Hội nghị phổ biến Chiến lược Quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá

09/06/2023 | 10:53 AM

 | 

Ngày 08/6/2023, tại Hà Nội, Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá – Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị phổ biến Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030. GS.TS. Trần Văn Thuấn, Uỷ viên thường trực Hội đồng Quản lý liên ngành Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá, Thứ trưởng Bộ Y tế chủ trì hội thảo.

Tham dự có dại diện một số Vụ, Cục thuộc Bộ Y tế; đại diện các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân các tỉnh/thành phố, đại diện các Sở Y tế, ban, ngành, bệnh viện, CDC các tỉnh/thành phố khu vực phía Bắc.

GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại hội nghị

Phát biểu khai mạc hội nghị, GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, theo Tổ chức Y tế thế giới, sử dụng thuốc lá là nguyên nhân gây ra hơn 8 triệu ca tử vong trên toàn cầu mỗi năm và là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp; làm tăng mức độ nghiêm trọng của các bệnh về đường hô hấp, đặc biệt là nguyên nhân hàng đầu gây ra các bệnh không lây nhiễm như ung thư, tim mạch, ước tính rằng mỗi năm gây ra 60.000 ca ung thư ở Việt Nam.

Hơn nữa, những người hút thuốc có nguy cơ mắc các biến chứng nghiêm trọng về sức khỏe cao hơn so với những người không hút thuốc. Bên cạnh tác hại về sức khỏe, sử dụng thuốc lá còn gây tổn thất về kinh tế đối với các cá nhân, gia đình và xã hội, các tổn thất này bao gồm chi tiêu cho hút thuốc, chi phí cho khám, điều trị bệnh liên quan đến hút thuốc, giảm sút, mất khả năng lao động vì ốm đau và tử vong sớm. Theo số liệu thống kê từ Bộ Y tế, Việt Nam vẫn nằm trong nhóm các nước có số người hút thuốc lá cao trên thế giới.

Những năm gần đây xuất hiện các sản phẩm được gọi là thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisa. Các sản phẩm này hiện nay chưa được phép nhập khẩu, kinh doanh và lưu hành tại thị trường trong nước, và đang có xu hướng gia tăng trong lứa tuổi học sinh, sinh viên.

Trong đó, công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tác hại thuốc lá hiện nay còn chưa được thực hiện thường xuyên; Dịch vụ hỗ trợ cai nghiện thuốc lá đã triển khai, nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu của công tác phòng, chống tác hại thuốc lá; Công tác phối hợp liên ngành trong phòng, chống tác hại thuốc lá còn hạn chế và chưa được quan tâm tại các cấp, các ngành; Thực trạng thuốc lá được bán tràn lan ở khắp mọi nơi, giá thuốc lá rẻ, thuế thuốc lá thấp cũng là nguyên nhân làm cho khả năng tiếp cận với các sản phẩm thuốc lá dễ dàng hơn đã làm giảm hiệu quả của các nỗ lực cai nghiện thuốc lá.

Trước những mối nguy hại từ thuốc lá, vào ngày 24/5/2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 568/QĐ-TTg ban hành Chiến lược Quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030 với các mục tiêu phù hợp với từng giai đoạn thực hiện và xây dựng những giải pháp mạnh mẽ, đồng bộ nhằm thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống tác hại thuốc lá. Từ đó, khẳng định mạnh mẽ cam kết của Chính phủ Việt Nam về việc tăng cường công tác phòng, chống tác hại thuốc lá cũng như định hướng các nhiệm vụ, kế hoạch cho công tác này thời gian tới.

PGS.TS.Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý, khám chữa bệnh phát biểu

Tại hội nghị, PGS.TS.Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý, khám chữa bệnh, Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá đã nêu mục tiêu của Chiến lược Quốc gia về phòng, chống tác hại thuốc lá đến năm 2030. Theo đó, cần giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá, tỷ lệ tiếp xúc thụ động với khói thuốc nhằm giảm bệnh tật và tử vong do sử dụng các sản phẩm do thuốc lá gây ra.

PGS.TS.Lương Ngọc Khuê cũng đưa ra những giải pháp triển khai trong Chiến lược với nhóm các giải pháp về hoàn thiện cơ chế chính sách, pháp luật về phòng, chống tác hại thuốc lá như: Cần xây dựng lộ trình tăng thuế đối với các sản phẩm thuốc lá đảm bảo đến năm 2030, mức thuế tỉ trọng trên giá bán lẻ theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới; Đề xuất ban hành quy định về ngăn ngừa các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha và các sản phẩm thuốc lá mới khác trong cộng đồng; Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền và phối hợp liên ngành đối với công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Đồng thời, cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và đổi mới hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông; Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, hoàn thiện hệ thống giám sát và kiện toàn, nâng cao năng lực, mạng lưới, phối hợp hợp tác quốc tế, chủ động, tích cực hội nhập và đẩy mạnh hợp tác với Tổ chức Y tế Thế giới cùng các tổ chức quốc tế và trong nước nghiên cứu, đánh giá, xây dựng chính sách trong công tác về phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Qua đó, để thực hiện tổ chức Chiến lược Thủ tướng đã phân công nhiệm vụ cụ thể đối với các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, Thành phố, các cơ quan liên quan, trong đó, Bộ Y tế được giao là đầu mối phối hợp với các Bộ, ngành, đoàn thể, các tổ chức thực hiện Chiến lược; Các Bộ, ngành, đoàn thể xây dựng kế hoạch thực hiện Chiến lược theo các chức năng, nhiệm vụ được phân công; UBND các tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương cần xây dựng kế hoạch thực hiện Chiến lược và chủ động tổ chức thực hiện Chiến lược trong thẩm quyền quản lý và các cơ quan truyền thông đại chúng chủ động, tích cực tham gia thực hiện Chiến lược theo nhiệm vụ được phân công.

Quang cảnh hội nghị

Tại hội nghị các đại biểu nghe và thảo luận một số nội dung như: Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá năm 2023; Báo cáo kết quả hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá giai đoạn năm 2021 – 2022; Các hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá trọng tâm năm 2023; Định hướng công tác truyền thông phòng, chống tác hại của thuốc lá năm 2023; Giám sát, đánh giá và viết báo cáo kết quả hoạt động phòng, chống tác hại thuốc lá./.


Xuất bản thông tin Xuất bản thông tin

Ung thư cổ tử cung - Tác động và cơ hội loại trừ

04/12/2024 | 16:12 PM

 | 

Ngày 04/12/2024 tại Hà Nội, tọa đàm về ung thư cổ tử cung đã được tổ chức với chủ đề “Ung thư Cổ tử cung - Tác động và cơ hội loại trừ”. GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội đồng Y khoa quốc gia dự và phát biểu tại tọa đàm.

 

Tham dự tọa đàm có GS.TS Nguyễn Viết Tiến, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, Phó Chủ tịch Tổng Hội Y học Việt Nam, Chủ tịch Hội Phụ sản Việt Nam; Ths Trần Thị Trang, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế; Ths.BS Đinh Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em; đại diện một số Vụ, Cục, đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế, các chuyên gia trong nước và quốc tế.

GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia phát biểu.

Phát biểu tại tọa đàm, GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia cho biết: Theo báo cáo Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế (GLOBOCAN) gánh nặng ung thư toàn cầu tiếp tục gia tăng đáng kể. Trên thế giới, năm 2022 ghi nhận gần 19,3 triệu ca mắc mới và 9,9 triệu ca tử vong do ung thư. Ung thư phổi và ung thư vú là hai loại ung thư phổ biến nhất, chiếm lần lượt 12.4% và 11.5% tổng số ca mắc mới. Bên cạnh đó, ung thư cổ tử cung đứng thứ 4 về số ca mắc mới ở nữ giới với 662.301 trường hợp tương đương 7% tổng số ca mắc mới ở nữ giới và 348.874 ca tử vong, tương đương 3.6% tổng số ca tử vong do ung thư.

Tại Việt Nam, ung thư cũng là một vấn đề sức khỏe lớn với 182.000 ca mắc mới và 120.000 ca tử vong trong năm 2022. Trong số này, ung thư cổ tử cung ghi nhận 4.612 ca mắc mới, chiếm 2,6% tổng số ca ung thư ở cả hai giới, và 2.571 ca tử vong, tương đương 2,1% tổng số ca tử vong do ung thư. Những số liệu này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao nhận thức và đẩy mạnh các chương trình sàng lọc, phòng ngừa, cũng như điều trị ung thư cổ tử cung tại Việt Nam.

Ung thư cổ tử cung là loại ung thư hoàn toàn có thể dự phòng được hoặc có thể sàng lọc phát hiện sớm với những biện pháp khá đơn giản, dễ thực hiện, hiệu quả để điều trị kịp thời. Ở Việt Nam, vaccine HPV đã bắt đầu được cung cấp dưới dạng vaccine dịch vụ từ năm 2009.

Đoàn chủ tọa.

Đối với sàng lọc ung thư cổ tử cung, Việt Nam đã có hệ thống sàng lọc từ tuyến y tế cơ sở nhưng còn nhiều khá nhiều bất cập. Việc triển khai các chương trình sàng lọc, phát hiện và điều trị các tổn thương sớm ở cổ tử cung còn tản mạn, mới chỉ ở cấp độ dự án thử nghiệm, thiếu tính đồng bộ và thống nhất trong phạm vi toàn quốc. Kiến thức, thái độ và hành vi của cộng đồng về việc dự phòng, sàng lọc phát hiện sớm ung thư cổ tử cung còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, chi phí cho các loại xét nghiệm sàng lọc chủ yếu từ tiền túi của người dân trong khi các biện pháp sàng lọc hiện đại như xét nghiệm tế bào học dịch cổ tử cung, xét nghiệm tìm vật chất di truyền của HPV… đều có chi phí khá cao và chưa có bảo hiểm y tế chi trả. Đây cũng là một trong những rào cản lớn nhất trong việc tăng cường tiếp cận, mở rộng dịch vụ sàng lọc, thực hiện có hiệu quả việc phòng ngừa, phát hiện sớm và điều trị kịp thời ung thư cổ tử cung ở Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị, thông qua tọa đàm các đại biểu thảo luận tìm ra giải pháp để cải thiện việc tiếp cận các dịch vụ dự phòng và sàng lọc ung thư cổ tử cung, cụ thể như nâng cao tỷ lệ tiêm phòng HPV và sàng lọc định kỳ trong cộng đồng, đặc biệt tại vùng sâu, vùng xa; ứng dụng các giải pháp công nghệ trong chẩn đoán, điều trị và quản lý bệnh; cũng như tăng cường sự hợp tác liên ngành và huy động các nguồn lực xã hội hóa để đảm bảo tính bền vững của các chương trình, góp phần giảm tỷ lệ mắc và tử vong do ung thư cổ tử cung, tiến tới loại trừ bệnh này tại Việt Nam trong thời gian tới.

Toàn cảnh tọa đàm.

Chia sẻ về chính sách và dự phòng kiểm soát ung thư cổ tử cung tại Việt Nam, Ths.BS Đinh Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em cho biết: Kế hoạch hành động quốc gia về dự phòng và kiểm soát ung thư cổ tử cung giai đoạn 2016-2025 của Bộ Y tế đã đề ra mục tiêu là 25% phụ nữ và trẻ em gái được tiêm vaccine HPV, 60% phụ nữ tuổi 30-54 được sàng lọc và 90% phụ nữ có tổn thương cổ tử cung được điều trị. Tuy nhiên, dù đã có nhiều cố gắng, chúng ta vẫn chưa đạt được mục tiêu về tiêm vắc xin và sàng lọc.

Với những tiến bộ vượt bậc trong khoa học kỹ thuật, đặc biệt là sự phát triển của vaccine phòng ngừa, các biện pháp sàng lọc, phát hiện sớm và điều trị hiệu quả các tổn thương tiền ung thư đang có cơ hội lớn để giảm thiểu gánh nặng và tiến tới loại trừ hoàn toàn căn bệnh ung thư cổ tử cung.

“Để đạt được mục tiêu cao cả này phải đối mặt và vượt qua nhiều thách thức, không chỉ về mặt kỹ thuật mà còn về cơ chế, chính sách. Đặc biệt, sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan là yếu tố quan trọng để đảm bảo việc cung cấp các dịch vụ dự phòng và sàng lọc với chất lượng cao và chi phí hợp lý hơn.”- Ths.BS Đinh Anh Tuấn cho biết.

Ths.BS Đinh Anh Tuấn cho biết thêm, để góp phần thúc đẩy các giải pháp phòng chống, ung thư tại Việt Nam, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 104/NQ-CP ngày 15/08/2022, trong đó nhất trí đưa vaccine HPV vào Chương trình Tiêm chủng Mở rộng (TCMR) từ năm 2026. Đồng thời, Bộ Y tế cũng đã triển khai Đề án chăm sóc sức khỏe sinh sản cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp và khu chế xuất. Đề án này đưa ra các giải pháp xã hội hóa, nhằm mở rộng cơ hội tiếp cận dịch vụ sàng lọc ung thư cổ tử cung cho phụ nữ, với mức chi phí phù hợp, góp phần tăng cường công tác phòng ngừa và phát hiện sớm căn bệnh nguy hiểm này.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cùng các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại tọa đàm.

Tại tọa đàm, các đại biểu đã thảo luận một số nội dung như: tổng quan chính sách và dự phòng kiểm soát ung thư cổ tử cung tại Việt Nam; dịch tễ học và chương trình sàng lọc ung thư cổ tử cung trên thế giới và tại Việt Nam; chương trình sàng lọc ung thư cổ tử cung tại Malaysia; Chiến lược quốc gia loại trừ ung thư cổ tử cung tại Úc - Con đường hướng tới mục tiêu loại trừ hoàn toàn ung thư cổ tử cung; các yếu tố trong chiến lược quốc gia loại trừ ung thư cổ tử cung; các bước triển khai chiến lược quốc gia loại trừ ung thư cổ tử cung…/.

 


Thăm dò ý kiến