Tai nạn thương tích rình rập trẻ em trong dịp Hè: Hậu quả nặng nề
26/06/2024 | 15:56 PM
|
Thống kê của Cục Quản lý Môi trường (Bộ Y tế) cho thấy mỗi năm, cả nước có hơn 370.000 trẻ em dưới 16 tuổi bị tai nạn thương tích, trong đó 6.600 trường hợp tử vong.
Bệnh nhi bị bỏng đang được điều trị tại Khoa Bỏng - Chỉnh trực, Bệnh viện Nhi đồng 2 Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)
Mặc dù đã được khuyến cáo rất nhiều nhưng năm nào cũng vậy, cứ vào dịp Hè, tai nạn thương tích ở trẻ em lại gia tăng, để lại hậu quả nặng nề đối với thể chất và tâm lý của trẻ.
Điều đáng nói là phần lớn những tai nạn này hoàn toàn có thể phòng ngừa, giảm thiểu hậu quả nếu người lớn quan tâm, chú ý hơn.
Tai nạn thương tích rình rập trẻ em những ngày Hè
Nghỉ hè, cứ chiều chiều, bé trai Ksor Y Phát (12 tuổi, ngụ tỉnh Đắk Lắk) lại chơi thả diều cùng chúng bạn. Chiều 10/6, khi đang thả diều với bạn, dây diều của Phát cùng một bạn nữa bị vướng vào mái nhà.
Không ý thức được nguy hiểm, Y Phát leo lên mái nhà để gỡ dây diều thì bị điện giật. Em bị bỏng nửa thân dưới. Sau khi sơ cứu tại địa phương, Y Phát được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 2 để tiếp tục điều trị, ghép da.
Nằm cạnh Y Phát, bé gái Lâm Hạnh Dung (9 tuổi, ngụ tỉnh Bình Dương) cũng không ngừng rên rỉ vì đau đớn. 10 ngày trước, trong lúc đi xe đạp ở sân nhà hàng xóm, bé Hạnh Dung bị ngã, xe đạp vướng vào nồi nước sôi khiến nước đổ ụp lên người. Em bị bỏng nặng từ vai đến mông.
"Bình thường bé đi học nhưng mấy nay nghỉ Hè nên con về nhà chơi với ông bà, mới được mấy hôm thì tai nạn xảy ra, nhìn con đau đớn mà tôi như đứt từng khúc ruột," chị Lam Phương, mẹ Hạnh Dung chia sẻ trong nước mắt.
Đây chỉ là hai trong nhiều trường hợp trẻ em bị tai nạn thương tích đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2 Thành phố Hồ Chí Minh.
Bác sỹ Lê Hải Lợi, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết tai nạn thương tích trẻ em thường xảy ra quanh năm nhưng thường gia tăng vào những ngày Hè. Trung bình mỗi ngày, Bệnh viện Nhi đồng 2 tiếp nhận từ 2-3 trường hợp tai nạn thương tích, trong đó phổ biến là tai nạn giao thông, đuối nước, té ngã do leo trèo, bị rắn hoặc côn trùng cắn…
Mới đây, Bệnh viện Nhi đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh tiếp nhận một bé gái 11 tuổi (ngụ tỉnh Kiên Giang) nhập viện vì bị rắn độc cắn. Người nhà cho biết ngày 6/6, bé đi ra vườn thì bị rắn cắn ở vùng cổ chân phải, nghi là rắn hổ đất. Sau đó, bé gái rơi vào tình trạng lơ mơ, thở mệt, được đưa đến bệnh viện địa phương xử trí ban đầu và chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng 1.
Khi đến Bệnh viện Nhi đồng 1, bệnh nhi đã rơi vào hôn mê, suy hô hấp nặng kèm sưng bầm vùng cổ chân phải với dấu rắn cắn ở mắt cá trong.
Ngay lập tức, bệnh nhi được đặt nội khí quản thở máy, hội chẩn truyền 8 lọ huyết thanh kháng nọc rắn hổ đất. Hiện tại bệnh nhi tỉnh táo, thở bình thường, ăn uống được, vết thương rắn cắn tiến triển tốt.
Cùng với rắn cắn, từ đầu Hè đến nay, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố Hồ Chí Minh cũng tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ bị ong đốt.
Bác sỹ Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện, cho biết Hè là thời điểm trẻ được nghỉ học, đi du lịch, về quê hoặc không được gia đình kiểm soát chặt chẽ. Các tai nạn thường gặp gồm bỏng (điện, xăng, hóa chất), đuối nước, ong đốt, rắn cắn, tai nạn giao thông…
Hậu quả nặng nề
Thống kê của Cục Quản lý Môi trường (Bộ Y tế) cho thấy mỗi năm, cả nước có hơn 370.000 trẻ em dưới 16 tuổi bị tai nạn thương tích, trong đó 6.600 trường hợp tử vong.
Riêng tại Thành phố Hồ Chí Minh, trong năm 2023, có hơn 19.000 trường hợp tai nạn thương tích xảy ra ở trẻ em dưới 16 tuổi, trong đó có hơn 8.000 trường hợp xảy ra tại nhà. Như vậy, mỗi ngày, ở Việt Nam có hàng trăm trẻ em và người chưa thành niên bị tai nạn thương tích.
Tai nạn thương tích thường để lại hậu quả rất nặng nề đối với trẻ em. Như trường hợp của bé M.T (12 tuổi, ngụ tỉnh Kiên Giang) bị tai nạn giao thông khiến hai chân bị đứt lìa, dập vỡ tầng sinh môn và các tổn thương nặng khác.
Được chuyển khẩn cấp lên Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, bé gái ngay lập tức được phẫu thuật tháo khớp háng hai bên, làm hậu môn tạm. Tỉnh dậy sau ca phẫu thuật, bé M.T khóc rất nhiều, em vẫn không tin là mình đã vĩnh viễn mất đi đôi chân.
Xoa dịu con trên giường bệnh, chị M.N (mẹ bé M.T) phải nuốt nước mắt vào trong. Chị không biết tương lai sau này của con gái mình sẽ ra sao khi không còn đôi chân nữa.
Những ngày đầu tháng Sáu, vụ việc hai bé gái bị đuối nước tử vong tại một bể bơi khi đang đi du lịch cùng gia đình ở Quảng Ninh khiến nhiều người bàng hoàng.
Trong lúc người lớn không chú ý, các em bị rơi xuống bể bơi trong căn hộ, được đưa đi cấp cứu nhưng bé gái 4 tuổi đã tử vong sau đó 1 ngày, còn chị gái 7 tuổi tiếp tục được lọc máu tại bệnh viện nhưng không qua khỏi.
Theo các bác sỹ, hậu quả mà tai nạn thương tích gây ra cho trẻ em là vô cùng nặng nề, ảnh hưởng đến thể chất, tâm lý của trẻ, thậm chí là tử vong. Do đó, phụ huynh cần có trách nhiệm phòng ngừa tai nạn thương tích cho trẻ em.
Các bác sỹ khuyến cáo trong những ngày Hè, phụ huynh cần trông coi trẻ cẩn thận, giáo dục trẻ không tham gia vào các trò chơi có thể gây nguy hiểm. Dù ở độ tuổi nào, phụ huynh cũng không nên để trẻ ở nhà một mình hoặc tự đi chơi.
Phụ huynh cần trang bị cho con một số kiến thức tự bảo vệ bản thân khi ở nhà một mình và phải tập cho trẻ một số kỹ năng xử lý tình huống có thể xảy ra.
Riêng phụ huynh, khi có ý định đưa con đi du lịch nên tìm hiểu kỹ các nguy cơ mà con có thể gặp phải và cần trang bị cho mình các kỹ năng sơ cấp cứu cơ bản để xử trí kịp thời các tình huống tai nạn.
Theo (TTXVN/Vietnam+)
Tin liên quan
- Ăn nhầm lá hoa thủy tiên, 2 trẻ bị ngộ độc nặng
- Mỗi năm có hơn 1,1 triệu trường hợp mắc tai nạn thương tích
- Phú Thọ tăng cường phòng, chống bệnh dại
- Dùng huyết thanh kháng nọc điều trị thành công nữ sinh 15 tuổi bị rắn cắn
- Sau 2 tháng bị chó dại cắn, bé trai 11 tuổi tử vong vì chữa bằng thuốc nam
- Cảnh báo nát bàn tay, mất ngón tay vì pháo tự chế
- Đã tìm thấy 5 thi thể học sinh đuối nước ở Phú Thọ