Để mọi người dân đều được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe có chất lượng
12/12/2024 | 15:04 PM
|
Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định mục tiêu phát triển mạng lưới cơ sở y tế theo định hướng công bằng, hiệu quả, phát triển và hội nhập quốc tế. Theo đó, phát triển hệ thống các cơ sở khám chữa bệnh hiện đại, ngang tầm các nước.
|
Các bệnh viện trên địa bàn thành phố Vinh (Nghệ An) đang không ngừng phấn đấu trở thành bệnh viện vùng. Trong ảnh: theo dõi trẻ sơ sinh tại khoa Hồi sức Cấp cứu Sơ sinh, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An. |
Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế do Thủ tướng Chính phủ ban hành được xây dựng phù hợp với định hướng, tầm nhìn phát triển đất nước, chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, quy hoạch tổng thể quốc gia và các quy hoạch cấp quốc gia khác có liên quan. Phát triển mạng lưới cơ sở y tế bảo đảm cung ứng dịch vụ toàn diện, lồng ghép và liên tục để mọi người dân được tiếp cận thuận lợi các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe với chi phí hợp lý, nhằm nâng cao sức khỏe cả về thể chất và tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ, chất lượng cuộc sống của người Việt Nam; bảo đảm an ninh y tế, ứng phó kịp thời với biến đổi khí hậu và các tình huống khẩn cấp.
Mặt khác, phát triển mạng lưới cơ sở y tế bảo đảm tính cân đối, đồng bộ, kết nối và hiệu quả giữa mạng lưới cơ sở y tế cấp quốc gia với mạng lưới cơ sở y tế địa phương, trên cơ sở ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số, phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế. Phát triển mạng lưới cơ sở y tế theo hướng kết hợp hài hòa giữa y tế cơ sở và y tế chuyên sâu; giữa y học cổ truyền với y học hiện đại; giữa y tế lực lượng vũ trang và dân y gắn với xây dựng tiềm lực y tế quốc phòng, an ninh.
Bảo đảm cung cấp các dịch vụ y tế cho các khu vực khó khăn, từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các khu vực, vùng, miền, hướng tới mục tiêu mọi người dân đều được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe có chất lượng.
PGS, TS Phan Lê Thu Hằng, Phó Vụ trưởng Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế), cho biết: Phát triển mạng lưới cơ sở y tế theo định hướng công bằng, hiệu quả, phát triển và hội nhập quốc tế được thực hiện thông qua việc phát triển năng lực chuyên môn kỹ thuật cấp chăm sóc chuyên sâu (trong đó một số bệnh viện được phát triển bệnh viện chuyên sâu kỹ thuật cao, hiện đại, ngang tầm các nước phát triển trong khu vực và quốc tế); gia tăng tổng nguồn cung các dịch vụ chăm sóc chuyên sâu tuyến cuối, bao gồm cả tổng cung và cung dịch vụ chuyên sâu tuyến cuối của một số chuyên khoa ưu tiên như ung bướu, tim mạch, sản/sản - nhi, lão khoa, phục hồi chức năng, y học cổ truyền, truyền nhiễm; cải thiện sự phân bổ trên không gian địa lý của các bệnh viện cung ứng dịch vụ chăm sóc chuyên sâu tuyến cuối nhằm cải thiện khả năng tiếp cận địa lý (nâng cấp một số bệnh viện đa khoa, bệnh viện chuyên khoa cấp tỉnh để đảm nhận chức năng vùng, phát triển mạng lưới cơ sở vệ tinh của các bệnh viện tuyến trung ương, xây mới một số bệnh viện tuyến trung ương tại khu vực Tây nguyên, đồng bằng sông Cửu Long...)
|
Bệnh viện đa khoa tỉnh Sơn La không ngừng nâng cao chất lượng đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân trên địa bàn. |
Về định hướng dài hạn, Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế có đề cập tới sự hình thành hai khu phức hợp y tế chuyên sâu khi có đủ điều kiện tại hai miền nam-bắc. Khu phức hợp y tế được nhiều chuyên gia xem là mô hình có thể giúp tạo cú hích cho hoạt động đổi mới sáng tạo và phát triển kỹ thuật cao của toàn ngành y tế, phù hợp với mục tiêu kiến tạo một hệ thống y tế hiện đại, tiên tiến cũng như quan điểm coi y tế là một ngành dịch vụ có khả năng đóng góp trực tiếp cho tăng trưởng kinh tế.
Khu phức hợp y tế được xem phù hợp nhất với các cơ sở y tế có hệ thống phòng xét nghiệm lớn và phức tạp; các trung tâm nghiên cứu và phát triển y sinh học công nghệ cao; các cơ sở đào tạo nhân lực y tế lớn; các cơ sở khám chữa bệnh (bệnh viện và phòng khám) kỹ thuật cao; các cơ sở nghiên cứu sản xuất dược phẩm, chế phẩm sinh học và trang thiết bị y tế công nghệ cao…
Mô hình này đem lại nhiều lợi thế. Tạo không gian cho sự hợp tác, chia sẻ hạ tầng kỹ thuật y tế dùng chung giữa các cơ sở y tế, đặc biệt là giữa các hệ thống labo; tạo không gian liên kết giữa nghiên cứu, phát triển, đào tạo nhân lực và thiết kế sản xuất các sản phẩm y dược công nghệ cao; thuận lợi cho đầu tư và vận hành một số hạng mục hạ tầng kỹ thuật chung cho các cơ sở trong khu phức hợp; thuận lợi cho việc thiết kế đề án đầu tư trọng điểm (đòi hỏi nguồn vốn đầu tư tập trung với quy mô lớn); và phần nào đó thuận lợi cho công tác chuẩn bị đầu tư vì chỉ cần bảo đảm mặt bằng một lần tại một vị trí, thay vì cần giải quyết công tác bảo đảm mặt bằng nhiều lần tại nhiều địa điểm khác nhau.
Phân tích về năng lực của hệ thống y tế sau năm 2030 các chuyên gia trong ngành y tế lưu ý, việc triển khai thực hiện các giải pháp chính sách một cách đồng bộ về đổi mới phương thức cung ứng dịch vụ y tế theo hướng chú trọng tới chăm sóc sức khỏe ban đầu, nâng cao sức khỏe, phòng bệnh cũng như các giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ y tế; phát triển nguồn nhân lực y tế; đổi mới cơ chế tài chính y tế sẽ nâng cao năng lực đáp ứng của hệ thống y tế Việt Nam.
Người dân sẽ chủ yếu sử dụng dịch vụ y tế ở tuyến y tế cơ sở và khi đó nhu cầu sử dụng dịch vụ y tế tuyến cuối chủ yếu sẽ tập trung vào các dịch vụ y tế chuyên sâu. Do đó, sau năm 2030 cần phải tập trung phát triển và mở rộng thêm các trung tâm y tế chuyên sâu (ung bướu, tim mạch, lão khoa, nội tiết, tâm thần) gắn với hệ thống bệnh viện đa khoa cũng như phát triển hệ thống bệnh viện chuyên khoa thuộc một số lĩnh vực ưu tiên như: ung bướu, tim mạch, lão khoa để đáp ứng sự thay đổi của mô hình bệnh tật trong những năm sau 2030.
Để hiện thực mục tiêu đó, Quy hoạch xác định huy động và sử dụng có hiệu quả vốn đầu tư từ các nguồn ngân sách nhà nước; nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi, viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài dành cho Việt Nam; quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp của cơ sở y tế; nguồn đầu tư tư nhân; các nguồn kinh phí hợp pháp khác.
Mặt khác, sử dụng hiệu quả đầu tư công để kích hoạt, huy động, thu hút mọi nguồn lực xã hội, nhất là nguồn lực tư nhân tham gia các công trình đầu tư phát triển các cơ sở y tế theo quy hoạch. Ưu tiên đầu tư công phát triển cơ sở hạ tầng đối với mạng lưới cơ sở y tế tại các khu vực có điều kiện kinh tế khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển, đảo và các lĩnh vực hạn chế về nguồn thu.
Nguồn: nhandan.vn
Tin liên quan
- Bộ Y tế đề xuất quy định mới áp dụng tiêu chuẩn GMP với các thuốc có nguy cơ cao
- Việt Nam có khoảng 2,5 triệu người khuyết tật nghe nói
- Tận dụng cơ cấu dân số vàng cho kỷ nguyên mới
- Kinh nghiệm của các nước trong thực thi quy định cấm thuốc lá mới
- Hội thảo Đối thoại chính sách “Thúc đẩy chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc, vắc-xin tại Việt Nam: Kinh nghiệm quốc tế và đề xuất giải pháp”
- Số vụ ngộ độc thực phẩm trên cả nước gia tăng
- Ngộ độc rượu làm nhiều người nhập viện, Bộ Y tế cảnh báo rượu không có nguồn gốc