Kết hợp Đông – Tây y phòng và điều trị bệnh trị đột quỵ não
24/12/2024 | 14:15 PM
|
Đột quỵ não là một nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn tật trên toàn thế giới. Việc tìm ra các phương pháp phòng, điều trị và phục hồi chức năng hiệu quả là một thách thức lớn đối với ngành y tế. Sự kết hợp giữa Đông y và Tây y đang mở ra những triển vọng mới.
TTND.PGS.TS Đậu Xuân Cảnh, Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam báo cáo tại Hội nghị - Ảnh: VGP/HM
Tại Hội nghị khoa học kết hợp Đông - Tây y trong phòng ngừa, điều trị và phục hồi chức năng cho bệnh nhân đột quỵ não tổ chức ngày 23/12, TTND.PGS.TS Đậu Xuân Cảnh, Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam cho biết, trên thế giới, hàng năm ghi nhận khoảng 12,2 triệu người bị đột quỵ não, trong đó khoảng 16% là người trẻ từ 15 đến 49 tuổi.
Riêng tại Hoa kỳ, mỗi năm có trên 795.000 người bị đột quỵ, trong số này có trên 610.000 là các trường hợp đột quỵ lần đầu, 185.000 là các trường hợp tái phát. Ở Việt Nam, có số người mắc bệnh đột quỵ não hàng năm gần 200.000 người.
Đột quỵ não là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn tật trên toàn thế giới. Việc tìm ra các phương pháp phòng ngừa, điều trị và phục hồi chức năng hiệu quả là một thách thức lớn đối với ngành y tế. Trong bối cảnh đó, sự kết hợp giữa Đông y và Tây y đang mở ra những triển vọng mới, tận dụng những ưu điểm của hai hệ thống để mang lại hiệu quả điều trị tốt nhất cho người bệnh.
Toàn cảnh Hội nghị - Ảnh: VGP/HM
Nhiều phương pháp Đông y phòng ngừa tắc mạch
Theo PGS.TS Đậu Xuân Cảnh, Đông y có vai trò lớn trong phòng và điều trị đột quỵ não, đặc biệt, các yếu tố nguy cơ có thể phòng được.
Cụ thể, nhiễm lạnh có thể gây đột quỵ mà người dân thường không để ý. Nếu không phòng chống lạnh tốt, nhất là mùa đông, có thể đột quỵ bất cứ lúc nào, đặc biệt với những người có nguy cơ cao như: uống rượu, tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu… mà không được kiểm soát.
Khi cơ thể nhiễm lạnh, có thể gây tình trạng đông huyết, cục máu đông hình thành trong lòng mạch máu, di chuyển tới mạch máu não và gây đột quỵ.
Để phòng chống lạnh, người dân không nên tắm quá muộn vào buổi tối. Mùa đông lưu ý chống lạnh bằng cách mặc quần áo ấm, bật sưởi; mùa hè không để nhiệt độ quá lạnh…
"Tây y có thể điều trị rất tốt các tình trạng như đái tháo đường, tăng huyết áp… nhưng phòng chống lạnh, các biện pháp của y học cổ truyền lại rất hiệu quả, bằng cách kết hợp ăn uống với dưỡng sinh, nâng cao sức khỏe. Trường hợp không may bị đột quỵ não, các phương pháp tập luyện, dưỡng sinh dưới sự hướng dẫn của thầy thuốc, sẽ giúp người bệnh phục hồi chức năng sớm", PGS Đậu Xuân Cảnh chia sẻ.
Cũng theo PGS.TS Đậu Xuân Cảnh, bên cạnh các phương pháp về Tây y, những phương pháp điều trị đa dạng và kinh nghiệm lâu đời của y học cổ truyền cũng giúp giảm nguy cơ mắc bệnh đột quỵ và có thể hỗ trợ tích cực trong quá trình phục hồi chức năng cho người bệnh.
Các phương pháp như châm cứu, bấm huyệt, xoa bóp và thảo dược có thể giúp cải thiện tuần hoàn máu, phục hồi chức năng vận động, giảm thiểu di chứng và hỗ trợ bệnh nhân trong quá trình hồi phục.
Đông y cũng có rất nhiều phương pháp, bài thuốc, điển hình là các bài thuốc có tác dụng hoạt huyết, nhằn phòng ngừa và hỗ trợ điều trị tắc mạch.
Tuy nhiên, khi áp dụng y học cổ truyền, người bệnh cần được thực hiện dưới sự hướng dẫn của các thầy thuốc có chuyên môn để đảm bảo hiệu quả và an toàn, đặc biệt khi kết hợp với các phương pháp điều trị Tây y, Chủ tịch Hội Đông y khuyến cáo.
Nguồn: chinhphu.vn
Tin liên quan
- Bộ Y tế đề xuất quy định mới áp dụng tiêu chuẩn GMP với các thuốc có nguy cơ cao
- Việt Nam có khoảng 2,5 triệu người khuyết tật nghe nói
- Tận dụng cơ cấu dân số vàng cho kỷ nguyên mới
- Kinh nghiệm của các nước trong thực thi quy định cấm thuốc lá mới
- Hội thảo Đối thoại chính sách “Thúc đẩy chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc, vắc-xin tại Việt Nam: Kinh nghiệm quốc tế và đề xuất giải pháp”
- Số vụ ngộ độc thực phẩm trên cả nước gia tăng
- Ngộ độc rượu làm nhiều người nhập viện, Bộ Y tế cảnh báo rượu không có nguồn gốc