Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống đái tháo đường và ngày toàn dân mua và sử dụng muối i-ốt

09/11/2024 | 09:57 AM

 | 

 

Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống đái tháo đường 14/11 và ngày toàn dân mua và sử dụng muối i-ốt 2/11

Sáng ngày 08/11/2024, tại Lào Cai, Bộ Y tế đã tổ chức Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống đái tháo đường 14/11 và ngày toàn dân mua và sử dụng muối i-ốt 02/11. Tham dự buổi lễ có Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, bà Giàng Thị Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai, đại diện một số Vụ, Cục, đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế, Sở Y tế Lào Cai và các cơ quan liên quan.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn phát biểu tại buổi lễ

Phát biểu tại buổi lễ Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống đái tháo đường 14 tháng 11 và ngày toàn dân mua và sử dụng muối i-ốt ngày 02 tháng 11 là một dịp ý nghĩa, là cơ hội để cùng nhìn nhận, đánh giá tình hình thực tế về các bệnh không lây nhiễm, đặc biệt là bệnh đái tháo đường, cũng như nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bổ sung vi chất cần thiết, đặc biệt là i-ốt trong chế độ dinh dưỡng của người dân.

Bệnh đái tháo đường là một trong những bệnh mạn tính phổ biến nhất trên thế giới, đang gia tăng nhanh chóng và trở thành một vấn đề sức khỏe chung của cộng đồng cần đặc biệt quan tâm. Theo số liệu của Liên đoàn đái tháo đường thế giới, năm 2021 số người mắc bệnh đái tháo đường trên toàn cầu ở con số 537 triệu người. Dự đoán số người mắc bệnh sẽ tăng lên 643 triệu vào năm 2030 và tới mức 783 triệu vào năm 2045. Thống kê cho thấy trên 70% người mắc đái tháo đường đang sống ở các nước thu nhập thấp và trung bình do sự tăng lên nhanh chóng của việc tiêu thụ thực phẩm giàu năng lượng, lối sống ít vận động. Tỉ lệ người béo phì ngày càng tăng trong khi lứa tuổi mắc bệnh đái tháo đường ngày càng trẻ hóa thực sự đáng báo động.

Theo số liệu điều tra tại Việt Nam năm 2020, tỉ lệ mắc bệnh đái tháo đường là 7,3%, xấp xỉ con số 7 triệu người mắc trên cả nước, đồng nghĩa là khoảng 13 người trong chúng ta thì có một người mắc đái tháo đường, trong đó có 55% bệnh nhân đái tháo đường típ 2 đã xuất hiện biến chứng về tim mạch, về mắt, thần kinh và về thận. Biến chứng đái tháo đường không chỉ làm gia tăng chi phí y tế mà còn làm giảm chất lượng cuộc sống.

Ngày Thế giới phòng, chống đái tháo đường được Liên đoàn phòng, chống đái tháo đường và Tổ chức Y tế thế giới đề xuất vào năm 1991. Mỗi năm có một chủ đề nổi bật được chọn, và vấn đề trọng tâm năm nay là đái tháo đường và sự khoẻ mạnh toàn diện. Đây là hướng tiếp cận toàn diện, chú trọng vào đầy đủ các khía cạnh về sức khoẻ của người bệnh, không chỉ là sức khoẻ thể chất, sức khoẻ tinh thần mà còn cả các yếu tố xã hội, đó là người bệnh cần cảm thấy được sự đồng cảm và hỗ trợ từ gia đình, cộng đồng và toàn xã hội. Cần hướng đến một môi trường hỗ trợ toàn diện cho người bệnh, điều này không chỉ giúp việc quản lý, kiểm soát bệnh tật tốt hơn mà còn hỗ trợ cho người bệnh có một cuộc sống lành mạnh, hạnh phúc và cân bằng hơn.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, bệnh đái tháo đường hoàn toàn có thể dự phòng được nếu như mọi người chú ý và quan tâm hơn nữa đến những hành động nhỏ nhưng vô cùng ý nghĩa sau:

1. Tập thể dục thường xuyên, ăn uống lành mạnh: Giúp duy trì cân nặng, thể lực, giảm huyết áp và nguy cơ mắc các bệnh mạn tính;

2. Theo dõi, kiểm soát lượng đường máu: Việc này rất cần thiết, đặc biệt là với những người có yếu tố nguy cơ và đang được điều trị;

3. Kiểm soát các yếu tố nguy cơ: Tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, tình trạng thừa cân béo phì là các yếu tố cần được quan tâm hàng đầu;

4. Kiểm tra sức khỏe định kỳ, điều trị bệnh đái tháo đường ngay khi được chẩn đoán tuân thủ phác đồ theo hướng dẫn.

Cũng theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn i-ốt là một vi chất hết sức cần thiết cho cuộc sống của mọi người, đặc biệt là sự phát triển trí tuệ và thể chất. Nhóm đối tượng dễ bị mắc các rối loạn thiếu i-ốt nhất là phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và trẻ sơ sinh. Thiếu i-ốt khi mẹ mang thai có nguy cơ bị suy giảm phát triển của hệ thần kinh không thể hồi phục đối với con. Nhóm nhạy cảm khác là phụ nữ cho con bú, vì đây có thể là nguồn cung cấp i-ốt duy nhất cho trẻ sơ sinh. Thiếu i-ốt không chỉ gây bệnh bướu cổ mà còn làm suy giảm trí thông minh, khiếm khuyết cơ thể, giảm năng suất lao động và gây ra rất nhiều căn bệnh khác để lại hậu quả lâu dài, ảnh hưởng đến chất lượng của giống nòi.

Từ cách đây 30 năm, Đảng, Nhà nước ta đã quan tâm, tổ chức và vận động toàn dân ăn muối i-ốt và lấy ngày 02/11 hàng năm làm ngày phát động toàn thể nhân dân cùng hưởng ứng. Hiện nay trên khắp các vùng tổ quốc, ngoài muối i-ốt đã có rất nhiều loại gia vị mặn phong phú được bổ sung i-ốt an toàn như bột canh i-ốt, hạt nêm i-ốt và các thực phẩm khác để phục vụ nhu cầu đa dạng đối với bữa ăn của mọi gia đình và người dân.

Giai đoạn vừa qua, một số ý kiến cho rằng quy định toàn dân sử dụng muối i-ốt tại Việt Nam sẽ dẫn đến nguy cơ cường giáp hoặc bệnh lý khác cho người thừa i-ốt. Bộ Y tế khẳng định đây là quan niệm sai lầm. Theo báo cáo của Bệnh viện Nội tiết Trung ương và Viện Dinh dưỡng Quốc gia, hiện nay Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp bệnh nhân thừa i-ốt. Theo báo cáo năm 2021 của Mạng Lưới Toàn cầu về phòng, chống các rối loạn do thiếu i-ốt, Việt Nam vẫn đang nằm trong nhóm 26 nước còn lại trên thế giới bị thiếu i-ốt. Do đó, WHO, UNICEF, Mạng lưới i-ốt toàn cầu, HealthBridge Canada, Bộ Y tế và các chuyên gia bảo vệ sức khỏe đều khuyến cáo mạnh mẽ cần giữ nguyên các quy định bắt buộc tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm, đặc biệt là i-ốt.

Để bảo vệ sức khỏe dâu dài, hãy dành mối quan tâm, thực hiện thường xuyên việc bổ sung i-ốt trong bữa ăn hàng ngày. Quyết tâm không để xảy ra tình trạng các bệnh tật do thiếu i-ốt tái diễn trong cộng đồng như nhiều thập kỷ trước đây, vì sức khỏe và sự phát triển giống nòi của con người Việt Nam.

 Bà Giàng Thị Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai phát biểu tại buổi lễ

Tại buổi lễ, bà Giàng Thị Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai mong muốn tất cả người dân địa phương hòa nhịp cùng dòng chảy của cộng đồng Quốc tế, của Quốc gia và tất cả các địa phương trên toàn quốc thể hiện sự quyết tâm nhằm ngăn chặn sự phát triển của bệnh đái tháo đường và các tác hại do thiếu i-ốt, nhằm đảm bảo sức khỏe của mỗi người dân và toàn xã hội. Thay mặt lãnh đạo UBND tỉnh Lào Cai, bà Giàng Thị Dung kêu gọi sự ủng hộ của các cấp chính quyền, các ban ngành, đoàn thể, các tổ chức Quốc tế, các doanh nghiệp, các đơn vị y tế trong và ngoài công lập và toàn thể cộng đồng hãy quan tâm hơn nữa, hỗ trợ hơn nữa, cùng nhau chung sức đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong hoạt động phòng chống bệnh đái tháo đường và các rối loạn do thiếu i-ốt.

Các đại biểu tham dự buổi lễ

Hội thảo khoa học cập nhật các giải pháp nâng cao chất lượng chăm sóc, điều trị các bệnh nội tiết, đái tháo đường và rối loạn chuyển hóa hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống đái tháo đường 14/11 và ngày toàn dân mua và sử dụng muối i-ốt ngày 02/11 diễn ra trong hai ngày 07/11/2024 và 08/11/2024 tại Lào Cai. Dự hội thảo có 250 đại biểu của Hội Nội tiết - Đái tháo đường Việt Nam; Sở Y tế Lào Cai, Bệnh viện Nội tiết Trung ương và Bệnh viện Nội tiết một số tỉnh trên cả nước. Hội thảo là cơ hội để các bác sĩ chuyên ngành nội tiết được gặp gỡ, học tập, chia sẻ kinh nghiệm cùng các chuyên gia về lĩnh vực nội tiết trong cả nước./.

 

 


Xuất bản thông tin Xuất bản thông tin

TP.HCM: Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết Dengue tăng nhanh ở các bệnh viện

25/06/2022 | 22:09 PM

 | 

Sở Y tế TP.HCM cho hay, báo cáo nhanh từ 4 bệnh viện tuyến cuối điều trị sốt xuất huyết Dengue của thành phố cho thấy, các ca bệnh nhập viện điều trị đang gia tăng.

Ngày 24/6, Sở Y tế TP.HCM cho biết, báo cáo nhanh từ 4 bệnh viện tuyến cuối điều trị sốt xuất huyết Dengue của thành phố cho thấy, các ca bệnh nhập viện điều trị đang gia tăng.

Đến nay, TP.HCM có 626 trường hợp đang nằm điều trị nội trú với 82 trường hợp sốt xuất huyết Dengue nặng, 50% số bệnh nhân nặng là do các bệnh viện tỉnh chuyển đến do quá khả năng điều trị.

Cụ thể, Bệnh viện Nhi Đồng 2 hiện có 74 bệnh nhi, trong đó có 8 trường hợp sốt xuất huyết nặng. Tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố có 89 bệnh nhi, 21 trường hợp bệnh nặng, bao gồm 3 ca đang thở máy. Tại Bệnh viện Nhi đồng 1 có 90 bệnh nhi bị sốt xuất huyết Dengue, 8 ca nặng trong đó có 2 ca đang thở máy.

Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM hiện đang điều trị cho 373 trường hợp sốt xuất huyết Dengue (264 người lớn và 109 trẻ em), chiếm 56% các trường hợp đang điều trị nội trú của bệnh viện; có 45 trường hợp sốt xuất huyết Dengue nặng, trong đó 3 ca thở máy và 1 ca lọc máu.

TP.HCM: Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết Dengue tăng nhanh ở các bệnh viện - Ảnh 1.

Một bệnh nhân mắc sốt xuất huyết nặng phải lọc máu ở khoa Hồi sức tích cực chống độc người lớn ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM.

Theo số liệu báo cáo của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), trong tuần vừa rồi TP.HCM ghi nhận có 2.181 ca bệnh sốt xuất huyết (gồm 1.182 ca nội trú và 999 ca ngoại trú), tăng 38,5% so với trung bình 4 tuần trước (1.575 ca), số ca nội trú tăng 25,9% và ngoại trú tăng 57,1%.

Số ca mắc tích lũy đến tuần 24 là 16.057 ca, tăng 117,3%. Số ca sốt xuất huyết nặng tích luỹ đến tuần 24 là 274 ca, như vậy tỷ lệ ca nặng trên tổng số ca mắc sốt xuất huyết đến là 1,7%, tăng hơn 4 lần so với cùng kỳ năm 2021 (là 0,4%).

Trong tuần ghi nhận 1 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết. Tổng số ca sốt xuất huyết tử vong đến nay là 9 ca. Bao gồm 2 ca ở Bình Chánh, 3 ca ở Củ Chi, 1 ca ở Bình Tân, 1 ca ở Quận 11, 1 ca ở huyện Hóc Môn và 1 ca ở TP. Thủ Đức, tăng 7 ca so với cùng kỳ năm 2021.

Sở Y tế TP.HCM cho hay, bệnh sốt xuất huyết Dengue có biểu hiện lâm sàng rất đa dạng từ người này sang người khác, có thể từ nhẹ chỉ sốt vài ngày rồi hết đến rất nặng và có thể tử vong. Đa số trường hợp bệnh nhân đều tự hồi phục, khỏe mạnh. Tuy nhiên, khi bệnh nhân diễn tiến thành thể sốt xuất huyết Dengue nặng có biến chứng, nếu không được theo dõi và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến tử vong.

Cũng theo Sở Y tế TP.HCM, hiện nay sốt xuất huyết đang dần vào cao điểm mùa dịch, số mắc liên tục tăng cao. Sở Y tế TP.HCM khuyến cáo các phòng khám tư nhân, các tuyến điều trị tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn chẩn đoán, điều trị, theo dõi chuyển tuyến kịp thời, an toàn các trường hợp mắc sốt xuất huyết Dengue.

Ngành y tế cảnh báo, sốt xuất huyết là bệnh có thể phòng ngừa. Cách phòng bệnh tốt nhất là diệt muỗi, lăng quăng và phòng chống muỗi đốt. Để thực hiện hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, mỗi người dân, mỗi hộ gia đình, mỗi cơ quan, xí nghiệp, trường học,… tích cực và nghiêm túc triển khai các biện pháp phòng chống dịch sốt xuất huyết Dengue. Ban chỉ đạo phòng, chống dịch các địa phương cần quyết liệt hơn nữa trong chỉ đạo, kiểm tra, giám sát công tác tuyên truyền và phát động chiến dịch vệ sinh môi trường phòng chống dịch sốt xuất huyết Dengue.

Sốt xuất huyết Dengue là bệnh nhiễm cấp tính do virus Dengue. Tại Việt Nam, bệnh xảy ra quanh năm và gia tăng vào mùa mưa. Bệnh xảy ra ở cả người lớn và trẻ em. Bệnh lây truyền từ người này sang người khác thông qua muỗi vằn (Aedes aegypti & albopictus). Muỗi vằn cái đốt người vào ban ngày, hoạt động mạnh nhất vào sáng sớm và chiều tối. Muỗi vằn thường trú đậu ở các góc/xó tối trong nhà, trên quần áo, chăn màn, dây phơi và các đồ dùng trong nhà.

Muỗi vằn đẻ trứng, sinh sản ở các ao, vũng nước hoặc các dụng cụ chứa nước sạch ở trong và xung quanh nhà như bể nước, chum, vại, lu, khạp, giếng nước, hốc cây... các đồ vật hoặc đồ phế thải có chứa nước như lọ hoa, bát nước kê chạn, lốp xe, vỏ dừa... Muỗi vằn phát triển mạnh vào mùa mưa, khi nhiệt độ trung bình hàng tháng vượt trên 20º C.

Nguồn: Suckhoedoisong.vn


Thăm dò ý kiến