Toạ đàm ‘Phòng tránh sốt xuất huyết - Những giải pháp nào hiệu quả?’
29/11/2024 | 14:12 PM
|
Hiện nay, sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Vắc-xin phòng bệnh đã có, tuy nhiên chưa được sử dụng rộng rãi. Phòng, chống sốt xuất huyết đến nay vẫn chủ yếu dựa vào phòng, chống véc-tơ và sự thay đổi hành vi, thói quen của người dân. Vậy để phòng tránh sốt xuất huyết, chúng ta cần những giải pháp nào để ngăn ngừa, điều trị hiệu quả?
Tọa đàm sẽ bàn những giải pháp để phòng tránh, ngăn ngừa sốt xuất huyết hiệu quả
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm do trung gian muỗi vằn truyền với tốc độ lây lan nhanh trên thế giới. Bệnh lây lan nhanh chóng về mặt địa lý và ngày càng có thêm nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ mới lưu hành sốt xuất huyết.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, hiện có khoảng 2,5 tỷ người sống trong vùng sốt xuất huyết lưu hành; trong đó 1,8 tỷ người thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Sốt xuất huyết đe dọa tới sức khỏe, tính mạng của khoảng một nửa dân số thế giới, với ước tính khoảng 100 - 400 triệu ca nhiễm bệnh xảy ra mỗi năm.
Đến nay, sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Vắc-xin phòng bệnh đã có, tuy nhiên chưa được sử dụng rộng rãi.
Tại Việt Nam, sốt xuất huyết đã lưu hành ở hầu hết các địa phương trên cả nước. Sốt xuất huyết là nguyên nhân làm cho khoảng 100.000 trường hợp phải nhập viện và gần 100 trường hợp tử vong mỗi năm, trong đó có nhiều trường hợp là trẻ em.
Sốt xuất huyết không chỉ làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần của người bệnh và gia đình mà còn làm tổn thất đến kinh tế, xã hội và gia tăng nguy cơ đói nghèo.
Hiện nay, có nhiều yếu tố khiến sốt xuất huyết trở nên lan rộng hơn, đó là biến đổi khí hậu, yếu tố di cư, du lịch, đô thị hóa.... Những yếu tố này đã góp phần biến sốt xuất huyết không còn là bệnh theo chu kỳ, xuất hiện quanh năm, có xu hướng mở rộng các vùng lưu hành dịch.
Thời gian qua, phòng, chống sốt xuất huyết luôn được Đảng, Nhà nước, Chính phủ đặc biệt quan tâm; chương trình phòng, chống sốt xuất huyết được đưa vào Chương trình mục tiêu quốc gia hơn 10 năm qua, đã góp phần đạt 3 mục tiêu, đó là giảm tỷ lệ mắc, giảm tỷ lệ tử vong và khống chế không xảy ra dịch lớn. Mặc dù vậy, do nhiều nguyên nhân cả chủ quan và khách quan đang khiến việc kiểm soát, phòng, chống sốt xuất huyết gặp khó khăn và thách thức.
Chính phủ Việt Nam xác định công tác phòng, chống sốt xuất huyết không chỉ là vấn đề của riêng ngành Y tế mà cần sự vào cuộc các cả hệ thống chính trị, sự tham gia phối hợp của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị xã hội, bạn bè quốc tế, người dân, cộng đồng và toàn xã hội.
Để phân tích, luận bàn, tìm ra những giải pháp để phòng chống, ngăn ngừa bệnh sốt xuất huyết, để sốt xuất huyết không còn là một gánh nặng đối với sức khỏe người dân Việt Nam, Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức Toạ đàm "Phòng tránh sốt xuất huyết - Những giải pháp nào hiệu quả?" với sự tham gia của các vị khách mời là lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia y tế và đại diện doanh nghiệp.
Tọa đàm diễn ra vào 09h ngày 03/12/2024 tại trường quay của Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, 16 Lê Hồng Phong, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội.
Nguồn: chinhphu.vn
Tin liên quan
- Bộ Y tế đề xuất quy định mới áp dụng tiêu chuẩn GMP với các thuốc có nguy cơ cao
- Việt Nam có khoảng 2,5 triệu người khuyết tật nghe nói
- Tận dụng cơ cấu dân số vàng cho kỷ nguyên mới
- Kinh nghiệm của các nước trong thực thi quy định cấm thuốc lá mới
- Hội thảo Đối thoại chính sách “Thúc đẩy chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc, vắc-xin tại Việt Nam: Kinh nghiệm quốc tế và đề xuất giải pháp”
- Số vụ ngộ độc thực phẩm trên cả nước gia tăng
- Ngộ độc rượu làm nhiều người nhập viện, Bộ Y tế cảnh báo rượu không có nguồn gốc