Các bệnh viện cần đảm bảo khám, cấp cứu trong mưa lũ, thiên tai
30/11/2024 | 09:20 AM
|
Dự báo, từ tháng 12/2024 đến tháng 2/2025, bão và áp thấp nhiệt đới có thể sẽ ảnh hưởng đến đất liền nước ta, Bộ Y tế đề nghị các địa phương chuẩn bị sẵn sàng ứng cứu khi bị ảnh hưởng của bão lũ, đặc biệt là cấp cứu chấn thương...
Đảm bảo khám, cấp cứu cho người dân trong mưa lũ, thiên tai
Cụ thể, theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ tháng 12/2024 đến tháng 2/2025, hoạt động của bão, áp thấp nhiệt đới trên khu vực biển Đông và ảnh hưởng đến đất liền nước ta có khả năng ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm.
Bão, áp thấp nhiệt đới đổ bộ vào đất liền, có khả năng tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ và các tỉnh phía Nam. Các đợt mưa lớn sẽ tiếp tục xuất hiện tại khu vực Trung và Nam Trung Bộ trong đầu tháng 12/2024.
Bên cạnh đó, không khí lạnh có khả năng hoạt động mạnh trong tháng 12/2024 đến tháng 2/2025 và gây ra các đợt rét đậm, rét hại. Hiện tượng rét đậm, rét hại tại khu vực Bắc Bộ có khả năng xuất hiện trên diện rộng từ nửa cuối tháng 12/2024.
Chính vì vậy, để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại, nhất là tính mạng và tài sản của người dân, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, thực hiện nghiêm các quy định về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Đồng thời, theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo thời tiết trên các phương tiện thông tin đại chúng, chủ động nắm bắt tình hình diễn biến của bão lũ để chủ động các phương án phòng, chống.
Các bệnh viện/viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, xe cấp cứu, cơ số thiết bị y tế, thuốc, vật tư tiêu hao cho tối thiểu 2 đội cấp cứu lưu động (lưu ý các cơ số phục vụ cấp cứu chấn thương) để kịp thời ứng cứu cho các tỉnh chịu ảnh hưởng của bão, mưa lũ khi được lệnh điều động.
Bộ Y tế cũng đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo và chịu trách nhiệm giám sát kiểm tra các bệnh viện, các đơn vị trực thuộc về việc chuẩn bị sẵn sàng ứng cứu khi bị ảnh hưởng của bão lũ, đặc biệt là cấp cứu chấn thương; bảo đảm liên thông đường dây liên lạc liên tục 24/24 với các đơn vị cấp cứu để sẵn sàng tham gia ứng cứu khi được điều động.
Rà soát, điều chỉnh, bổ sung dự trữ thuốc, hóa chất, vật tư y tế phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn mùa mưa bão theo phương châm "bốn tại chỗ"; đảm bảo cung ứng đủ thuốc chữa bệnh thiết yếu cho nhân dân, không để bị động, bất ngờ.
Tổ chức công tác vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế; ổn định công tác khám bệnh, chữa bệnh cho người dân sau mưa lũ.
Tuyên truyền tới người dân thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, giữ ấm, đặc biệt là người già, trẻ nhỏ, học sinh, đề phòng các biến chứng về hô hấp và tim mạch.
Nguồn: chinhphu.vn
Tin liên quan
- Bộ Y tế đề xuất quy định mới áp dụng tiêu chuẩn GMP với các thuốc có nguy cơ cao
- Việt Nam có khoảng 2,5 triệu người khuyết tật nghe nói
- Tận dụng cơ cấu dân số vàng cho kỷ nguyên mới
- Kinh nghiệm của các nước trong thực thi quy định cấm thuốc lá mới
- Hội thảo Đối thoại chính sách “Thúc đẩy chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc, vắc-xin tại Việt Nam: Kinh nghiệm quốc tế và đề xuất giải pháp”
- Số vụ ngộ độc thực phẩm trên cả nước gia tăng
- Ngộ độc rượu làm nhiều người nhập viện, Bộ Y tế cảnh báo rượu không có nguồn gốc