phạm Quang Thái, Phó Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho hay, nhìn vào bức tranh toàn cầu, tính đến giữa năm 2025, dù chưa vào cao điểm mùa dịch, thế giới đã ghi nhận tới 3 triệu ca mắc sốt xuất huyết, trong đó có khoảng 1.000 ca tử vong.

"Tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Việt Nam nằm trong nhóm quốc gia có tỷ lệ lưu hành cao nhất. Trên bản đồ dịch tễ, Việt Nam là một vùng đỏ đậm, thể hiện mức độ lưu hành cao và đóng góp đáng kể vào tổng số ca bệnh trong khu vực"- chuyên gia dịch tễ nhấn mạnh.

Hiện nay, Việt Nam đã ghi nhận hơn 22.000 ca mắc sốt xuất huyết và 5 ca tử vong. So với cùng kỳ 2024, số mắc sốt xuất huyết trong 5 tháng năm 2025 giảm 2,4%, tuy nhiên số tử vong lại tăng 1 ca. Những năm gần đây, sốt xuất huyết tại Việt Nam diễn biến phức tạp, luôn thuộc nhóm nước có số mắc cao, phạm vi dịch lan rộng, trải khắp 3 miền. Trong đó miền Nam nhiều năm liền là tâm dịch cả nước, năm 2024 số ca sốt xuất huyết tại miền Nam chiếm 41% cả nước.

Riêng tại TP HCM, 5 tháng năm 2025, số ca mắc tăng 134% so với cùng kỳ, số ca nặng chiếm 1,5%, dịch có xu hướng lan rộng cả trong mùa khô do biến đổi khí hậu, hạn mặn và tích trữ nước. Tại Tây Nguyên và miền Trung, SXH cũng gia tăng hơn hẳn so với trước kia. Năm nay riêng Khánh Hòa đã ghi nhận trên 1.600 ca mắc ở 74 ổ dịch

"So với những năm trước, số ca mắc hiện tại chưa cao, nhưng không thể chủ quan. Mùa mưa mới bắt đầu, nếu không có biện pháp phòng chống quyết liệt, số ca bệnh sẽ tăng rất nhanh"- chuyên gia cảnh báo.

Mặc dù tỷ lệ tử vong hiện tại thấp, nhưng số lượng bệnh nhân nhập viện gia tăng sẽ đẩy hệ thống y tế vào tình trạng quá tải. Với số lượng ca nhập viện lớn, các ca nặng và nguy kịch có thể chiếm tới 20%. Khi đó, mọi nỗ lực điều trị sẽ bị áp lực rất lớn.

Chuyên gia cũng dẫn thông tin bài học từ các quốc gia như Brazil cho thấy, khi số ca mắc vượt mốc 1 triệu - 3 triệu, số ca tử vong có thể tăng lên hàng ngàn, bất chấp hệ thống y tế không yếu kém. Do đó, mục tiêu "không có tử vong do sốt xuất huyết" chỉ khả thi nếu kiểm soát được số ca mắc ngay từ đầu.

Năm 2017 ghi nhận đỉnh dịch với số ca mắc cao kỷ lục. Từ sau năm 2017, dịch sốt xuất huyết tại Việt Nam có xu hướng không theo chu kỳ ổn định. Mỗi năm đều có nguy cơ cao, bất kể năm trước đó có bùng phát hay không. Sau đó, dù có dấu hiệu giảm nhẹ trong năm 2018, số ca lại tăng mạnh từ nửa cuối 2019 và duy trì ở mức cao các năm 2020, 2022 và 2023.

"Riêng 2024 có hơn 140.000 ca, chỉ giảm nhẹ so với năm đỉnh dịch. Điều này cho thấy sốt xuất huyết đang xuất hiện quanh năm, diễn biến phức tạp, không còn tuân theo quy luật cũ. Do đó, cần triển khai đồng bộ các giải pháp như giám sát chủ động, cảnh báo sớm, kiểm soát muỗi truyền bệnh và đẩy mạnh tiêm chủng"- chuyên gia nhấn mạnh.

Sốt xuất huyết đã không còn theo chu kỳ, chuyên gia cảnh báo không thể chủ quan- Ảnh 2.

Hiện nay, Việt Nam đã ghi nhận hơn 22.000 ca mắc sốt xuất huyết và 5 ca tử vong. So với cùng kỳ 2024, số mắc sốt xuất huyết trong 5 tháng năm 2025 giảm 2,4%, tuy nhiên số tử vong lại tăng 1 ca.

Dự báo tình hình dịch năm 2025, PGS Thái cho rằng điều này phụ thuộc rất nhiều vào ý thức của người dân, hành động của chính quyền địa phương và năng lực dự báo, giám sát tại chỗ.

Mặc dù ngành Y tế và chính quyền địa phương đã liên tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân phòng chống sốt xuất huyết, nhưng trên thực tế, tâm lý chủ quan, lơ là vẫn diễn ra ở nhiều nơi.

Vẫn có trường hợp mắc sốt xuất huyết chủ quan, đến bệnh viện muộn khi đã suy đa tạng, nguy hiểm tính mạng

PGS.TS Đỗ Duy Cường, Viện trưởng Viện Y học nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ, nhiều người dân vẫn chủ quan, nghĩ rằng sốt xuất huyết chỉ nguy hiểm khi sốt cao hoặc xuất huyết, từ đó trì hoãn việc kiểm tra, điều trị tại bệnh viện.

Thế nhưng trên thực tế, tiểu cầu hạ rất thấp mới xuất huyết. Có những trường hợp không có triệu chứng rõ ràng, đến viện muộn khi đã sốc, suy đa tạng - giai đoạn có thể dẫn đến tử vong.

Trong khi, nếu được phát hiện và điều trị sớm, bệnh hoàn toàn có thể cứu chữa. Đã có trường hợp nam sinh viên 19 tuổi tại Hà Nội tử vong do sốt xuất huyết vì chủ quan, sốt cao nhiều ngày nhưng không đến viện kịp thời.

"Sốt xuất huyết có thể cứu chữa nếu được phát hiện, điều trị sớm. Là bác sĩ và cũng từng mắc sốt xuất huyết, tôi hiểu rõ gánh nặng và biến chứng mà bệnh gây ra. Hiện nay, tiêm chủng là giải phòng bệnh chủ động"- PGS.TS Đỗ Duy Cường nhấn mạnh.

Cũng trong buổi tọa đàm trên, từ góc độ cơ quan quản lý, ThS.BS Võ Hải Sơn - Phó Cục trưởng Cục Phòng bệnh (Bộ Y tế) khẳng định, trong phòng chống sốt xuất huyết, không lực lượng nào có thể đơn độc giải quyết mà cần triển khai đồng bộ với phối hợp chặt chẽ giữa Nhà nước, doanh nghiệp, truyền thông và người dân.

Trong đó, theo ThS Võ Hải Sơn, cộng đồng chính là tuyến đầu trong việc phát hiện sớm, xử lý ổ dịch tại chỗ, nhất là tại các khu vực có nguy cơ cao.

"Chỉ khi tất cả lực lượng cùng hành động đồng bộ, bền bỉ, chiến lược kiểm soát dịch mới thực sự phát huy hiệu quả lâu dài, hướng tới mục tiêu không còn ca tử vong do sốt xuất huyết vào năm 2030 theo mục tiêu Tổ chức Y tế thế giới"- Phó Cục trưởng Võ Hải Sơn nhấn mạnh.

Các chuyên gia khuyến cáo người dân phòng bệnh bằng cách tăng cường diệt muỗi, loăng quăng, ngủ màn tránh muỗi đốt.

Khi vào giai đoạn giảm tiểu cầu trong sốt xuất huyết, người bệnh cần được theo dõi sát các dấu hiệu chảy máu như chảy máu cam, chân răng, xuất huyết dưới da, hoặc có những dấu hiệu nguy hiểm như đau bụng nhiều, nôn liên tục, lừ đừ, tiểu ít. Nên uống nhiều nước, ăn thức ăn lỏng dễ tiêu, nghỉ ngơi tuyệt đối và tránh vận động mạnh.

Không tự ý dùng thuốc hạ sốt chứa Aspirin, Ibuprofen hoặc các loại thuốc, thực phẩm chức năng không được bác sĩ kê. Nên theo dõi công thức máu thường xuyên nếu có thể.

Nếu xuất hiện biểu hiện chảy máu nặng, vật vã, lừ đừ, tiểu ít hoặc không tỉnh táo, cần đưa người bệnh đến bệnh viện ngay.

Sốt xuất huyết đã không còn theo chu kỳ, chuyên gia cảnh báo không thể chủ quan- Ảnh 3.

Tạo miễn dịch chủ động phòng chống sốt xuất huyết bằng vắc xin là một biện pháp giúp phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh, giảm nguy cơ nhập viện và bệnh nặng.

Ngoài ra, tạo miễn dịch chủ động bằng vắc xin là một biện pháp giúp phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh, giảm nguy cơ nhập viện và bệnh nặng. Vắc xin sốt xuất huyết được Bộ Y tế cấp phép lưu hành hồi tháng 5/2024.

Gần đây, Việt Nam đã bắt đầu triển khai tiêm chủng vắc xin sốt xuất huyết thế hệ mới. Đây là vắc xin sống giảm độc lực, hoạt động theo cơ chế bắt chước virus thật để kích hoạt miễn dịch tự nhiên.

Được biết, hiện nay vắc xin phòng sốt xuất huyết này đã được Tổ chức Y tế thế giới khuyến nghị sử dụng tại các quốc gia có gánh nặng bệnh cao.

Loại vắc xin này đã được phê duyệt tại hơn 40 quốc gia, với hơn 15 triệu liều đã được phân phối. Các nghiên cứu lâm sàng cho thấy, vắc xin có khả năng giảm đáng kể nguy cơ mắc sốt xuất huyết nặng và tử vong, kể cả đối với những người chưa từng mắc.

Hôm nay - (15/6) là ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết. Đây là dịp để nhắc nhở cộng đồng, đừng thờ ơ, đừng chủ quan, đừng để "chuyện muỗi" trở thành chuyện chết người. Hành động từ hôm nay không chỉ bảo vệ chính bạn và gia đình mà còn góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng, xây dựng một Việt Nam an toàn hơn trước dịch bệnh nguy hiểm này.

Nguồn: Suckhoedoisong.vn


Thăm dò ý kiến